Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một lần được nghe Bác Hồ nói chuyện

Sư đoàn chúng tôi là một trong các lực lượng bộ đội con em miền Nam tập kết ra miền Bắc theo quy định của Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương. Đơn vị tôi làm nhiệm vụ xây dựng doanh trại cho các đơn vị thuộc Sư đoàn bộ đóng quân trên vùng đồi Xuân Mai thuộc huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây).

Ảnh minh họa.

Năm 1958, sau một nắm chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam dưới cây gậy chỉ huy của đế quốc Mỹ, chẳng những lật lộng không chịu cùng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thực hiện Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước như quy định của Hiệp định Genève, mà còn xua quân đàn áp, bắn giết rất dã man đồng bào ta, cả miền Nam bị dìm trong máu lửa.

Mặc dầu nhớ thương đồng bào, bà con ruột thịt vô cùng da diết, có thể nói luôn sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” nhưng tất cả các đơn vị bộ đội miền Nam đều hòa cùng khí thế của toàn quân hăng hái tham gia các phong trào thi đua tiến nhanh vượt mức kế hoạch “Vì miền Nam ruột thịt” của toàn miền Bắc. Các phong trào lúc ấy mang tên “Cờ ba nhất” của quân đội, “Sóng Duyên Hải” của lực lượng công nhân, “Gió Đại Phong” của tầng lớp nông dân như tiếp thêm sức mạnh cho đơn vị chúng tôi hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch trên giao, trong đó có sự góp công vào việc hoàn thành công trình đại thủy nông Bắc – Hưng – Hải. Những năm giữa cuối thập kỷ năm mươi cả miền Bắc như một công trường vĩ đại, người người ngày đêm lao động quên mình trên tất cả các lĩnh vực để hàn gắn vết thương chiến tranh do thực dân Pháp xâm lược gây ra và để xây dựng chế độ mới làm vai trò hậu phương lớn đấu tranh giành thống nhất nước nhà.

Tôi không thể nào quên cái buổi sáng mùa hạ hôm ấy trên đồi Xuân Mai, mặc dù đã cách đây 35 năm rồi!

Ngày hôm trước buổi sáng ghi nhớ ấy, tiểu đội tôi được giao nhiệm vụ đi chở cây ở Hòa Bình. Chiều về cả doanh trại của đơn vị chỉ còn một đồng chí trực nhật cho biết: Lệnh của Sư đoàn điều cả Tiểu đoàn đi sửa sang lại mặt đường từ bến phà đến Sư đoàn bộ. Đó là đoạn đường từ Quốc lộ 6 – Hà Nội đi Hòa Bình rẽ vào đường tỉnh lộ số 21 ở ngã 3 Xuân Mai qua phà sông Tích Giang (thường gọi là phà Xuân Mai) đến Bộ Tư lệnh sư đoàn.

Tối đến, anh em về cho biết: Sửa sang lại đường sá cho sạch đẹp để đón lãnh đạo Trung ương về thăm Sư đoàn. Đêm ấy, anh em cả đơn vị chúng tôi rì rầm bàn tán, “đoán già đoán non” với nhau. Người đoán là bác Tôn Đức Thắng; người nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người lại đoán chắc Bác Hồ, vì Bác Tôn và Võ Đại tướng đã vào thăm Sư đoàn một vài lần rồi. Đêm ấy chúng tôi ngủ trong giấc ngủ hồi hộp, đợi mong.

Trước 5 giờ sáng mùa hạ năm ấy, toàn đơn vị ai nấy đều đã có mặt trước doanh trại với trang phục rất chỉnh tề. Chúng tôi hành quân đến sân Sư đoàn bộ. Mặc dù chưa đến 6 giờ sáng, nhưng các đơn vị bạn đã có mặt gần như đông đủ, tuy lệnh của sư đoàn tập hợp tất cả đơn vị đúng 6 giờ 30 phút. Được biết, có đơn vị ở xa hàng chục cây số đã đến tập hợp trước 5 giờ sáng. Tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn tập hợp, hàng ngũ chỉnh tề, nghiêm trang như một “khuôn hình chữ nhật màu xanh” nổi bật trên nền đồi đất đỏ vào buổi bình minh.

Phút chờ đợi thường là rất dài…Đồng chí trực ban sư đoàn nhiều lần nhắc nhở, dặn dò tất cả những điều quan trọng.

Trong các hàng quân lại rầm rì, “đoán non đoán già”…

Rồi việc phải đến, đã đến.

Khoảng 7 giờ 30 phút, một đoàn xe từ dốc thoải phía bến phà Xuân Mai đang từ từ chạy đến dãy nhà của Bộ Tư lệnh sư đoàn rồi dừng lại. Cả khối hình chữ nhật màu xanh hơi xao động. Chúng tôi hồi hộp chờ. Những người trong xe bước ra.

- Kia rồi! – Bác Hồ! Trời ơi! Bác!

Cả khối người xôn xao chồm tới và kêu lên gần như một lúc.

Rồi tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm!” nhiều lần vang dội cả một vùng đồi.

