Krông Nô quyết tâm nâng độ che phủ rừng

Đức Hùng| 07/09/2020 09:11

Huyện Krông Nô đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng độ che phủ rừng. Trong đó, huyện vừa tập trung hạn chế phá rừng, vừa khôi phục và phát triển rừng có hiệu quả tại địa phương.

Đến đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Krông Nô đang có 32.538 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, đất có rừng 18.625 ha, đất chưa có rừng 13.912 ha. Rừng ngoài quy hoạch ba loại rừng 3.781 ha. Rừng tạm giao về cho các địa phương quản lý khoảng 9.000 ha. Độ che phủ rừng năm 2020 của huyện Krông Nô đạt 35,1%.

Phát triển rừng tại Krông Nô giai đoạn 2015 - 2020 đã vượt kế hoạch đề ra

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Krông Nô đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác phát triển rừng trong Nhân dân. UBND huyện đã ban hành rất nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương với mục tiêu: Quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, giảm 50% số vụ phá rừng và diện tích rừng bị phá năm sau so với năm trước.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 81 vụ phá rừng trái phép, với diện tích rừng bị thiệt hại 45,19 ha. Hằng năm huyện đều thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng đề ra. Cụ thể, huyện đã phát triển được tổng cộng 2.605 ha rừng, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng tập trung 1.328 ha; trồng nông lâm kết hợp 443 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 834 ha.

Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng việc phát triển rừng ở Krông Nô vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thực trạng rừng manh mún, da báo nằm xen lẫn trong đất sản xuất nông nghiệp của người dân, dễ bị chặt phá, lấn chiếm. Tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn liên tục gia tăng, gây sức ép phá rừng rất lớn. Từ năm 2005 đến nay, huyện có trên 1.200 hộ và trên 4.400 khẩu dân di cư tự do đến sinh sống. Trong khi các dự án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn vẫn chưa hoàn thiện, dân di cư tự do chủ yếu vẫn sống trong rừng, nên việc quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn.

Phần lớn các hộ dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Sau khi các công ty lâm nghiệp trên địa bàn giải thể thì cơ quan chức năng chưa có giải pháp căn cơ để giao rừng, quản lý, bảo vệ rừng. Đây đều là những vướng mắc lớn, dẫn đến tình trạng phá rừng luôn diễn biến phức tạp.

Mục tiêu huyện Krông Nô đặt ra trong giai đoạn 2020-2025 là nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 36,1%. Huyện cũng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy bằng việc phấn đấu hàng năm giảm 50% số vụ phá rừng và 50% diện tích rừng bị phá. Đối với công tác phát triển rừng, huyện phấn đấu phát triển thêm 2.000 ha, trong đó trồng rừng tập trung 700 ha, rừng nông lâm kết hợp 1.000 ha, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 300 ha.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô, để đạt mục tiêu đặt ra giai đoạn 2020 - 2025, huyện đã đưa ra các giải pháp nhằm xóa bỏ động cơ phá rừng lấy đất sản xuất. Huyện cũng kiên quyết thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm liên quan phá rừng, bắt buộc khắc phục hậu quả, nhổ bỏ cây nông nghiệp trên đất rừng bị phá để trồng lại rừng.

Để bảo đảm việc phát triển rừng ổn định lâu dài, huyện sẽ giải quyết tình hình dân di cư tự do trên địa bàn, tránh tái diễn việc phá rừng làm lương rẫy. Cùng với đó, huyện đề xuất tỉnh điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng, đưa ra khỏi quy hoạch các diện tích rừng nhỏ lẻ, manh mún để tập trung quản lý có hiệu quả. Các ban lâm nghiệp xã cũng được sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động. Hàng năm, huyện sẽ bố trí nguồn kinh phí để bảo đảm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/tai-nguyen-moi-truong/krong-no-quyet-tam-nang-do-che-phu-rung-81867.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/tai-nguyen-moi-truong/krong-no-quyet-tam-nang-do-che-phu-rung-81867.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Krông Nô quyết tâm nâng độ che phủ rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO