Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bác đến gia đình tôi

Bấy giờ vào khoảng 8 giờ tối. Gia đình tôi vừa ăn bữa cỗ tất niên xong, đang quây quần chung quanh cành đào để uống nước, bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi chưa kịp chạy ra đến nơi thì Bác đã hiện ra lồng lộng giữa khung cửa: “Bác”! “Bác!”. Tôi bật reo lên, lòng tràn ngập mừng vui như gặp người cha đi xa lâu ngày, nay đột ngột trở về. Tôi muốn ôm chầm lấy Bác, Bác vẫn tay bảo tôi:

- Vào cả đây.

Bác nhanh nhẹn bước vào nhà. Nghe tiếng Bác, vợ tôi vội vàng quờ quạng đứng dậy, ấp úng không nói nên lời. Thấy vợ tôi mù lòa, Bác ân cần hỏi:

- Cô cứ ngồi xuống. Cô có được khỏe không?

- Thưa Bác, cháu vẫn khỏe ạ.

Bác nhìn quanh nhà một lượt rồi vui vẻ hỏi tôi:

- Nhà gói được mấy cái bánh chưng?

- Thưa Bác, cháu gói được hơn một chục cái.

- Gạo có đong đủ cho các cháu không?

- Thưa Bác đủ ạ.

Mấy đứa con tôi qua một phút bàng hoàng thấy Bác bây giờ đã trấn tĩnh lại, đứng quấn lấy chân Bác, Bác giơ tay đón bé Quang, đứa con trai nhỏ của vợ chồng tôi rồi quay lại hỏi tôi:

- Các cháu có được đi học cả không?

- Thưa Bác, các con của cháu đều đi học được cả.

Bác hỏi bé Quang:

- Thế bố có mua tranh cho cháu chơi Tết không?

Tất cả các con tôi có mặt ở đó đều đồng thanh trả lời:

- Có ạ.

Sao bây giờ các con tôi ngoan thế? Nhìn khung cảnh các con tôi quấn quít dưới chân Bác, tôi vụt nhớ đến ông tiên trong truyện cổ tích ngày xưa.

Vừa hỏi chuyện, Bác vừa đem kẹo ra chia cho các con tôi. Vợ tôi xúc động qua, hai dòng nước mắt cứ chảy ra. Tôi thương nhà tôi quá: Hai con mắt như cùi nhãn của vợ tôi cứ trương ra không chớp. Tôi biết lúc bấy giờ nhà tôi cố thu hết sức lực của mình chống lại bệnh tật để được nhìn thấy Bác, Bác an ủi vợ tôi:

- Cô phải cố gắng uống thuốc dần.

Bác lại quay sang hỏi tôi:

- Năm nay công tác của chú có tiến bộ không?

- Thưa Bác, năm nay cháu được bầu là chiến sĩ thi đua của nhà máy ạ.

- Thế là tốt. Nhưng chú chớ chủ quan. Phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Tôi muốn thưa với Bác nhiều, tôi muốn kể với Bác tất cả cuộc đời đen tối của tôi ngày trước: Từ năm mười một tuổi tôi đã phải rời khỏi quê hương khố rách áo ôm đi tha phương cầu thực. Tôi đã tìm đến Hải Phòng – Hà Nội – Hòn Gai. Tôi đã rao khản cổ để bán nước vối ở sân ga, tôi đã làm chân kéo quạt trong các trại lính, tôi đã lách vào các xưởng quét dọn hố xí để học làm nghề nghiệp. Nhưng ở đâu xã hội cũ cũng ruồng rẫy tôi. Tôi đã phải vay nợ lãi cắt cổ mua lễ vật đút lót cho bọn cai chủ để xin việc. Nợ cái đẻ nợ con, làm quần quật cả năm mà chưa trả hết. Tôi đã bị thằng chủ Tây nhà máy xi măng đánh đập, máu chảy ròng ròng suốt cả cầu thang. Bọn chủ nhà máy sửa chữa ôtô Yên Ninh đã quỵt anh em thợ chúng tôi ba tháng lương, ngày Tết gia đình tôi không có một nén hương, mẹ nhìn con, con nhìn cha nước mắt lưng tròng. Nhờ có cách mạng, có Đảng, có Bác, tôi mới thực sự được làm người. Tôi muốn thưa với Bác lòng biết ơn vô hạn của tôi đối với Đảng, với Bác, nhưng lòng tôi rộn ràng quá, tôi chỉ nói được với Bác:

- Cháu xin hứa với Bác cố gắng mọi mặt công tác để đáp lại công của Bác.

Bác bắt tay tôi. Hai bàn tay chai sạn của tôi nắm chặt lấy tay Bác. Người tôi run lên vì sung sướng.

Bác đã bước ra cửa. Bà con chung quanh nghe tin Bác đến, tụ tập rất đông hai bên đường để được đón Bác. Bác thân mật vẫy chào mọi người rồi lên xe. Xe Bác đã chạy xa rồi mà tôi vẫn cứ ngẩn ngơ nhìn theo… Bấy giờ sao thời gian đi nhanh quá!...

Đêm đó, gia đình tôi không ngủ. Tôi ôn lại quá khứ và tôi nghĩ nhiều đến tương lai. Lời Bác thăm hỏi, căn dặn như ánh mặt trời chiếu rọi đời tôi. Một lần nữa, tôi nguyện với Bác đem hết sức lực và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng. Tự trong đầu óc tôi những dự định mới mẻ về công việc của tổ sản xuất, chủ trương nhà máy cứ nảy ra. Chưa bao giờ tôi thấy lòng mình phơi phới như thế.
Vợ tôi cũng vậy. Vợ tôi nói:

- Nhà ạ, ngày xưa làm gì có cảnh này. Mắt em bị mù nhưng lúc ấy em cũng trông thấy Bác.

Tôi sung sướng hỏi lại nhà tôi:

- Thế à, nhà thấy Bác như thế nào?

- Em cứ theo anh Bác em thấy trước kia mà em tưởng tượng ra. “Bác còn đẹp hơn trong ảnh nữa kia” Tôi định nói với nhà tôi như vậy, nhưng sợ nhà tôi tủi thân nên tôi lại làm thinh.

Các con tôi dúi tất cả những chiếc kẹo Bác cho vào tay mẹ chúng. Những chiếc kẹo bọc giấy đó được vợ tôi trân trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết. Vợ tôi nói với các con tôi:

- Các con ạ, bố các con phục vụ tốt trong nhà máy nên mẹ con ta mới có được vinh dự này.

Tôi biết câu nói đó của nhà tôi là để động viên tôi. Vợ chồng chúng tôi biết nhau từ lúc cùng làm chung ở nhà máy chè Hải Phòng. Nhà máy của bọn thực dân tư bản không hề có một phương tiện bảo hộ lao động nào nên bụi chè bay mù mịt. Vợ tôi bị đau mắt từ đó. Cùng cảnh khổ, tôi tìm thầy tìm thuốc chạy vạy cho vợ tôi. Rồi chúng tôi nên vợ nên chồng. Bao nhiêu lận đận trong đời tôi, vợ tôi đều chung vai gánh vác. Cho đến lúc bị mù lòa, vợ tôi vẫn cố gắng đảm đang việc nhà, chăm sóc con cái cho tôi. Trong những năm qua tôi đóng góp được phần nào cho nhà máy, cho tập thể cũng là có công lao của vợ tôi.

Mỗi lần Tết đến, gia đình tôi lại hân hoan sống lại giờ phút Bác đến.

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Bác đến gia đình tôi