Trong bộ quần áo nâu giản dị, trên cổ vắt một tấm khăn mỏng, Bác bước đi nhanh nhẹn nhưng rất ung dung. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Tô Ký, Chính ủy Sư đoàn, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh và các cán bộ của Trung ương theo chân Bác đi thẳng đến nhà ăn, nhà bếp của Sư đoàn bộ một lúc rồi mới tiến đến nơi toàn sư đoàn đang tập hợp.

Cả một rừng người lại xao động. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” lại vang lên. Có một số đồng chí muốn vượt ra khỏi hàng chạy về phía Bác đang đi tới. Đồng chí trực ban Sư đoàn phải hô: “Tất cả, đứng nghiêm!”. Đoàn quân ổn định trở lại, nhưng vẫn còn một ít lao xao…Tôi vô cùng xúc động, lòng rưng rưng, bồi hồi tưởng nhớ đến người thân đang chịu biết bao đau thương ở tận cùng phương Nam của Tổ quốc. Biết bao giờ bà con đồng bào, đồng chí quê hương mới tận nhìn thấy Bác như mình dưới bầu trơi xanh trong yên ả này. Bên cạnh tôi nhiều đồng chí nhìn thẳng về phía Bác, mắt đỏ hoe. Tất cả chúng tôi như đang mơ…

Bác bước ngay lên bục cao, đưa tay vẫy chào cả đoàn quân – những đứa con của Nam Bộ thành đồng.

Tiếng hô khẩu hiệu lại rền vang. Bác đưa cả hai tay hơi cao ra phía trước ra hiệu im lặng. Bác hỏi: “Các chú có nhớ nhà, nhớ miền Nam không?”. Tất cả mọi người đáp: “Thưa Bác, có ạ”. Bác lại hỏi: “Nhớ thì phải làm gì?”. Liền đó, tôi nghe nhiều tiếng đáp lại khe khẻ: “Thưa Bác phải học tập rèn luyện quân đội tiến lên thành chính quy hiện đại”. Rồi sau đó, cả Sư đoàn đồng thanh đáp lời Bác.

Rồi Bác nói chuyện tình hình nhân dân miền Nam đấu tranh anh dũng chống sự đàn áp dã man của Mỹ - Diệm; nhân dân miền Bắc đang ra sức thi đua lao động sản xuất và xây dựng “Vì miền Nam ruột thịt”, nhân dân các nước trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta. Bác dặn dò cán bộ, chiến sĩ phải đoàn kết một lòng, đoàn kết quân dân, giữ gìn kỷ luật, ra sức học tập và rèn luyện đưa bộ đội ta tiến lên chính quy hiện đại làm trụ cột vững chắc cho nhân dân cả nước đấu tranh đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Bác khẳng định: Cuộc đấu tranh của nhân dân ta tuy phải trải qua gian khổ hy sinh, nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi, Bắc – Nam sẽ sum họp một nhà. Ngoài ra Bác còn nhắc nhở một số việc cụ thể đối với sư đoàn, trong đó có việc nên bắc cầu Xuân Mai qua sông Tích Giang, vì cầu này nằm trong khu vực sư đoàn đóng quân để cho nhân dân và bộ đội đi lại dễ dàng, nhanh chóng. Bác lại nói: “Các chú có làm được không?”. Cả đoàn quân dõng dạc đáp: “Thưa Bác, có ạ!”.

Bác nói chuyện khoan thai, ngắn gọn, rõ ràng như người Cha dạy bảo đàn con.

Bầu trời mùa hạ xanh trong. Bóng Bác cao lồng lộng dưới nắng mai. Cả đoàn quân im phăng phắc như nuốt vào lòng mỗi lời Bác dạy.

Đã hơn ba năm từ ngày tập kết ra Bắc, chúng tôi mới được gặp và nghe Bác nói chuyện lần đầu tiên. Mọi người đều tâm niệm và quyết tâm làm theo lời Bác dạy để xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với miền Nam quê hương ruột thịt!

Sau dịp Bác vào thăm, cả sư đoàn dấy lên một khí thế thi đua sôi nổi chưa từng có. Các chương trình, mục tiêu, kế hoạch công tác, học tập và rèn luyện đều hoàn thành vượt thời gian quy định với chất lượng rất cao. Trong đó, được sự giúp đỡ của Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Hà Đông cũ, chỉ trong thời gian rất ngắn, sư đoàn đã xây dựng xong chiếc cầu kiên cố bắc qua sông Tích Giang theo lời Bác dạy, ghi dấu ấn tốt đẹp đối với nhân dân trong vùng. Trong thành quả chung của Sư đoàn, có phần đóng góp của đơn vị chúng tôi.

Ba mươi lăm năm trôi qua. Đất nước biết bao thay đổi. Là một trong những người con ở tận cùng phương Nam của Tổ quốc, trong đời mình tôi rất may mắn và vinh dự được gặp Bác vài lần, nhưng nhớ nhất, kỷ niệm sâu sắc nhất khi còn trong quân ngũ, vẫn là lần duy nhất ấy được nghe Bác nói chuyện.

Nguyễn Thu (Trích Tấm lòng Cà Mau với Bác Hồ) 

Một lần được nghe Bác Hồ nói chuyện