Bốn lần gặp Bác Hồ trước lúc Người đi xa quả là niềm vinh dự lớn đối với bà Nguyễn Thị Châu.
Vợ chồng Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hồng Tư và Nguyễn Thị Châu tại một buổi giao lưu trực tuyến với bộ đội và thanh niên. |
Bà Nguyễn Thị Châu là vợ Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hồng Tư và cũng là nhân vật X. trong tác phẩm “Sống như anh” của nhà văn Trần Đình Vân. Hiện tại, bà Châu sống tại Quận 10 (TP HCM).
Bác như ông Tiên
Nhớ lại kỷ niệm 4 lần gặp Bác Hồ, nữ thương binh Nguyễn Thị Châu đã không nén được những dòng nước mắt và bà cứ nghĩ như mới xảy ra hôm qua...
Năm 1938, tại Biên Hòa – Đồng Nai, cô bé Nguyễn Thị Châu đã chào đời trong một gia đình nghèo khó. Con đường làm cách mạng của bà là do người bạn học lớp trưởng và sau này là bạn đời yêu quý của bà – người Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Hồng Tư dắt dìu.
Giữa tháng 5/1969, bà Châu cùng bà Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) được vinh dự tham gia Đoàn đại biểu miền Nam ra thăm Thủ đô và tham dự Đại hội liên hoan thanh niên – sinh viên thế giới.
Giọng nói thật ấm áp, đôi mắt lại ánh lên niềm vui. “Quên làm sao được cái ngày ấy, đó là trưa ngày 17/5/1969, Đoàn đại biểu miền Nam có hơn 10 người được ra Thủ đô. Sau khi nhận thông báo hai cháu Châu, Quyên chuẩn bị đi công tác và phải “ăn diện” quần áo miền Nam thì đúng 9 giờ sáng ngày 19/5/1969, một chiếc xe Vonga đến rước tôi và chị Quyên sang Nhà khách Ban Thống Nhất. Hôm ấy hai chị em mặc áo bà ba trắng, quần đen, quấn khăn rằn, mang dép râu. Xe chạy vào Phủ Chủ tịch, đón chúng tôi là đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác – PV). Vừa đi, chú Kỳ vừa dặn dò: “Biết tin các đồng chí ra Thủ đô, Bác dành ngày này đón hai cháu miền Nam vào dự sinh nhật Bác. Hai cô phải nhớ, gặp Bác thì phải kể chuyện vui, không được nói gì làm Bác xúc động ảnh hưởng đến sức khỏe!” – bà Châu xúc động.
Bác Hồ trong lòng nhân dân Việt Nam |
Dọc đường đi, chú Vũ Kỳ có kể cho chúng tôi nghe tình hình sức khỏe và sinh hoạt của Bác. Chú dẫn chúng tôi tới vườn rồi qua phòng Bác, đưa qua phòng Bác hay ngồi xem phim. Chú vén rèm nhìn qua bên kia Nhà sàn, chúng tôi thấy Bác đang đi từ Nhà sàn sang đây. Thú thật, tôi không quên được ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy Bác. Ôi, Bác như một ông tiên! Râu tóc Bác bạc phơ, Bác mặc đồ ka ki màu vàng phai, mang dép râu, đội mũ bê rê, chống gậy mà đi nhanh thoăn thoắt. Bên cạnh Bác có một bác sĩ và một chú bảo vệ. Sau đó chúng tôi được lệnh ra chào Bác.
Không ngăn được nỗi mừng vui, chúng tôi lao ra thật nhanh và ôm chầm lấy Bác. Bác dang hai tay ôm lấy hai đứa mà nước mắt chảy dài. Bác âu yếm vỗ đầu hai đứa: “Châu đây phải không? Quyên đây phải không?”. Chúng tôi gật đầu rồi khóc theo Bác. Những giọt nước mắt cảm động, sung sướng!
Bác cho chúng tôi hai chùm hoa lài. Bác bảo chú Tô đến (bác Phạm Văn Đồng), bảo chúng tôi chào chú Tô. Chú Tô cũng vỗ đầu hai đứa hỏi có khỏe không? Hai đứa chúng tôi lấy chùm hoa lài bỏ lại vào trong túi của Bác và không quên nhắc lại tâm nguyện của đồng bào, chiến sĩ miền Nam: “Bác ơi, đồng bào chiến sĩ miền Nam ngày đêm mong nhớ Bác, chúc Bác sống lâu trăm tuổi!”. Bác cười mà nước mắt giàn giụa.
Được dự sinh nhật Bác
Giọng bà Châu khi thì hân hoan, khi thì nghẹn ngào: “Sau đó chúng tôi vào phòng ăn. Bác hỏi thăm các cô chú trong Trung ương Cục có khỏe không? Chúng tôi bảo khỏe. Bác quay sang hỏi Quyên gia đình như thế nào, có khỏe không? Sau đó hỏi tôi gia đình có khỏe không? Có gặp được Lê Hồng Tư không? Tôi nói, cháu ở chiến khu mà Tư ở Côn Đảo, không gặp trực tiếp được. Bác bảo viết thư đi. Viết đi, đưa chú Tô gởi cho… Sau đó, Bác hỏi đủ thứ chuyện. Các cháu bụi đời có học văn hóa không, sống như thế nào? Bác hỏi nhiều lắm, mình đâu hỏi được gì. Riêng với chị Quyên, Bác rất tế nhị, không nhắc gì đến chuyện anh Trỗi đã hi sinh.
