Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xuân ấy Bác ở Pa-ri

Xuân 1919, thủ đô Pa-ri khoác bộ áo mới với những chùm đèn chăng quanh Khải Hoàn Môn. Đây là mùa xuân hòa bình đầu tiên sau bốn năm chiến tranh thế giới đẫm máu. Anh Nguyễn Tất Thành hòa trong dòng người trên đường phố Pa-ri chào đón năm mới và những ngày bình yên trở lại. Anh đã trải qua suốt cuộc chiến tranh khốc liệt trên đất Anh và Pháp. Anh đã sống dưới bom đạn giữa một nước là chiến trường dữ dội nhất châu Âu. Anh đã thấy và đã hiểu giá trị của tự do và quyền sống con người.

Nước Pháp thắng trận, Pa-ri ra khỏi chiến tranh nhưng còn rất nhiều cơ cực. Nhân dân thiếu than để sưởi vì than ở các mỏ bắc Pháp không đưa về thủ đô được. Đường sá hỏng nặng chưa sửa chữa xong. Giá cả tăng vọt. Người xếp hàng dài trước các cửa hàng bánh mì và thực phẩm chờ đến lượt mua. Ban đêm Pa-ri còn thi hành lệnh giới nghiêm. Người thất nghiệp, ăn xin, người tàn tật lang thang trên các vỉa hè. Công nhân bắt đầu bãi công đòi tăng lương và làm ngày tám giờ. Hơn 50.000 người Việt Nam bị bắt vào lính đưa sang Pháp để làm bia đỡ đạn là cũng bằng ấy người Việt Nam đưa vào làm ở các nhà máy quốc phòng trên đất Pháp, nay bị bạc đãi. Chiến tranh đào sâu thêm mâu thuẫn giữa nhân dân thuộc địa và giới cầm quyền chính quốc. Anh Nguyễn Tất Thành nhìn thấy nhân dân lao động Pháp và nhân dân Việt Nam cùng chung một nỗi khổ. Anh đã bắt đầu chú ý đến hoạt động của một đảng chính trị lơn: Đãng Xã hội Pháp.

Trong Đảng này, bên cạnh nhóm thờ ơ về vấn đề thuộc địa, có nhóm hăng hái bênh vực quyền lợi nhân dân thuộc địa. Nhóm này lên án những sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, ủng hộ công cuộc giải phóng các thuộc địa Pháp. Anh Nguyễn Tất Thành tìm đến các cuộc hội họp, mít tinh, nói chuyện do Đảng Xã hội Pháp tổ chức, chăm chú nghe các diễn giả nói về vấn đề thuộc địa. Anh có dịp làm quen với các cán bộ Đảng Xã hội Pháp, trong đó có Pôn Vay-ăng Cu-tuye-ri-ê, một người thuộc cánh tả của Đảng. Anh Pôn lúc chiến tranh từng chỉ huy một đơn vị xe thiết giáp Pháp. Anh là nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ và là nghị sĩ Quốc hội Pháp. Anh bày tỏ cảm tình khi nghe Nguyễn Tất Thành kể chuyện về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Pôn và chị Ma-ri-a Lê-ô-ni, một cán bộ khác của Đảng Xã hội Pháp đưa Nguyễn Tất Thành đi dự nhiều buổi nói chuyện thời sự của Đảng, giới thiệu anh với Đảng. Và một ngày xuân đầu năm 1918, cả hai người chào mừng Nguyễn Tất Thành trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp. Khi được hỏi vì sao vào Đảng, anh Nguyễn Tất Thành trả lời: “Vì Đảng Xã hội là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực dân nước tôi và theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”.

