Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cô giáo thương binh hai lần được gặp Bác Hồ

Đó là cô giáo Huỳnh Thị Kiển, quê ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau này sinh sống ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cùng gia đình.


Đoàn dũng sĩ quân giải phóng miền Nam vinh dự được đến thăm, chúc thọ Bác Hồ (5/1969). Ảnh tư liệu.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Huỳnh Thị Kiển đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Với tinh thần yêu nước và sự dũng cảm bẩm sinh, cô tham gia nhiều trận đánh, chiến đấu gan dạ và lập được nhiều chiến công.

Cuối năm 1967, chị không may bị địch bắt. Bọn giặc thay nhau tra tấn, hành hạ chị dã man hòng khai thác, tìm ra những cơ sở cách mạng đã làm chúng mất ăn mất ngủ. Nhưng mặc chúng tra khảo thế nào, chị vẫn một mực im lặng, không tiết lộ nửa lời.

Bọn giặc điên cuồng trước thái độ bất khuất, một lòng kiên trung của chị, bọn chúng trói chặt chân tay và chặt đứt một chân chị. Đau đớn tột cùng nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng.

Trong sự giày vò thể xác, người con gái cùng quê hương với anh Nguyễn Văn Trỗi nghĩ rằng: "Dù chúng bây chặt đứt chân tao, tao cũng không sợ. Chỉ cần còn đôi mắt để tao được nhìn thấy Bác Hồ, được nhìn thấy ngày thống nhất đất nước...". Một thời gian sau, nhờ sự bố trí của tổ chức, chị Huỳnh Thị Kiển được giải cứu thành công và đưa ra miền Bắc điều trị. Chị được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú".

Ngày 3/2/1969, lúc chị Huỳnh Thị Kiển đang nằm điều trị tại Bệnh viện E Hà Nội thì được Bác Hồ cho người gọi chị đến gặp Bác.

Cảm xúc này được chị Kiển ghi lại: "Đây là ngày đáng ghi nhớ nhất đời tôi. Khi xe dừng lại trước Phủ Chủ tịch, chú Vũ Kỳ ra đón và cho biết, chờ một chút Bác Hồ sẽ cho cháu gặp... Lúc đó trống ngực tôi đập thình thịch, tôi chống nạng và đứng như trời trồng tại phòng khách của Phủ Chủ tịch.

Tôi nín thở và lắng nghe những bước chân của Bác. Đột nhiên tôi nhìn thấy Bác Hồ bước vào. Bác mặc bộ kaki đã bạc màu. Tôi đánh ngã đôi nạng xuống đất và sà vào lòng Bác. Không sao kìm được xúc động, tôi nói líu lại không nên lời:

- Thưa Bác, cho cháu được hôn Bác.

Bác cúi xuống xoa đầu tôi, tôi gục vào ngực Bác. Rồi Bác, chú Vũ Kỳ và các chú bảo vệ dìu tôi vào ghế ngồi.

- Sao gặp Bác mà cháu khóc? - Bác hỏi.

Cố nuốt nước mắt, tôi trả lời:

- Thưa Bác... cháu có ngờ đâu...

Nước mắt lại trào ra vì sung sướng, tôi nói không nên lời. Rồi Bác hỏi:

- Cháu quê ở Điện Bàn phải không?

Bác hỏi tôi về đồng bào ở trong quê, hỏi thăm gia đình tôi và các đồng chí, đồng đội của tôi. Tôi cứ líu lưỡi, không nói được gì, cứ mãi lo nhìn Bác, vuốt vuốt hai cánh tay của Bác, hai bàn tay của Bác. Bác nhìn chiếc chân giả của tôi và hỏi:

- Ban đêm cháu có ngủ được không? Chân cháu đau nhức không? Cháu có buồn không?

Tôi trả lời:

- Thưa Bác, trong chiến đấu dù có cụt chân tay nhưng đôi mắt cháu vẫn còn sáng để nhìn thấy Bác thì cháu sẽ không buồn. Được gặp Bác hôm nay cháu sẽ vui suốt đời.

Ngờ đâu khi trả lời xong tôi nhận ra Bác khóc. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận là sao hôm đó lại làm cho Bác buồn.

Buổi chiều, Bác bảo tôi và chú Vũ Kỳ ở lại ăn cơm với Bác. Trong bữa cơm tôi mãi nhìn Bác mà không ăn được. Bác gắp thức ăn cho tôi và bảo: "Cháu ăn cho khỏe, mới mau lành bệnh". Nhưng tôi cứ nhìn Bác đâu có ăn được. Bác bảo: "Kiển thi đua ăn với Bác nhé!". Tôi cố gắng ăn cơm nhưng vẫn không bỏ lỡ cơ hội được nhìn Bác.

Đến giờ Bác phải đi gặp phái đoàn Cu Ba, Bác bảo tôi cứ ăn đi cho khỏe. Rồi Bác đi thay bộ quần áo kaki mới, lúc trở ra Bác hỏi:

- Bác mặc thế này có đẹp không?

- Bác đẹp ạ!

Bác cười thật vui, tôi và chú Vũ Kỳ cũng cười theo. Bác dắt tôi xuống bậc tam cấp và hôn lên trán tôi. Bác nhìn chân giả của tôi và bảo:

- Chiếc chân này chưa tốt nên làm quần cháu dễ bị rách.

Bác hỏi chú Vũ Kỳ, sắp tới cho tôi đi sửa chân ở đâu. Chú Kỳ nói sắp tới đưa tôi đi sang nước bạn Hunggary để chữa trị. Bác tỏ ý vừa lòng, hỏi tôi: "Sau này cháu sẽ làm gì?". Tôi trả lời:

- Thưa Bác, cháu sẽ đi học sư phạm và sẽ đi dạy học. Bác vui vẻ xoa đầu tôi.

Chia tay tôi Bác còn dặn: "Cháu phải cố gắng chữa bệnh để chóng trở lại đội ngũ". Bác đi rồi tôi vẫn còn đứng tần ngần trông theo...".

Đó là lần gặp Bác thứ hai. Lần thứ nhất, chị Huỳnh Thị Kiển cùng với đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền Nam gặp Bác tại Phủ Chủ tịch.

Chị Kiển có người bạn đời là anh Tư Ngươn, cũng là thương binh, sống hạnh phúc và chia sẻ vui buồn cùng nhau. Sau này anh chị đã có cơ ngơi khá khang trang. Có hai con đều thành đạt, con gái lớn của chị là cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Y khoa Cần Thơ, con trai làm việc ở ngân hàng.

Sau ngày giải phóng, nhớ lời hứa với Bác Hồ, chị Huỳnh Thị Kiển đã thi vào Khoa Sử Trường Đại học Cần Thơ. Tốt nghiệp, chị được phân công về dạy ở Trường Trung học cơ sở An Hòa, quận Bình Thủy.

Nhiều lần tổ chức gợi ý muốn phân công chị sang công tác khác cho phù hợp với sức khỏe, nhưng chị vẫn muốn theo đuổi nghề dạy học. Tuy sức khỏe không tốt lắm, nhưng chị hằng ngày vẫn đến trường trên đôi nạng gỗ với phong thái mẫu mực.

Khi về hưu, anh Tư Ngươn và chị Kiển vẫn chăm chút cho gia đình và quan hệ cùng bạn bè đồng chí. Thỉnh thoảng chị vẫn được mời đến nói chuyện với sinh viên về kỷ niệm cuộc đời mình, vẫn vui tươi và sôi nổi./.

Lê Thị Hiếu Dân (Nguồn: Báo Cà Mau)

Cô giáo thương binh hai lần được gặp Bác Hồ