Kể chuyện Bác Hồ
Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác gọi

20/10/2016 03:19

Sáng nay, qua dây nói, anh Hiến triệu tập tôi về Bộ có việc cần. Tôi vẫn đinh ninh như mọi bận về nhận chủ trương mới. Tôi hỏi anh Hiến có phải chuẩn bị gì không? Anh chỉ cười và bảo: “Bình thường”. Ai ngờ đến giờ phút này anh mới nói thật với tôi là “Bác gọi!”.

Trời ơi! Bác gọi tôi? Mình nghe không rõ chǎng? Mình mơ ngủ à? Tôi hỏi lại anh Hiến mà lòng vui rạo rực, không lấy gì tả xiết, không lấy gì đo cho hết nỗi vui mừng. Tôi quên cả mệt nhọc, hồi hộp và cảm động lắm. Rồi đây, chốc nữa gặp Bác, biết làm sao, biết thưa cùng Bác điều gì? Anh Hiến thấy tôi bối rối, anh dặn:

- Có gì nói nấy!

Trong đời lần đầu tiên, đây là một vinh dự quá bất ngờ - một hạnh phúc cao nhất đối với tôi. Tôi nghĩ suy, sắp xếp, dự kiến những điều Bác sẽ hỏi và mình sẽ thưa lại. Nhưng còn đâu thì giờ, tôi thầm trách anh Hiến, lẽ ra anh cho tôi biết ngay từ đầu. Tôi kìm cương ngựa lại, thong thả suy nghĩ và chờ anh Hiến.

Đến giữa rừng, một ánh lửa đằng xa soi đường đưa chúng tôi về một cǎn nhà nhỏ. Anh Chiến ra gặp và hướng dẫn chúng tôi đến một nơi khác. Đi một quãng nữa thì đến ngôi nhà lá. Một đống lửa đốt ở giữa nhà. Một ông cụ điềm đạm đang ngồi trên một khúc gỗ. Ánh lửa chói lòa vầng trán cao, ông cụ cúi xuống xếp lại que củi cho ngọn lửa cháy to nên không nom rõ mặt. Không gì vui sướng hơn. Tôi không ngờ nơi đây là Phủ Chủ tịch, là nơi luận bàn việc nước của Trung ương Đảng và Chính phủ - trung tâm lãnh đạo toàn dân chống Pháp - nơi tập trung trí tuệ và sức mạnh của dân mình. Và ông cụ khoác áo ka-ki bạc màu ngồi đó lại là Bác Hồ.

Trong khoảnh khắc, tôi còn tần ngần đứng lại bên ngoài, anh Hiến bước vào trước. Đến khi Bác lên tiếng gọi:

Chú Sửu đó phải không? Lúc bấy giờ tôi mới bừng tỉnh. Sung sướng quá! Tôi líu lưỡi:

- Thưa Bác, cháu đây ạ!

Trời mới sắp sửa sang thu, chưa rét, nhưng rừng sâu, đêm có sương lạnh. Bác đang ngồi sưởi và suy nghĩ.

Bác chỉ một khúc gỗ bên đống lửa và ra hiệu bảo tôi ngồi. Vừa xúc động, vừa mừng vui, tôi quan sát và cố ngắm thật kỹ. Tôi liếc nhìn Bác rõ lâu, dáng Bác gầy và hơi yếu, từ chòm râu mái tóc, từ nếp quần nâu giản dị và đôi dép cao su đã sờn mép. Tôi chǎm chú đến cǎn nhà nhỏ đơn sơ, gọn gàng: Một chiếc bàn tre, một cây đèn bão tỏa ánh sáng đỏ trên những trang sách báo gồm nhiều thứ tiếng nước ngoài. Bên phải tôi là chiếc giường con trải chiếu cói và chiếc chǎn trấn thủ gấp vuông góc. Tôi nhìn mãi chừng ấy thứ. Và chỉ chừng ấy thôi cũng nói lên cuộc sống thanh đạm của Bác. Tôi đã tự đặt cho mình một công việc quan trọng là phải nhìn cho kỹ, nghe cho rõ, thu hết vào tâm trí để khi về kể lại cho anh chị em công nhân.
Tôi đợi chờ, chưa dám ngồi gần, Bác dịu dàng kéo xích tôi lại bên Bác và nói:

- Chú có biết vì sao hôm nay Bác gọi lên không?

- Thưa không ạ, cháu nghe đồng chí Bộ trưởng gọi lên họp ở Bộ, cháu chưa rõ việc gì.

- Bác muốn nghe chuyện nhà máy của các cháu làm ăn, chiến đấu ra sao?

Tôi đưa mắt nhìn anh Hiến như muốn cầu cứu anh giúp tôi báo cáo hộ; nhưng anh chỉ cười, có ý bảo: Cứ thật thà mà nói.

