Chính trị

Thi đua vì một Đắk Nông phát triển

Trọng Nghĩa 28/04/2024 06:00

Các phong trào thi đua yêu nước ở Đắk Nông ngày càng đổi mới cả về nội dung và hình thức, tạo lan tỏa sâu rộng trong từng ngành, đơn vị, địa phương và Nhân dân.

ADQuảng cáo

Thi đua xây dựng nông thôn mới

Đây là một trong những phong trào quần chúng sôi nổi và rộng khắp trong toàn tỉnh, tạo chuyển biến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Khắp các địa bàn trong tỉnh, diện mạo nông thôn được đổi mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao.

img_5361-1-.jpg
Các sở, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông ký kết giao ước thi đua năm 2024

Theo lãnh đạo UBND xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, trong quá trình triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương luôn phát huy được sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, ngành và Nhân dân. Trong quá trình thực hiện, địa phương thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”.

Nhờ đó, xã đã về đích NTM nâng cao thành công. Toàn xã có gần 4.000 hộ dân, nguồn thu nhập của người dân trên địa bàn xã khá đa dạng. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,6 triệu đồng/người/năm. Toàn xã còn 53 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,28%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương được giữ vững ổn định.

2134.jpg
Thị trấn Đắk Mil ngày càng phát triển, trở thành đô thị trung tâmkhu vực phía bắc của tỉnh Đắk Nông

Tại xã biên giới Thuận An, huyện Đắk Mil, theo ông Trần Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị. UBND xã đã xây dựng các kế hoạch phổ biến tuyên truyền rộng rãi đến từng khu dân cư, hộ gia đình. Với phương châm "Dễ làm trước, khó làm sau", khơi sức dân trong xây dựng NTM, đến tháng 12/2023, Thuận An đã đạt 19/19 tiêu chí đầy đủ; số chỉ tiêu thành phần đã đạt 75/75. “Chúng tôi xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, đến nay, Thuận An đã có nhiều đổi thay khác trước. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững”, ông Trần Khắc Dũng phấn khởi thông tin.

Năm 2023, Đức Minh và Thuận An là hai xã của huyện Đắk Mil đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí về NTM nâng cao và đang làm hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

dsc07065.jpg
Nhiều tuyến đường nông thôn mới của huyện Cư Jút được bê tông hóa kiên cố từ sự góp sức của Nhân dân và hỗ trợ của Nhà nước

Thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đến nay, toàn tỉnh đã có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 60%); bình quân mỗi xã đạt 16,8 tiêu chí về NTM trở lên.

Chung tay vì người nghèo

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã khơi dậy được tinh thần nhân ái của các cấp, ngành, địa phương với những hoạt động thiết thực.

“Chăm lo cho người nghèo không chỉ là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền mà còn là trách nhiệm của mặt trận và các tổ chức thành viên. Với những hoạt động thiết thực, mặt trận các cấp luôn là cầu nối để gắn kết những tấm lòng hướng về người nghèo, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", “lá lành đùm lá rách” cao đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông

Theo đồng chí Điểu Xuân Hùng, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Nông, hàng năm, MTTQ các cấp đã tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Vì người nghèo của tỉnh bằng hiện vật hoặc tiền mặt. Riêng năm 2023, mặt trận các cấp phối hợp vận động được trên 28 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội.

h2.jpg
Nhiều hộ nghèo của xã Đức Minh, huyện Đắk Mil được hưởng lợi từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững để phát chăn nuôi bò

Để việc hỗ trợ thoát nghèo được bền vững, MTTQ các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên đăng ký phần việc hỗ trợ thoát nghèo cũng như giải pháp giúp đỡ các hộ khó khăn với phương châm “ở đâu có hộ nghèo, ở đó có tổ chức hội giúp đỡ”.

Bà H’Vi Êban, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đắk Nông cho biết, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo là hoạt động được các cấp hội thực hiện thường xuyên, liên tục với những cách làm đa dạng về vốn, sinh kế, cây, con giống, khoa học kỹ thuật... Tính riêng năm 2023, các cấp hội đã vận động tặng 4.392 phần quà, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng; xây dựng mới, sửa chữa 25 căn nhà, với tổng trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật. Các cấp hội phụ nữ cũng đã nhận đỡ đầu 189 trẻ em mồ côi...

Với những cách làm thiết thực, phù hợp, phong trào thi đua “Đắk Nông chung tay vì người nghèo” đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Cụ thể, năm 2023, Đắk Nông có 8.838 hộ nghèo, với 43.417 khẩu, chiếm tỷ lệ 5,18%; hộ cận nghèo 11.197 hộ, 52.156 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,57%. So với năm 2022, hộ nghèo giảm 4.504 hộ, giảm 12.672 khẩu; hộ cận nghèo tăng 267 hộ, với 6.992 khẩu.

Thi đua cải cách hành chính

Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" được thực hiện đồng thời cùng phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Đắk Nông”. Thực hiện các phong trào này, tỉnh Đắk Nông tập trung đẩy mạnh cải cách công vụ; hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

dsc00950.jpg
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch

Từ ngày 15/10/2023, tỉnh đã triển khai nhân rộng mô hình sáng kiến cải cách hành chính “Ngày không viết", “Ngày không hẹn”, áp dụng thứ 4 hàng tuần tại bộ phận một cửa UBND 8 huyện, thành phố và 71 xã, phường, thị trấn. Các thủ tục hành chính được rà soát, công bố, niêm yết công khai, minh bạch. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và dịch vụ bưu chính công ích ngày được mở rộng.

Từ đó, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính hàng quý trước hạn và đúng hạn tại 3 cấp luôn đạt trên 96,5%. Địa phương đã tiến hành kiểm tra cải cách hành chính tại 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 4 UBND cấp huyện và 4 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; thành lập các tổ kiểm tra công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

thi-dua.jpg

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao năng lực và phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Xác định rõ cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng là mục tiêu phục vụ, là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính các cấp; chuyển đổi tư duy, hành động từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi đua vì một Đắk Nông phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO