Kể chuyện Bác Hồ
Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác Hồ với Báo Cứu quốc

23/11/2016 09:17


Kể từ năm 1945 đến 1955, Bác Hồ đã viết và đăng trên Báo Cứu quốc khoảng 400 bài báo. Cứu quốc cũng là tờ báo đăng tải thông tin đầy đủ về các sự kiện của đất nước, các hoạt động, các phát biểu, các bài trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra trong thời gian đó. Báo Cứu quốc cũng chính là tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay.


Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam.


Sáng 19/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ phát lệnh Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và chỉ thị cho Báo Cứu quốc rời ngay làng Thu Quế, chuyển về nội thành Hà Nội, sau khi đã in xong và phát hành khắp nơi Báo Cứu quốc số đặc biệt 4 trang, in đỏ, kêu gọi toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa. Từ đó, Báo Cứu quốc xuất bản công khai ở thủ đô Hà Nội, trở thành tờ báo hằng ngày lớn nhất của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Việt Minh thời đó.

Năm 2007, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày ra đời Báo Cứu quốc, nhà báo Hồng Hà, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên phóng viên Báo Cứu quốc có kể lại: “Đó là những năm tháng nhân dân Hà Nội và cả nước hằng ngày đón đọc báo Cứu quốc với niềm tin yêu và sự nhiệt tình khôn tả. Báo thu hút được rất nhiều cộng tác viên là cán bộ quân sự, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng của kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài cho Báo Cứu quốc, đặc biệt trong nhiều năm liền, Người viết chuyên mục “Chuyện gần xa” trên Báo Cứu quốc với bút danh “Ð.X”.”

Mới đây nhất, năm 2014, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách: “Một số tư liệu mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Cứu quốc” do nhà nghiên cứu Vũ Văn Sạch - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) – sưu tầm và chỉnh lý.

Đây là công trình khá công phu, được xây dựng tư liệu về Bác từ nhiều phương diện trên báo Cứu quốc của người có may mắn được tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu đặc biệt quý hiếm của Cục Văn thư và lưu trữ trong đó có khoảng 400 số Báo Cứu quốc chủ yếu từ 1948 đến 1954.
Không chỉ tập hợp những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất bản công khai trên Báo Cứu quốc, mà cả những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các sự kiện gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng các năm 1945-1954. Nói về những bài báo về Bác Hồ trên Báo Cứu quốc, tác giả - ông Vũ Văn Sạch, đánh giá: Những tư liệu này, “đều do người đương thời viết ra và được người đương thời kiểm chứng, có những giá trị “thực lục” không thể phủ nhận”.

Có thể nói, việc nghiên cứu nguồn tư liệu trên Báo Cứu quốc đã có nhiều người làm, nhưng khảo cứu và tiếp cận một cách đầy đủ thì không phải ai cũng có điều kiện bởi vì sau ngày toàn quốc kháng chiến, ngoài Báo Cứu quốc ở chiến khu Việt Bắc còn có những chi nhánh Cứu quốc ở các liên khu. Bởi thế theo ông Vũ Văn Sạch, có nhiều bài viết về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những bài viết của Người chưa được công bố hoặc công bố chưa đầy đủ trong các công trình nghiên cứu, sưu tập từ trước đến nay, kể cả bộ “Hồ Chí Minh toàn tập” (NXB Chính trị quốc gia, 2011).

Ví dụ, tác giả chỉ ra: So với bài “Các báo tới phỏng vấn Hồ Chủ tịch về vấn đề đoàn kết” đăng trên Báo Cứu quốc số 128, ra ngày 28/12/1945, thì bài “Trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo về vấn đề đoàn kết” trong “Hồ Chí Minh toàn tập 2011”, tập 4, tr. 145 - 147 bị thiếu một đoạn khá dài. Xin được giới thiệu lại tại trang 3 số báo này.

Hay ví dụ như  bản “Tuyên ngôn Độc lập” vẫn được in quen thuộc theo bản sao băng ghi âm ở Viện Hồ Chí Minh được mở đầu bằng: “Hỡi đồng bào cả nước”, nhưng theo bản đăng trên Báo Cứu quốc thì còn có danh sách 15 người ký tên công bố bản Tuyên ngôn tức Chủ tịch Hồ Chí Minh và 14 vị Bộ trưởng của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam DCCH ở cuối văn bản (bộ “Hồ Chí Minh toàn tập” in năm 2011 đã bổ sung được chi tiết này).