Thật là lúng túng, tôi trình bày tóm tắt, nhiều đoạn ngập ngừng, đại thể như thế này:

Anh chị em công nhân theo lời “hịch” của Đảng kêu gọi, đã cùng toàn dân đứng lên đánh giặc, cứu nước. Nhà máy giấy Đáp Cầu đã tiêu thổ kháng chiến. Nhà cửa kho tàng đã phá hủy. Máy móc thiết bị được dời về chiến khu. Bằng phương tiện thô sơ, chúng tôi mất bốn nǎm tháng trời để di chuyển ba nghìn tấn hàng, trong đó có trên một nghìn tấn máy móc cồng kềnh, một khối lượng trên sáu mươi vạn tấn cây số. Bình quân mỗi ngày anh chị em thợ chúng tôi phải đưa ba mươi tấn máy móc, vật liệu trên quãng đường dài hai trǎm ki-lô-mét. Lúc bấy giờ trong tay chỉ có mấy chiếc xe chạy bằng dầu ma-dút cọc cạch; ngoài ra là xe bò, ngựa thồ, thuyền gỗ và chủ yếu là bằng đôi vai chúng tôi vừa di chuyển, vừa chiến đấu và vừa xây dựng. Tôi cũng thưa lại với Bác những đoạn đường trèo đèo lội suối, trên đầu thì tàu bay giặc bắn phá, dưới đất thì địch tấn công, trǎm nghìn gian khổ, nhưng anh chị em vẫn không hề lay chuyển tấm lòng sắt son với Đảng và vững tin ở thắng lợi của cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhiều khi chuyển không kịp phải dìm máy móc và cầm súng tự vệ; địch đi, anh chị em công nhân lại tiếp tục sản xuất, xây dựng.

Sau khi nhà cửa lán trại dựng xong, ngày 19 tháng 8 năm 1947, nhà máy trong rừng lại bắt đầu hoạt động. Từ sáu trăm công nhân phát triển lên quá gấp đôi, phân tán làm nhiều cơ sở. Điện lại sáng rừng, giấy lại tiếp tục ra lò. Giấy in bạc cho nhu cầu giết giặc, giấy in sách báo để phát triển vǎn hóa giáo dục, giấy về miền xuôi với các tỉnh đồng bằng địch hậu, giấy lên vùng rẻo cao với đồng bào các dân tộc, giấy vào Trị Thiên, vào khu Sáu… Đồng bào, đồng chí ta trong đó ngày ngày khát khao mong đợi những vǎn kiện, tài liệu, chỉ thị của Đảng, của Bác... Và cũng từ đấy, ủy ban công nhân quyết định lấy tên đồng chí Hoàng Vǎn Thụ - một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng cộng sản Đông Dương, đặt tên cho Nhà máy kháng chiến của mình.

Buổi tối ấy, tôi báo cáo không được mạch lạc lắm nhưng Bác rất chú ý lắng nghe, thỉnh thoảng Bác gật đầu; ngước nhìn trộm thấy Bác vui, nên cứ tiếp tục kể. Còn anh Hiến thì theo dõi, thỉnh thoảng lại nhắc một vài việc mà tôi quên. Tự nhiên tôi thấy mình bạo hơn. Tôi kể cả những chuyện làm nên, những điều thất bại trong lãnh đạo trong đấu tranh cho Bác nghe để mong Bác dạy bảo cho những việc nên làm, những điều phải tránh. Tôi ngừng một lúc.

- Thế nào, hết chưa? - Bác hỏi tôi vậy.

- Cháu quên nhiều, Bác dạy gì cháu thưa tiếp.

Bác châm một điếu thuốc lá, rồi hỏi:

- Anh chị em thợ làm việc và chiến đấu gian khổ như vậy, chú sắp xếp cho công nhân và gia đình anh chị em ǎn ở như thế nào?
Cũng may là điều này tôi đã chuẩn bị sẵn trong óc, nên báo cáo rất tỉ mỉ với Bác về tình hình ǎn ở, về việc địa phương cung cấp gạo, mắm, muối, về việc giúp các gia đình công nhân tham gia làm việc trong nhà máy. Tôi kể lại những hy sinh to lớn của anh chị em công nhân làm việc không có lương, ǎn uống kham khổ, nhưng trǎm người như một, đều hướng về Đảng và tin tưởng ở thắng lợi ngày mai.

Trước hết, Bác dạy tôi phải chú trọng đến việc nâng cao đời sống cho công nhân. Bác hỏi: “Kháng chiến còn dài, phải biết tǎng gia sản xuất và tiết kiệm, tránh lãng phí. Chi bộ Đảng phải quan tâm đến đời sống và học tập của anh chị em thợ”.

Tôi say sưa nghe kỹ từng lời, từng chữ. Bác tiếp tục hỏi

- Nhà máy đã che kín chưa? Khi tàu bay bắn phá thì anh chị em ẩn nấp ở đâu?

Thực ra nhà máy chúng tôi chưa có kế hoạch gì cả, mình lại còn non nớt, chưa có kinh nghiệm, lại xem thường, nên tôi báo cáo:

- Gần rừng, nếu có việc gì chúng cháu kéo chạy ra rừng, hoặc - thưa Bác chạy vào sườn núi ạ!

