Bác chú ý rèn luyện sức khỏe rất đều. Trong thể thao Bác thích các môn: võ, bóng chuyền và bơi. Hồi năm 1945, khi đang ở 12 Ngô Quyền, Bác hỏi:- Chú có biết võ không? Chú xem có bài nào hợp với sức khỏe và tuổi của Bác thì dạy Bác. Tôi dạy Bác bài: Bát bộ liên hoa quyền, gồm bốn mươi chín động tác trong một tuần. Khi thuộc rồi, hàng sáng Bác thường tập bài quyền.
Vì thích bóng chuyền và bơi nên Bác đề ra nguyên tắc chỗ ở của Bác trên chiến khu nên cách nơi Chính phủ đóng khoảng ba kilômét, phải có bãi để làm sân bóng và có suối để bơi. Tìm được chỗ ở như vậy cũng khó, có khi phải xin phép Bác tìm sân, suối cách từ 500 mét đến một kilômét, Bác đồng ý.
Mấy Bác cháu đánh bóng chuyền. Trình độ đánh bóng cũng bình thường. Khi thua mọi người thường nói đùa là cứ bỏ vào tủ, Bác vỗ vào người và nói: "A, nó truy tủ", Kháng, Chiến, Trường, Kỳ đâu mau lại bảo vệ "tủ”. Quả nào Bác đánh không qua lưới, mọi người cười ồ lên, Bác nói: Không, quả này Bác đánh ngoại giao. Sau mỗi ngày làm việc mệt nhọc, Bác cháu gặp nhau nơi sân bóng thật là vui. Hôm nào không đủ người đánh bóng chuyền thì đi bơi. Bác bơi theo kiểu dưỡng lão, ngả người, chân đạp nhẹ. Tôi thường bố trí hai người khỏe cùng bơi để bảo vệ Bác.
Về mùa hè, những lần Bác đi công tác phải qua sông, qua suối, chúng tôi đều chuẩn bị thuyền hoặc mảng để đưa Bác qua. Nếu nước lớn, chảy xiết thì Bác đi thuyền. Gặp những hôm trời lặng, nước chảy từ từ thì Bác không chịu ngồi thuyền, ngồi mảng mà tự bơi. Chúng tôi cử một người bơi giỏi cùng bơi với Bác. Lên bờ, Bác nói:
- Bơi thế này vừa sạch người vừa khỏe.
Sau này những thước phim tư liệu hiếm hoi ghi lại cuộc sống của Người trên chiến khu cho chúng ta thấy được hình ảnh Bác lội suối, băng rừng, đầu đội tấm áo vừa đi vừa phơi cho khô. Hình ảnh của một vị lãnh tụ thật gần gũi với nhân dân.
Về Hà Nội, điều kiện bơi và đánh bóng bị hạn chế nên năm 1959 chúng tôi đưa Bác ra Bãi Cháy nghỉ mười ngày. Sáng lấy ca nô đưa Bác ra đảo nghỉ ở đó đến tối mới về, đem theo cả nồi niêu nấu ăn luôn. Những chuyến đi như thế này giúp Bác nghỉ ngơi, thư giãn và có điều kiện gần dân hơn.