Tháng giêng năm 1919, Pa-ri nhộn nhịp đón đại biểu các nước thắng trận và thua trận đến dự Hội nghị hòa bình họp tại lâu đài Véc-xây, cách trung tâm Pa-ri 23 ki-lô-mét về phía tây-nam. Nhân dân các thuộc địa ấp ủ hi vọng cử đại biểu kéo đại biểu đến hội nghị đòi độc lập, tự do. Anh Nguyễn Tất Thành gửi đến các đoàn đại biểu dự Hội nghị Véc-xây một tài liệu nhan đề “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”, dưới ký: “Thay mặt nhóm người yêu nước An Nam Nguyễn Ái Quốc”. Dịp xuân ấy, lần đầu tiên xuất hiện giữa Pa-ri và trong hội nghị quốc tế một tên gọi Việt Nam thách thức chế độ thực dân: Nguyễn Ái Quốc. Anh Nguyễn Ái Quốc gửi kèm tài liệu một bức thu anh viết: “Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, tôi xin mạn phép gửi đến quý ngài bản yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở sự bao dung cao cả của quý ngài, tôi trân trọng đề nghị quý ngài ủng hộ bản yêu sách này trước những vị có thẩm quyền”.

Hầu hết các đoàn đại biểu quốc tế, trong đó có Đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ, đều gửi thư đến Nguyễn Ái Quốc báo tin đã nhận được bản yêu sách: Các báo Pháp Hu-ma-ni-tê và Lơ Pô-puy-le đăng toàn văn bản yêu sách ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bản tiếng Pháp được in thành truyền đơn tán phát ở Pháp và các thuộc địa Pháp. Bản dịch ra tiếng Việt và chữ Hán gửi về Việt Nam và Trung Quốc. Những yêu sách của Nguyễn Ái Quốc dù là hết sức khiêm tốn vẫn bị các nước lớn ở Hội nghị Véc-xây không chịu đáp ứng. Nhưng tiếng vang của nó bay xa và tác động mạnh. Chính phủ Pháp bắt đầu cho thu thập tài liệu về nguồn gốc gia đình, quê quán, lập hồ sơ con người Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc. Mật thám Pháp chụp chân dung anh từng tháng và theo dõi anh cả ngày lẫn đêm, kiểm soát cả thư từ, báo chí gửi đến nhà anh. Bộ Nội vụ Pháp gửi báo cáo lên Chính phủ: “Qua cuộc điều tra về sự tuyên truyền người An Nam ở Pa-ri ủng hộ Bản yêu sách của nhân dân An Nam, có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc. Tổng thư ký Hội những người An Nam yêu nước”.

Vào Đảng Xã hội Pháp, anh Nguyễn Ái Quốc tham gia những cuộc biểu tình đấu tranh của công nhân và lao động Pa-ri. Anh gần gủi và hoạt động cùng với nhiều nhà văn hóa và chính trị nổi tiếng của Pháp Phrốt-xa L.O… Tổng Bí thư Đảng Xã hội Pháp; M. Ca-sanh nhà hoạt động xuất sắc của phong trào công nhân Pháp và quốc tế; các nhà văn lớn Hang-ri Bác-buýt, Ray-mông Lơ-phe vrơ, bà Cô-lét, các nhà báo lão luyện L.Blum, G.Mông-mút-xo G.Lông-ghê, cháu ngoại Các-Mác, P.Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê – những trí thức cách mạng của nước Pháp sau chiến tranh. Những đồng chí chủ nhiệm, chủ bút báo ấy dạy anh Nguyễn Ái Quốc các viết báo. Anh năng đến thư viện Quốc gia ở phố Ri-sơi-li-ơ đọc sách báo, tìm tài liệu, nghiên cứu kinh nghiệm làm báo. Bài báo đầu tiên do anh viết năm 1919 ấy đăng báo Hu-ma-ni-tê mang đầu đề: “Ở Đông Dương, vấn đề người bản xứ”.
Đúng 80 năm trước, mùa xuân Kỷ Mùi 1919, nổi lên giữa Pa-ri nhà yêu nước, nhà chính trị, nhà văn hóa Việt Nam mang tên Nguyễn Ái Quốc. Bác Hổ yêu quý của chúng ta.


Hồng Hà
Chuyện Bác Hồ trồng người
NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 1999

Xuân ấy Bác ở Pa-ri