Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Một mẫu mực về sự giản dị, khiếm tốn

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp của Người, sự  thành lập và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám, những chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, công cuộc xây dựng một xã hội và cuộc sống mới trong những điều kiện khó khăn không thể tưởng tượng nổi… tất cả những điều đó sẽ được ghi nhớ mãi mãi như những trang đẹp nhất trong lịch sử loài người.

Cho phép tôi được dành một vài phút để nhớ lại những kỷ niệm cá nhân tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xin cho phép tôi được nói lại những kỷ niệm hoàn toàn có tính chất cá nhân, bởi vì đối với tôi, Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa và trong nhiều năm, Việt Nam nói lên được rất nhiều điều đối với nhân dân Thụy Điển chúng tôi. Tôi đã từng là một sinh viên Đại học Y khoa ở Pari vào khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1947, tức là vào thời kỳ mà nhân dân Việt Nam đang tiến hành giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến thứ nhất. Tôi đã được thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài danh dự ngày 14-7-1946 ở Pari. Các bạn Việt Nam của tôi, sau đó có nói rằng chung quanh Người lúc ấy chỉ có một người bạn của Việt Nam, nhưng lại có quá nhiều kẻ thù, những thành viên của Chính phủ và quân đội đang âm mưu thiết lập lại thuộc địa của Pháp ở Việt Nam.

Lần đầu tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào thời kỳ tôi tiến hành đi thăm Việt Nam lần thứ nhất vào đầu năm 1958. Tôi được Người mời cùng uống chè vào buổi sáng tại ngôi nhà nhỏ và rất giản dị của Người ngay cạnh dinh Chủ tịch. Lúc ấy tôi định phỏng vấn Người để đăng báo. Nhưng cuối cùng chính Người đã phỏng vấn tôi trong 45 phút liền. Người muốn biết nhiều hơn nữa về phong trào công đoàn ở Thụy Điển… Cuối cùng, Người hỏi tôi rằng điều gì đã tạo ra những ấn tượng sâu sắc nhất cho các nhà văn Thụy Điển. Trước đó vài ngày, tôi đã có mặt ở sân bay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Hà Nội sau cuộc đi thăm có tính chất Nhà nước Ấn Độ và Miến Điện. Người vừa bước xuống máy bay, lập tức các nhân vật trong Chính phủ, Đảng, Đoàn ngoại giao đã vây quanh lấy Người. Chỉ vài phút sau, Người đến trước máy phóng thanh. Tôi chờ Người đọc một bài diễn văn, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, như các bạn đều biết, có một sự quan tâm đến công việc sản xuất và đây cũng là điều mà Người thường hay nói đến trong bài viết và diễn văn của mình. Người khoát tay mạnh và nói: “Nào, bây giờ các đồng chí có thể về để chuẩn bị công tác cho tốt”. Đấy là toàn bài diễn văn của Người. Mọi người cười vui vẻ và lập tức thi hành mệnh lệnh của Người.

Mùa xuân năm 1967, tôi tham gia Ủy ban quốc tế gồm năm người đi điều tra về các cuộc ném bom ở miền Bắc Việt Nam lúc ấy đang diễn ra một cách ồ ạt trên khắp mọi nơi. Chúng tôi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Khi chúng tôi đang lần lượt giới thiệu đoàn với Thủ tướng thì bất thình lình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt. Tất cả chúng tôi, kể cả đồng chí Phạm Văn Đồng đều bị bất ngờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại với chúng tôi liền một giờ. Người nói những chuyện hệ trọng trong chiến tranh, thỉnh thoảng Người lại nói đùa về sự được mùa của năm 1890 (một thành viên của Ủy ban chúng tôi sinh cùng năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh). Người pha trò về chiếc máy ghi âm tồi tàn mà một thành viên trong đoàn chúng tôi mang theo. Khi anh bạn tôi tìm cách ghi lại bức điện gửi nhân dân Mỹ thì thấy cục pin bị tuột lăn lông lốc trên sàn nhà gây ra một tiếng động như tiếng pháo cao xạ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề sốt ruột. Người theo dõi chúng tôi cố gắng lắp pin vào máy với sự chú ý và thích thú như một thanh niên rất trẻ.
Người ta đã nói rất nhiều rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về sự giản dị và khiêm tốn. Người nói thẳng và dùng từ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các bài viết và trong các bài diễn văn chính thức. Người không bao giờ quên nguồn gốc xuất thân cũng như kinh nghiệm của Người đã từng là một người lao động bình thường. Người có những tư tưởng cao thượng và tầm nhìn xa trông rộng. Người không bao giờ quên những nỗi thống khổ mà nhân dân Việt Nam và các dân tộc khác đã phải trải qua dưới ách áp bức của chủ nghĩa thực dân và ách áp bức tư bản chủ nghĩa.


Giôn Tacman (Bác sĩ Thụy Điển)
Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh
NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1985

Một mẫu mực về sự giản dị, khiếm tốn