Đầu năm 1975, bà Nguyễn Thị Châu giữ chức vụ Chủ tịch UBND Quận 10 - TP HCM và sau đó giữ nhiều chức vụ khác của TP HCM. |
Khi ăn cơm, Bác ân cần múc canh cho Châu, Quyên rồi mới múc cho Bác. Bác nói: “Các cháu ăn có nhiều không? Mỗi bữa Bác ăn hai chén”. Mà chén của Bác to hơn chúng tôi nhiều. Bác bảo nhà bếp làm cơm rất thịnh soạn đãi hai cháu, phải ăn cho hết. Nhìn Bác lúc này rất gần gũi, thân thương. Hễ nói tới miền Nam là Bác xúc động. Bác hỏi: “Vừa qua, đợt Mậu Thân, đồng bào trong đó như thế nào?”. Chúng tôi luyến thoắng: “Dân đón bộ đội, thanh niên, học sinh, sinh viên. Bà con chăm sóc thương bệnh binh, tiếp lương thực thực phẩm cho bộ đội. Có đợt bộ đội không dám nhận nữa!”. Bác ngạc nhiên: “Sao không dám nhận?”. Họ bảo để hỏi chỉ huy có đồng ý hay không? Chỉ huy đồng ý. Bác nghe mà vui lắm!
Rồi nghe bảo dân mở đài nghe Bác chúc Tết, họ xem phim, thấy hình ảnh của Bác là họ bắt dừng lại cho họ xem. Bác xúc động lắm! Bác hỏi: “Giờ Bác vô Nam được chưa?”. Chúng tôi không biết trả lời. Chú Tô nói, hai cháu thưa với Bác, năm nay đồng bào miền Nam chưa đón Bác kịp thì năm sau sẽ đón Bác vào. Bác nói nguyện vọng tha thiết nhất của Bác là vào miền Nam thăm đồng bào miền Nam.
Hôm đó có bánh sinh nhật mừng thọ 79 tuổi của Bác. Bác bảo cắt làm 5 phần. Phần Bác không ăn nhường cho Châu, Quyên. Chúng tôi nói Bác phải ăn. Bác bảo: “Bác ăn đã 79 năm rồi, nhường cho hai cháu ăn cho khỏe!”. Lúc chúng tôi về, Bác dặn chú Kỳ xem lịch của Bác, thời gian nào rảnh cho hai đứa chúng tôi vào chơi với Bác, chứ hai đứa ra đây không có bà con gì, tội nghiệp!.
Lần đầu tiên gặp Bác là vậy đó. Ấn tượng lắm! Lần thứ 2 tôi được gặp Bác vào ngày 5/6/1969. Lần thứ 3, ngày 12/7/1969, sau khi họp Bộ Chính trị xong, Bác muốn gặp Châu và Quyên để cùng ăn cơm.
Và sau khi đi nghỉ mát trở về, cũng là lúc chuẩn bị đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới, bà Châu được vào gặp Bác lần thứ tư. Đó là ngày 14/8/1969. Bà Châu kể: “Lần này, chú Vũ Kỳ nói rằng, Bác bị cảm, vừa rồi có hai đoàn miền Nam ra, Bác ra thăm họ rồi ra thăm đê sông Hồng, nước dâng cao, về Bác bị cảm. Chú Kỳ thay Bác ăn cơm với chúng tôi. Tôi vào thăm Bác ở Nhà sàn. Bác ngồi trên ghế mây, ho, khăn len quấn cổ. Tôi ôm Bác khóc. Bác hỏi tôi ở Hạ Long về có lên cân không và bảo chú Vũ Kỳ lấy cân đồng hồ ra cân trước mặt Bác. Tôi lên được hai ký lô (39 kg). Bác vỗ đầu tôi bảo sao khóc…
Rồi chú Vũ Kỳ nói, nay có phó nhòm rồi, Bác cho hai cháu chụp hình với Bác nhé. Bác bảo được rồi, cho hai đứa đi chơi đi, Tết vào chụp với Bác. Quyên xin chụp lại. “Bác biết là hai đứa thích chụp hình với Bác lắm phải không? Cứ đi rồi về chụp!”. (Sau, chú Vũ Kỳ kể là chú bị Bác phê bình không cẩn thận gì hết). Rồi Bác dặn dò tôi đi nước ngoài, cứ nói chân thành với thế giới. Thấy Bác mệt, chú Kỳ bảo chúng tôi đi ăn cơm để Bác nghỉ. Nhìn dáng Bác về phòng, tôi chỉ biết đứng khóc nức nở. Đó cũng là lần cùng tôi được gặp và trò chuyện với Bác.
Bà nghẹn ngào nói: “Gặp Bác trước lúc Người đi xa là niềm vinh dự lớn với tôi. Giây phút được ở bên Bác, kể cho Bác nghe chuyện của miền Nam là những tháng ngày hạnh phúc nhất đời tôi!”.
Hải Âu
Theo Báo Giao thông vận tải