Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tết kháng chiến


Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước sang năm thứ hai. Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc năm ấy, Bác Hồ kính yêu vẫn làm việc như mọi ngày và vẫn ăn ngày hai bữa cơm độn sắn như những bữa bình thường của một gia đình nông dân nghèo Việt Nam.



Đêm cuối năm, trời se se lạnh, mưa phùn không ngớt. Sáng ngày 30 Tết, Bác vẫn tranh thủ thời gian ngồi đọc tài liệu. Buổi chiều Bác đi họp Hội đồng Chính phủ. Sau khi họp xong, Bác lên ô tô đi đến Đài phát thanh để kịp đọc lời chúc mừng năm mới gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Lúc bấy giờ, Đài Tiếng nói Việt Nam sơ tán về ở chùa Trầm thuộc tỉnh Hà Đông (nay là thành phố Hà Nội). Trời tối, gió rét, đường lầy lội, nhưng không quản vất vả, khó khăn Bác vẫn quyết tâm đi đến Đài kịp trước giao thừa. Có lúc xe của Bác bánh bị ngập bùn quá nửa, đi không được, phải xuống đẩy.

Đến gần 12 giờ đêm, trong lúc mọi nhà chuẩn bị đón giao thừa, mừng năm mới, đang quây quần sum họp bên bàn thờ tổ tiên, thì Bác cũng vừa đi đến Đài phát thanh. Bác vui vẻ thăm hỏi mọi người rồi đi thẳng đến Đài đọc lời chúc mừng năm mới. Giọng của Bác âm vang, qua làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam được truyền đến mọi nhà, mọi người.

Sau khi đọc xong, Bác Hồ lên xe trở về nhà. Xe chạy được một quãng cách chỗ ở 2 km thì bị tụt xuống hố, không chạy được nữa. Bác và anh em cùng nhau phải đi bộ dưới trời mua rét của đêm 30 Tết năm ấy.

Đến gần 3 giờ sáng, ngày mồng 1 Tết, Bác mới về đến nơi ở. Lúc bấy giờ thôn xóm đã im lìm trong đêm đầu năm.

Rửa chân tay xong, Bác cùng đồng chí giúp việc chưa đi ngủ mà còn giở cuốn sách của một nhà văn nổi tiếng của Pháp ra đọc.

Khoảng gần 5 giờ sáng ngày mồng một, lúc thôn xóm còn tĩnh mịch đã lên đèn, khói bếp các nhà đã lan tỏa, hòa vào sương sớm, Bác Hồ mới tắt đèn để lên giường nghỉ.

Đến 6 giờ 30 phút sáng, Bác lại trở đậy để làm việc như thường ngày.

Tết kháng chiến