Trong cuốn sách khảo cứu tư liệu trên Báo Cứu quốc, ông Vũ Văn Sạch dẫn ra nhiều câu chuyện cảm động và thú vị về Bác Hồ đã được phóng viên Báo Cứu quốc thời đó tường thuật một cách sinh động.

Ví dụ, trên Báo Cứu quốc số 69, ra ngày 17-10-1945 có viết về sự kiện Hồ Chủ tịch đến chùa Quán Sứ dự bữa cơm chay với các thiện nam tín nữ. Sau bữa cơm chay có việc bán đấu giá bức ảnh chân dung của Hồ Chủ tịch đã được phóng viên Báo Cứu quốc tường thuật như sau:

“Cụ đã vui vẻ luôn trong giờ bán đấu giá bức ảnh của Cụ. Hai bên Phật giáo và Phật tử tranh nhau nâng cao giá bức ảnh. Thoạt đầu, cố vấn Vĩnh Thụy đặt giá 100 đồng. Giá đó lên mãi. Sau cùng, ông Ngô Tử Hạ trả một vạn đồng. Anh Tiến, một tín đồ Phật tử và là nhân viên trong ban tổ chức trả vượt lên 100 đồng nữa. Nhưng sau anh Tiến đã nhường lại ông Ngô Tử Hạ bức ảnh với giá cuối cùng là một vạn một trăm bạc để kỷ niệm tinh thần đoàn kết giữa hai tôn giáo.” (Ngô Tử Hạ là nhà đại tư sản Thiên chúa giáo, người từng được Hồ Chủ tịch mời làm cố vấn về tôn giáo, một nhân sĩ có vai trò quan trọng trong việc đoàn kết các tôn giáo, đảng phái trong cuộc Tổng tuyển cử 1946, người đã hiến phần lớn gia sản cho cách mạng – chú thích của người viết theo bài báo của ông Nguyễn Túc về cụ Ngô Tử Hạ đăng trên Tinh hoa Việt số 29, ra ngày 10/6/2016).

Hoàn cảnh ra đời bài thơ Nguyên Tiêu của Hồ Chủ tịch được tường thuật trên báo Cứu quốc Liên khu IV, số 3, ra ngày 19-5-1949 như sau:

“Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm mặt trận X gần sông. Sông chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau là thuyền của ban chỉ huy, vài nhà báo và đội vệ binh.

Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với ban chỉ huy và dặn đi dặn lại: Cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh chạy sang hàng ngũ ta, đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công, v.v... rồi Cụ quay sang nhủ chúng tôi: “Các nhà báo phải hiểu quân sự, cái gì bí mật thì đừng đăng, các chú hay phạm điều ấy lắm”.

Gần khuya, trăng lạnh, sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang Xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.


Cụ đọc xong ông Xuân Thủy nói: “Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”.

Cụ bảo “Trong câu thứ hai có “Xuân thủy” vậy Xuân Thủy dịch đi!”

Ông Xuân Thủy dịch như sau:

Rằm Xuân, trăng đẹp trăng tươi,
Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân.
Giữa dòng bàn luận việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Mọi người đều vỗ tay khen dịch mau”.


Dẫn ra một số ví dụ trên trong một cuốn sách khảo cứu những tư liệu về Bác Hồ trên báo Cứu quốc, chúng tôi muốn bạn đọc hình dung về giá trị lịch sử của tờ báo vẫn đang cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học. Nếu được  nghiên cứu sâu sắc hơn, đầy đủ hơn, nguồn tư liệu trên báo Cứu quốc sẽ có thể làm rõ thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, về thu phục người tài và đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, thấy rõ hơn những bước chuyển trong quá trình phát triển của Nhà nước dân tộc độc lập ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Là tờ nhật báo lớn nhất nước suốt những năm giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp, Cứu quốc có sứ mệnh đặc biệt, là nguồn tư liệu lịch sử chân thực và vô cùng quý giá về lịch sử nước nhà và về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử cụ thể./.   


 Thành Vĩnh
Theo Báo Đại Đoàn kết

Theo www.camau.gov.vn
https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=gioithieu.chitiet&urile=wcm:path:/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/chuyende/hoctapvalamtheotamguongdaoduchcm/tacphamvebac/fdhdrfhre13
Copy Link
https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=gioithieu.chitiet&urile=wcm:path:/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/chuyende/hoctapvalamtheotamguongdaoduchcm/tacphamvebac/fdhdrfhre13
Đọc tiếp
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bác Hồ với Báo Cứu quốc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO