Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phong cách Bác Hồ đến cơ sở


Giữa năm 1950, Bác đến nói chuyện với gần một trăm cán bộ tư pháp. Đêm ấy đang giữa mùa hè, ở vùng núi rừng chiến khu Việt Bắc, tiết trời nóng nực. Bác phải phanh chiếc áo sơ-mi ngoài bằng vải mầu vàng đã bạc, để lộ bên trong chiếc áo may-ô nhuộm màu nâu. Một tay cầm chiếc quạt giấy, Bác thong thả bước lên chiếc ghế dành cho giảng viên hàng ngày lên lớp ngồi. Vừa vào ghế, Bác nói rất tự nhiên: "Thật là cao như bệ ông tòa án". Bác cười. Mọi người cười, xua tan không khí định đón tiếp Bác theo nghi thức long trọng, trang nghiêm. Dưới ánh đèn dầu le lói, Bác rút trong cặp ra một xếp giấy mà các cán bộ dự họp tư pháp hôm đó đã ghi rõ những câu hỏi để nhờ Bác giải đáp. Bác giơ tập giấy lên và nói: "Tất cả 86 tờ, gồm 172 câu hỏi".



Mọi người dự lớp học không khỏi ngạc nhiên "sao mà hỏi nhiều đến thế". Rồi có tiếng thì thào "làm sao Bác trả lời hết được?".

Bác cười: "Trả lời hết ngần này câu hỏi cũng gay đấy, có câu Bác không biết đâu, nhưng Bác sẽ cố gắng trả lời hết".

Tiếng hoan hô vang lên. Nhiều người mừng thầm, vì câu hỏi càng nhiều, thời gian được gặp Bác càng kéo dài.

Bác đọc lên từng câu và trả lời. Có người hỏi làm thế nào tư pháp gần được dân? Bác trả lời rất ngắn gọn và cũng thật khó mà tìm được câu trả lời giản dị và sâu sắc như vậy. Bác nói: "Tư pháp muốn gần dân thì đừng xa dân".

Hồi đó, Pháp mới đánh và tạm chiếm Khu 3, một số đồng chí nêu câu hỏi: "Thưa Bác, quân Pháp đang tạm chiếm Khu 3, sao quân ta không đánh thẳng vào Khu 3 để giải phóng Khu 3, mà lại đánh ở Đông Bắc và Tây Bắc?".

Bác lấy ngay một thí dụ rất ngộ nghĩnh để trả lời: "Khi các cô, các chú bị một con chó cắn vào chân, liệu các cô, các chú có cần cầm gậy lùa vào mõm nó để đánh vào răng nó không, hay các chú chỉ cần cầm gậy vụt thật mạnh vào bất kỳ chỗ nào trên mình nó là nó phải nhả ngay ra? Đánh giặc Pháp cũng vậy, không cần quân ta đánh thẳng vào Khu 3 nó mới chịu nhả Khu 3. Ta chỉ việc đánh thật mạnh ở Đông Bắc, ở biên giới là nó cũng phải nhả Khu 3".

Với cách nói sát sườn, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, hàng chục câu hỏi nêu lên hôm đó đều được Bác trả lời chu đáo, không còn ai dự lớp thắc mắc nữa.

Mùa thu năm 1951, Bác đến thăm lớp bồi dưỡng chính trị cho hàng trăm cán bộ quân - dân - chính - đảng ở Việt Bắc. Trong sự lớn mạnh của đội ngũ cán bộ hồi đó, có một số người không giữ được phẩm chất đạo đức, mắc khuyết điểm tham ô, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ. Biết được tình hình ấy, khi nói chuyện với lớp bồi dưỡng chính trị này, Bác mở cuốn sổ tay đọc cho cả lớp nghe mấy con số về lãng phí, tham ô tài sản của Nhà nước, của nhân dân ở một số đơn vị, ngành, địa phương. Đọc xong, Bác nhẹ nhàng nêu câu hỏi: "Trong lớp học này ai đã có vợ?". Một phần nửa số người dự lớp học giơ tay lên. Bác hỏi tiếp: "Trong số có vợ rồi, ai đã có con?". Hơn một phần ba số người đã có vợ giơ tay lên. Bác im lặng, nhẩm nhẩm tính con số. Cả lớp học hồi hộp theo dõi, chưa hiểu tại sao Bác lại hỏi như vậy. Bỗng giọng Bác chậm rãi hơn: "Các cô, các chú thử nghĩ xem, mới có chưa nhiều cán bộ mà đã tham ô, lãng phí với những con số như vậy, nếu cộng tất cả các ngành lại thì lớn biết bao".

Không khí lớp học im ắng hẳn, mọi người như nghe rõ hơi thở của nhau, như đang tự soi lại mình. Trong không khí đó, Bác lại nói rất nhẹ nhàng, thấm thía: "Bác hỏi thật các cô, các chú có bao giờ ăn bớt cơm của vợ con mình không?". "Thưa Bác, không ạ!". "Thế thì tại sao của cải của Nhà nước, của nhân dân, tiêu chuẩn của chiến sĩ, công nhân, nhân viên, người lao động, hễ sểnh ra, lơ là kiểm tra là có một số cán bộ vơ vào, đút túi". Bác phân tích tiếp: "Các cô, các chú là cán bộ cấp này, cấp nọ, cũng phần lớn chỉ là người đặt kế hoạch, điều hành công việc, chứ trực tiếp đánh giặc, làm ra của cải là chiến sĩ, công nhân, nông dân, người lao động... Tham ô là thói rất xấu, rất có hại, không những phí phạm của cải xã hội, mà còn làm vẩn đục chế độ, mất cán bộ". Nói đến đây, Bác tự phê bình: "Trong cuộc đời hoạt động của Bác, Bác cũng có khuyết điểm. Nhưng có một việc Bác rất tự hào là chưa bao giờ Bác tham ô, dù chỉ một đồng xu của dân, của Đảng".

Dạo đó, vào khoảng năm 1951, trên đường đi công tác về, Bác dừng chân bên một bản làng ở chiến khu Việt Bắc. Trong bản đang có một cơ quan sơ tán đến. Biết được Bác, mọi người mời Bác dự họp và nhân dịp hiếm có này để tỏ rõ tâm tư, nguyện vọng với Bác. Đồng chí thủ trưởng cơ quan đó càng mong Bác nói chuyện với thanh niên để giúp đơn vị tiến bộ thêm.

Bác vui lòng ngồi dự họp và yêu cầu mọi người phát huy tự do tư tưởng, phát biểu tự nhiên như các cuộc họp thường có, không vì có Bác mà rụt rè, do dự.

Nghe vậy, phấn khởi quá, nhiều thanh niên gái trai lần lượt đứng lên xin phép được phát biểu. Trong số đó có một người thưa thẳng với Bác: "Thưa Bác, cháu là một thanh niên trai, ít nhiều có sức khỏe, muốn đi đây đó đóng góp cho cuộc kháng chiến. Nhưng hai, ba năm nay vào cơ quan này, hàng ngày chỉ biết đánh máy, cháu thấy chẳng phát triển được, có lúc cháu cũng chán nản...".

Mọi người dự họp nhìn nhau, rồi lại nhìn Bác với sự mong muốn chờ đợi Bác góp ý kiến cho bạn ấy.

Giữa lúc đó, có một em bé lên ba tuổi, từ dưới một dãy ghế hội nghị, lon ton chạy lên đứng gần Bác. Thấy vậy, mẹ cháu vội vàng rời hàng ghế phía dưới chạy lên bế cháu bé. Nhưng Bác đã nhanh hơn bế em bé vào lòng, xoa xoa đầu, âu yếm. Rồi Bác bảo mẹ cháu: "Cô cứ để cho cháu ngồi đây với Bác". Sợ làm phiền Bác, chị cứ đứng chần chừ... Bác hỏi chị: "Cô sinh cháu khi còn ở nhà hay đã vào cơ quan?". "Thưa Bác! Sinh cháu ở cơ quan ạ!". Nghe vậy, Bác cố ý hỏi chị với tiếng to hơn cho mọi người dự họp cùng nghe. Bác hỏi: "Trước khi lấy chồng, sinh con, cô đã học làm mẹ ở đâu chưa?". "Thưa Bác! Không ạ!". "Thế sao cô nuôi con trong hoàn cảnh ở núi rừng, cơ quan di chuyển địa điểm luôn, nhiều khó khăn vất vả, mà cháu vẫn ngoan, béo khỏe, bụ bẫm?".

Người mẹ trẻ lễ phép thưa với Bác là vừa nuôi con, cháu vừa học hỏi kinh nghiệm của những chị em đã có con trước. Hơn nữa vì thương con, mặc dù bận công việc của cơ quan giao, cháu vẫn vừa làm tròn công tác vừa chịu khó thức khuya dậy sớm, chăm nuôi thêm con gà, trồng thêm luống rau, có thức ăn thêm cho cháu.

Thế là nhân câu chuyện này, Bác đứng lên nói với mọi người: "Đấy! Các cô, các chú vừa nghe chuyện Bác hỏi chị ấy nuôi con. Vì thương con, thương người cho nên chị ấy chịu khó học tập, làm được cả hai nhiệm vụ: người nhân viên, người mẹ. Ý kiến của chú lúc nãy nêu lên là hàng ngày chỉ biết đánh máy, không thấy gì để phát triển. Theo ý Bác, nếu chú hết lòng vì công việc, vì phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến, hàng ngày làm việc thật tốt, chịu khó tranh thủ học tập thêm thì sẽ có nhiều tiến bộ, kháng chiến cũng như sau này kiến quốc có rất nhiều việc, chỉ sợ các cô, các chú không đủ sức mà làm".

Mọi người vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Anh thanh niên lúc nãy lại đứng lên: "Thưa Bác, cháu thấy rõ rồi ạ! Cháu xin hứa với Bác, với cơ quan là làm đúng theo lời Bác dặn".

Tháng 12-1961, được tin Bác Hồ về thăm quê hương, nhiều người cách mạng cũ ở Nghệ Tĩnh tìm đến gặp Bác để chúc sức khỏe, đồng thời cũng có người muốn thổ lộ tâm tư với Bác. Sau khi nghe một số người cho rằng "cảm thấy lớp cũ như bị bỏ rơi", "không được giao việc nhiều như lớp trẻ", Bác nói:

Các đồng chí cũ là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí mới. Đồng chí cũ phải giúp đỡ đồng chí mới tiến bộ, như thế đòi hỏi ở đồng chí cũ phải có thái độ khoan hồng, đại độ; dìu dắt đồng chí mới cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Trước đây, Đảng ta lãnh đạo tổ chức nhân dân đứng lên đánh Tây, đuổi Nhật rất gian nan, cực khổ, nhưng so với công việc bây giờ thì khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn. Bây giờ Đảng ta phải lãnh đạo nhân dân làm nhiều chuyện: xây dựng nhà máy, xây dựng hợp tác xã, làm sao cho người nông dân, công nhân ăn no, mặc ấm; làm sao cho nước càng ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu. Có nhiều chuyện trước đây không có. Bây giờ phải xem thiên văn để biết gió bão, tin cho máy bay cất cánh, báo cho thuyền đánh cá ngoài biển biết mà tìm cách tránh... Những việc đó bảo các chú có làm được không? Không làm được! Vì phải học, mà học thì rất khó khăn, lắm cái tinh vi, cần phải có lớp trẻ. Những cái đó, bảo Bác và các chú đã nhiều tuổi làm thì không làm được đâu. Vì vậy, Đảng nói cần cán bộ cũ, đồng thời rất cần nhiều cán bộ mới. Các đồng chí cũ đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe. Như thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa xã hội, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu "Măng mọc quá pheo". Măng mọc sau mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ra ngồi nói: "Măng, sao mày mọc quá pheo!".

Bác nói chí lý như vậy. Ai có "công thần" không thể không suy nghĩ. Đấy, phong cách Bác Hồ đến cơ sở là vậy.

Phong cách Bác Hồ đến cơ sở