Kể chuyện Bác Hồ
Tuyển tập các câu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hai câu thơ tuyệt hay của Bác Hồ Xuân Đinh Hợi 1947 ở núi Tử Trầm

Chùa Trầm là một quần thể mấy ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km, xưa là làng Long Châu, tỉnh Hà Đông. Địa thế chùa rất đẹp với các núi nhỏ chung quanh như núi Ninh Sơn, Đồng Lư, Tiên Lữ.

Thật ra, đây là cả một danh lam thắng cảnh với núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Chùa Trầm là ngôi chùa chính xây dựa vào vách núi. Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Chùa Hang được xây dựng trong động Long Tiên dưới chân Tử Trầm Sơn cách chùa chính về bên trái. Bề ngang cửa hang chỉ hơn 7 mét, chiều cao trên 3 mét nhưng bên trong là một hệ thống hang động liên hoàn cao rộng hiếm thấy. Nhờ ánh sáng tự nhiên chiếu qua một số khe nhỏ bên sườn núi và trên đỉnh núi, ta có thể chiêm ngưỡng vô vàn nhũ đá với nhiều hình thù, màu sắc kỳ lạ, nào là mái tóc tiên, khánh đá, chuông đá, nào là hình rồng, hình chim, hoa sen đá... rất sinh động. Trong động bày bàn thờ Phật cùng những pho tượng đá. Có giá trị văn học là 15 tác phẩm thơ văn khắc trên vách động, vịnh cảnh chùa. Trong động còn có hai lối đi. Lối đi lên đỉnh núi dân gian gọi là đường lên Trời và đường xuống hang sâu gọi là đường xuống Âm phủ. Hang Trầm còn được biết đến vì một sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì một ngày sau, ngày 20-12, tại đây, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Nổi tiếng nhất trong ba ngôi cổ tự chính là Trầm Vô Vi cách chùa chính khoảng 1 km. Chùa được xây dựng năm Ất Hợi (1515) do Trần Văn Tăng, một tướng quân xuất gia đi hoằng đạo, khởi xướng. Ở đây còn tấm bia đá lớn khắc bài thơ của Trần Văn Tăng viết bằng chữ Nôm: Trùng phảng Vô Vi Tự (Thăm lại chùa Vô Vi)

Sơn động chi bằng Vô Vi phật tự
Thùy kỳ tạo chi, thiền sư đạo sĩ
Bên này Thiên Trúc nọ Bồng Lai
Đem cảnh thanh u đặt giữa trời
Trang điểm đã nhờ ơn đạo sĩ
Độ trì còn đội Đức Như Lai
Mượn nền đá phẳng đề dăm vận
Sẵn quả chuông kêu đấm mấy hồi
Cảnh vị mến người, người lại lại
Đã vô vi khéo cũng lôi thôi.

Đầu xuân Đinh Hợi (1947) trước khi lên Việt Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạm lánh về Hà Đông cùng với Đài Tiếng Nói Việt Nam. Chính trong thời gian này Bác ứng khẩu hai câu thơ tuyệt hay về vùng non nước chùa Trầm như sau:

Cao sơn hữu ý thiên niên bút,
Lưu thủy vô thanh vạn cổ cầm.

Dịch nghĩa:

Núi cao có ý như cây bút ngàn năm,
Nước chảy không nghe tiếng nhưng lại là cây đàn muôn thuở.

Có lẽ, khi tức cảnh hai câu thơ tuyệt diệu nói trên, Bác Hồ đã đứng trên lầu Nghênh Phong trên đỉnh núi, nơi có thể trải tầm mắt ngắm toàn bộ khung cảnh của vùng danh thắng núi Trầm một vùng ven sông Đáy.

Tư liệu quý này về Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi được GS. Nguyễn Tri Niên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) kể lại và bình: “Chỉ với hai câu thơ đó, chúng ta thấy được một tâm hồn phương Đông ung dung tự tại, tiên phong đạo cốt, trầm tĩnh mặc dầu tình hình đất nước đang ở thế nghìn cân treo sợi tóc”. Giáo sư đã dịch ra luật thi hai câu thơ trên như sau:

Núi cao hàm ý ngàn năm viết,
Nước chảy êm ngân vạn tiếng đàn.

Hai câu thơ tuyệt hay của Bác Hồ Xuân Đinh Hợi 1947 ở núi Tử Trầm