Bác lắc đầu:

- Không được đâu, thế là chủ quan lắm. Ngày mai về họp chi bộ Đảng, các chú phải tổ chức đào hầm tránh máy bay, phải che chắn máy móc cẩn thận. Nếu bỏ chạy thì không sản xuất được mà còn bị lộ, nguy hiểm. Còn người, còn máy thì còn sản xuất và còn đánh Pháp được. Con người là rất quý. Các chú phải bảo vệ cẩn thận.

Bác quay sang phía anh Hiến:

- Bác nhắc chú Hiến là đối với các cơ sở sản xuất phải chú ý an toàn, phải cảnh giác, chớ coi thường.

- Vâng, cháu xin hứa về làm ngay ạ! Anh Hiến hơi cúi xuống, còn tôi thì toát mồ hôi. Tôi nghĩ: Mình thật đáng tội, Bác phê bình đồng chí Bộ trưởng, nhưng chính là khuyết điểm của mình. Lần đầu tiên được Bác trực tiếp phê bình thật chí lý: Mình chưa làm tròn phận sự bảo vệ công nhân.
Chúng tôi đang băn khoăn thì Bác lại thân mật hỏi tiếp:

- Các chú ở nhà máy có liên hệ, giúp đỡ bà con nông dân ở địa phương không? Phong tục ở đấy các chú đã hiểu hết chưa?

- Thưa, chưa ạ.

Bác cười, nụ cười rất hiền hậu, khoan dung nhưng cũng rất nghiêm khắc.

- Thế ai cung cấp nguyên liệu cho các chú?

- Bà con các dân tộc ạ!

Bác xòe bàn tay, chỉ từng ngón một, Bác nói:

- Gạo này, thịt này, tre nứa này, các thứ làm ra giấy này, cái gì cũng dựa vào nhân dân. Bà con nông dân ở đây “hậu đãi” các chú như thế, mà các chú lại ǎn ở “bạc bẽo” không liên hệ giúp đỡ bà con.

Bác hỏi tiếp:

- Thế bà con nông dân nghe xây dựng nhà máy có vui mừng không?

- Thưa Bác vui thì có vui ạ, nhưng cũng sợ bị ném bom chết cả làng.

Bác ngắt lời tôi:

- Đúng đấy, phải hiểu rõ khó khǎn và tâm tư của quần chúng, giáo dục giúp đỡ đồng bào cùng chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ cách mạng. Còn các chú công nhân thì phải đoàn kết, gương mẫu đi đầu trong mọi việc để quần chúng tin cậy. Đồng bào vững lòng kháng chiến và tin tưởng thì kháng chiến nhất định thành công.

Bác lại ân cần thǎm hỏi gia đình tôi và Bác hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi đáp lại:

- Cháu hăm ba tuổi ạ.

Bác gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Bác nói:

- Thanh niên như thế là tốt. Chú còn trẻ, làm việc phải biết dựa vào Đảng, dựa vào nhân dân, vào quần chúng. Phải khiêm tốn, tự nguyện làm học trò quần chúng.

Sau cùng Bác khen anh chị em thợ nhà máy giấy Hoàng Vǎn Thụ đã anh dũng chiến đấu và làm được giấy kháng chiến. Bác dạy: “Công nhân nhà máy cần phải ra sức học tập, phải nêu cao vai trò làm chủ, phải tiến bộ không ngừng, không được tự kiêu tự mãn. Sau này kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, các cô, các chú còn phải quản lý nhà máy to hơn”.

Câu chuyện kéo dài quá bốn mươi phút, Bác còn dặn dò anh Hiến:

- Chú Hiến nên rút ra một số kinh nghiệm. Qua nhà máy Hoàng Vǎn Thụ, công nhân Việt Nam ta như vậy là rất giỏi, rất dũng cảm. Phải đẩy mạnh thi đua ái quốc, thi đua làm nhanh, làm nhiều, làm tốt, làm rẻ. Phát huy mọi khả nǎng, mọi sáng kiến làm cho mọi người tin ở sức mình, tin ở tập thể. Phải bảo vệ cơ sở sản xuất cho tốt. Bác nhắc vấn đề dùng máy sản xuất, nhưng phải coi trọng thủ công; chẳng may máy móc bị bắn phá thì vẫn liên tục sản xuất được. Bác nghe chú Sửu nói như vậy là chưa chú trọng đúng mức đến đời sống công nhân, chưa hết lòng giúp đỡ đồng bào địa phương và chưa cảnh giác cách mạng cao.

Đỗ Văn Sửu (Nguyên Giám đốc Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ kể)
Đoàn Minh Tuấn ghi
Chúng ta có Bác Hồ, NXB Lao Động, Hà Nội, 2001

Theo www.camau.gov.vn
https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=gioithieu.chitiet&urile=wcm:path:/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/chuyende/hoctapvalamtheotamguongdaoduchcm/tacphamvebac/fdfs
Copy Link
https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=gioithieu.chitiet&urile=wcm:path:/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/chuyende/hoctapvalamtheotamguongdaoduchcm/tacphamvebac/fdfs

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bác gọi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO