Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ hai tặng phẩm của Bác Hồ

Có lần, đồng chí Lê Duẩn, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng về thăm căn cứ địa miền Tây. Một hôm, anh Ba đến thăm anh chị em cơ quan Trung ương Cục - Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ. Trong không khí vui tươi đầm ấm, anh Ba kể lại câu chuyện về hai tặng phẩm của Bác Hồ gửi tặng cho hai đối tượng ở Nam Bộ. 

Anh nói: "Sau chuyến ra công tác tại Trung ương, Đoàn Nam Bộ chuẩn bị trở về Nam. Trước khi lên đường, đoàn được Bác mời dùng bữa cơm tiễn biệt. Dự cuộc họp mặt hôm ấy có một số đồng chí ở Trung ương.

Sau bữa ăn, lúc trò chuyện thân mật, Bác gọi đồng chí thư ký riêng mang ra một chiếc hộp mỏng bằng gỗ thông, Bác chậm rãi mở hộp, lấy ra hai huy hiệu Các Mác và Lênin bằng cẩm thạch gắn nổi trên nền khung tròn, đường kính khoảng 13 cm, vành khung bọc mạ vàng. Bác nhìn các đồng chí Nam Bộ, tươi cười nói:

Trong chuyến đi công tác ở Liên Xô, Đảng và Nhà nước Liên Xô có tặng cho tôi hai huy hiệu Các Mác và Lênin quý giá này. Ngày mai các đồng chí trở về, tôi nhờ đồng chí Lê Duẩn thay mặt và chuyển lời tôi ân cần thăm hỏi và tặng một huy hiệu cho anh, chị em trí thức Nam Bộ và một huy hiệu cho anh em công nhân quân giới Nam Bộ".

Trân trọng đón nhận hai tặng phẩm quý giá từ tay Bác, anh Ba hứa với Bác sẽ làm đúng theo lời Bác dặn và thay mặt anh chị em trí thức cùng công nhân quân giới Nam Bộ cảm ơn tấm lòng quan tâm ưu ái đặc biệt của Bác.

Cả phòng khách vỗ tay nhiệt liệt. Nhưng có một khoảnh khắc yên lặng và một vài đồng chí ở Trung ương dự buổi tiễn có vẻ băn khoăn, chưa hiểu hết ý của Bác, xin phép được hỏi: "Vì sao có một tặng phẩm Bác lại dành cho trí thức Nam Bộ?

Còn bộ đội chịu nhiều hy sinh gian khổ, đang chiến đấu với kẻ thù trên các chiến trường ác liệt? Còn nông dân là chủ lực quân của cách mạng, đang đóng góp sức người, sức của lớn lao cho cuộc kháng chiến, trước nhất đáng được biểu dương tặng thưởng, thưa Bác?".

Một thoáng ưu tư lộ trên đôi mắt sáng ngời của Bác, Bác gật đầu nói:

- Đúng. Nếu Bác có nhiều tặng phẩm quý giá nữa, Bác chẳng những tặng cho bộ đội, nông dân và cả cho thanh niên, phụ nữ, phụ lão, nhi đồng Nam Bộ. Tất cả đều chịu nhiều hy sinh gian khổ, có công lớn, có nhiều thành tích vẻ vang trong cuộc kháng chiến cứu nước, đều đáng được khen thưởng. Nhưng hôm nay, Bác chỉ có hai tặng phẩm thôi. Vậy tặng cho ai?

Phần tặng thưởng cho công nhân, đặc biệt là công nhân quân giới, đang ở trong rừng sâu, xa cách đồng bào, sống kham khổ thiếu thốn, ngày đêm lo sản xuất súng đạn cho bộ đội đánh giặc, chắc các đồng chí nhất trí với Bác. Riêng phần tặng thưởng cho trí thức Nam Bộ, Bác đã nghĩ nhiều.

Trong kháng chiến, một số trí thức Việt Nam chịu khó chịu khổ đi với cách mạng, phục vụ kháng chiến. Đảng, cách mạng phải hết sức giúp đỡ dìu dắt trí thức đưa họ về với cách mạng, với công nông. Riêng với trí thức Nam Bộ, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng, có danh vị, có cuộc sống đầy đủ, bọn thực dân Pháp cố tìm cách dụ dỗ mua chuộc bằng tiền bạc, địa vị. Nhưng họ đã nhận ra không có cái nhục nào bằng cái nhục mất nước, làm dân nô lệ.

Do đó, họ dứt khoát từ bỏ tất cả quyền tước, giàu sang ra đi kháng chiến cứu nước. Trí thức Nam Bộ đang sống và chiến đấu trong những điều kiện rất khó khăn gian khổ, lại xa Trung ương, việc chăm sóc, bồi dưỡng, cả việc cư xử có lúc, có nơi chưa tốt, nhưng họ vẫn một lòng một dạ giữ chữ "Trung, Tín, Dũng, Liêm". Với niềm tự hào là người yêu nước, chưa một ai trong đội ngũ trí thức Nam Bộ đến bây giờ đã ra đi rồi quay trở về thành.

Chiếc huy hiệu quý giá Bác gửi tặng cho trí thức Nam Bộ với ý nghĩa đó.

Một lần nữa, cả phòng khách phấn khởi vỗ tay vang dội kéo dài và Bác đứng lên ôm hôn thắm thiết tiễn đồng chí Lê Duẩn và các đồng chí trong Đoàn Nam Bộ.

Đối với lớp trẻ chúng tôi bây giờ, phần lớn là học sinh, sinh viên được đào tạo ở các trường vùng tự do hoặc từ vùng tạm chiếm, nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn đang công tác tại các cơ quan Trung ương Cục - Ủy ban Nam Bộ, câu chuyện Bác Hồ với trí thức Nam Bộ đã gây một ấn tượng sâu sắc, vừa bồi hồi xúc động xen lẫn chút tự hào.

Khi liên hệ đến suy nghĩ của Bác đối với những nhân sĩ trí thức đang chịu khó, chịu khổ hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến chung quanh các cơ quan, các ngành của Nam Bộ, chúng tôi mới hiểu thấu được cái nhìn của Bác thật mênh mông và sâu thẳm.

Bỗng nhiên tôi nhớ đến ông Huỳnh Thiện Lộc, một đại địa chủ trí thức, đã từng là thành viên Hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương, có trên 20.000 ha ruộng ở Rạch Giá, Bạc Liêu. Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945, thực dân Pháp trở lại âm mưu tái chiếm Việt Nam, hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, ông ra đi tham gia cách mạng, hiến hết ruộng đất để cách mạng cấp cho nông dân.

Ông được Bác Hồ mời ra Hà Nội công tác rồi về Nam làm Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ cho đến khi ông lâm trọng bệnh, được Trung ương Cục - Ủy ban và Hội Liên Việt Nam Bộ cử các y, bác sĩ tận tình chăm sóc điều trị tại nhà riêng ở Rạch Giá.

Theo đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Trung ương Cục miền Nam, phụ trách công tác Mặt trận Nam Bộ, kể lại, lúc biết bệnh tình không thể qua được, ông Huỳnh Thiện Lộc bảo người nhà đi mời cho được anh Ba Khiêm đến để ông gặp mặt.

Đêm hôm ấy trời đang dông mưa, nhưng anh Ba vẫn vội vã ra đi. Khi bước vào nhà cũng là lúc ông Huỳnh Thiện Lộc vừa trải qua một cơn đau vật vã đang còn mệt, nằm thiêm thiếp lặng yên. Anh Ba nhẹ nhàng rờ ngực rồi cầm tay ông gọi khẽ:

- Anh Lộc, tôi đến thăm anh đây, mong anh được khỏe, sớm bình phục.

Nghe anh Ba Khiêm nói, ông Lộc từ từ mở mắt. Khi nhận ra anh Ba, ánh mắt ông lóe sáng, gương mặt tươi tỉnh, vẻ xúc động. Ông chậm rãi nói rõ từng lời:

- Anh Ba, con đường tôi chọn lựa là nguyện đi theo đến cùng với cách mạng. Tôi đã làm như vậy. Nhưng chẳng may bệnh tình quá nặng, có thể không vượt qua... Nếu điều đó xảy ra, trước khi vĩnh biệt các anh, vĩnh biệt cách mạng... còn một điều ước nguyện mà tôi quyết đạt cho được, dẫu có phải theo đuổi suốt cuộc đời... đó là được đứng trong hàng ngũ Đảng, được trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam... Mong các anh cho tôi được nhận vinh dự đó.

Ông Lộc ra dấu cho người nhà đỡ ông dậy, tựa lưng vào chồng gối sát tường, chăm chú nhìn anh Ba như chờ đợi một quyết định trọng đại.

Anh Ba sững sờ xúc động. Một thoáng nghĩ về Điều lệ Đảng, về nguyên tắc tổ chức, kết nạp đảng viên... Anh Ba gật đầu, dứt khoát đứng lên, khẽ nắm bàn tay anh Lộc, giọng ấm áp, rõ ràng, anh nói:

- Anh thật xứng đáng được đứng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân lao động. Thể theo nguyện vọng của anh, tôi thay mặt Đảng, đặc cách kết nạp anh vào Đảng Lao động Việt Nam. Từ giờ phút này, đồng chí Huỳnh Thiện Lộc là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam!

Ông Lộc nhìn anh Ba gật đầu mãn nguyện. Chiều hôm sau, cơ quan Hội Liên Việt Nam Bộ nhận được tin báo ông Huỳnh Thiện Lộc đã qua đời.

Chẳng ai xa lạ, người đang kể chuyện về ông Huỳnh Thiện Lộc cũng chính là người thay mặt Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ đã ký ban hành Chỉ thị 4/NV, năm 1947, kêu gọi nhân sĩ trí thức yêu nước ở thành thị và vùng tạm chiếm ra bưng biền kháng chiến cứu nước. Kết thúc câu chuyện kể, anh Ba Khiêm nói: "Thái độ dấn thân của nhân sĩ trí thức trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ là như thế!".

Nguyễn Trung Tín, Nguyên Trưởng Ban Văn thư Văn phòng Trung ương Cục - Ủy ban Nam Bộ. (Trích trong Căn cứ Xử ủy Nam Bộ Trung ương Cục miền Nam ở U Minh (cuối 1949 – đầu 1955)).

Từ hai tặng phẩm của Bác Hồ