Kinh tế

Gồng mình cứu cây trồng trong nắng hạn ở Đắk Nông

Trần Thị Thoan 27/04/2024 16:13

Đắk Nông đang ở vào giai đoạn hạn hán khốc liệt và chính quyền, người dân đang phải gồng mình, xoay xở đủ cách để cứu cây trồng.

Hạn hán khốc liệt

Giữa cái nắng gay gắt, anh Võ Văn Chinh, thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đắk Mil đang kiên trì đứng canh chiếc máy bơm của mình. Anh canh để thêm dầu, thêm nước cho máy chạy ổn định, tưới đủ nước cho 1ha cà phê.

Vườn cà phê của anh được trồng trên 10 năm, đang thời kỳ kinh doanh. Năm 2023, vườn cây cho sản lượng 3 tấn, gia đình anh có khoản thu nhập khá cao.

Năm nay, anh tập trung đầu tư nhiều hơn, từ phân bón, cắt tỉa cành, phòng chống sâu bệnh cho vườn cà phê, với hy vọng vụ mùa bội thu.

dsc_0028.jpg
Vườn cà phê của anh Võ Văn Chinh, thôn Thuận Thành, xã Thuận An, huyện Đắk Mil đã bắt đầu cháy lá

Tuy nhiên, nhiều tháng nay, anh đã phải gồng mình chống chọi với khô hạn, bởi số lần tưới tăng gấp đôi so với mọi năm. Hiện anh đã phải tưới đến lần thứ 6 cho vườn cà phê. Số lần tưới tăng, đồng nghĩa với việc chi phí tăng.

Anh Chinh cho biết thêm: “Vườn cây đã có biểu hiện khô cháy lá do nắng nóng kéo dài, có thể ảnh hưởng đến năng suất. Nhưng với tôi, thời điểm giữa tháng 4, thời tiết 37, 38 độ C mà vẫn có nước tưới đã là một điều may mắn rồi”.

Đúng như lời anh Chinh nói, cũng tại xã Thuận An, nhiều gia đình ở thôn Thuận Bắc đã không có nước tưới cho cây trồng từ gần 2 tháng nay. Giữa tháng 4, qua quan sát một số rẫy cà phê bắt đầu đã cháy lá, khô cành, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất là rất cao.

Ông Trần Quốc Hùng, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) nói về hạn hán năm nay

Cụ thể như trường hợp rẫy gần 1 ha của gia đình ông Trần Quốc Hùng, nằm ngay phía dưới hồ Nông trường Thuận An.

Tần ngần bên vườn cà phê mới trồng, nhiều cây đã cháy lá lốm đốm, nhiều cây héo, ông Hùng cho biết, ông đã sống ở địa phương trên 30 năm.

Trong đó, ông đã chứng kiến 3 đợt khô hạn lớn, theo trí nhớ của ông là vào các năm 1992, 2016 và năm nay. Ông khẳng định, đợt khô hạn năm nay có thể nói là khốc liệt nhất ở cả thời gian và mức độ.

dsc_0105.jpg
Hồ Nông trường Thuận An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil trơ đáy gần 2 tháng nay

Ông Hùng lấy dẫn chứng, mùa mưa kết thúc từ tháng 9/2023. Đến tháng 3/2024, Đắk Nông mới có một trận mưa, nhưng lượng mưa rất nhỏ, không có tác dụng lớn đối với cây trồng. Năm nay, nhiệt độ cao, kéo dài trong ngày, nên cây trồng chịu ảnh hưởng rất lớn.

Ông Hùng cũng là Trưởng thôn Thuận Bắc. Toàn thôn hiện có 128ha cà phê của 84 hộ dân đều không còn nước tưới. Bà con chỉ tưới được đến đợt 2, một số người may mắn hơn đến đợt 3 là hết nước.

dsc_0184.jpg
Hàng ngàn ha cà phê ở Đắk Nông đã cháy lá, khô cành, nguy cơ giảm năng suất

Ông Hùng lo lắng: “Cuối tháng 4, sang tháng 5 mà không có mưa thì vườn cà phê con coi như mất mùa. Đời sống kinh tế bà con đều dựa vào cà phê mà nắng nóng thế này thì không biết còn cái gì để ăn?”

Nỗ lực điều tiết nước, cứu cây trồng

Cũng ở xã Thuận An, giữa cái nắng chói chang, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, công nhân Chi nhánh huyện Đắk Mil, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông bận rộn hơn mọi ngày.

Chị thực hiện điều tiết nước từ hồ thủy lợi Núi lửa về tưới cho cà phê, lúa nước quanh vùng. Chị phải đi một vòng lên hồ, quan sát mực nước, rồi xuống kênh chính, xem xét các van điều tiết, xuống cánh đồng, cách đó chừng 5km để biết lượng nước vào từng chân ruộng thế nào.

Theo chị Nhung, nước hồ đang giảm rất nhanh do nắng nóng nên chị điều tiết một cách hợp lý, tiết kiệm. Trong điều kiện cây trồng cần nước thì phải kịp thời đưa nước về để bà con bơm, tưới cho cây trồng nhằm bảo đảm sinh trưởng, phát triển, giảm thiểu thiệt hại.

Chị đặc biệt coi trọng đủ nước tưới cho các giai đoạn quan trọng của cây trồng như cây cà phê bung hoa, đậu quả, lúa làm đòng, chắc hạt.

dsc_0078.jpg
Hồ Núi lửa, huyện Đắk Mil vẫn còn nước điều tiết cho khoảng 40 ha lúa và gần 200 ha cà phê, hồ tiêu

Công trình thủy lợi Núi lửa có dung tích nước thiết kế hơn 650.000m3 , phục vụ tưới cho khoảng 40ha lúa và gần 200ha cà phê, hồ tiêu thuộc địa bàn xã Thuận An.

Thế nhưng, bên cạnh những công trình có nước mà điều tiết thì có một số hồ đập đã hết nước hoàn toàn như tại hồ Nông trường Thuận An, hồ Lâm trường Thuận An, hồ Y Ren, hồ Đội 3 ở xã Đức Mạnh, hồ Đội 40, hồ Đội 35 xã Đắk Lao đã cạn kiệt nước hoàn toàn.

Chị Nhung cho biết: “Mặc dù đã nỗ lực hết sức để gia tăng nguồn nước tưới bằng việc dự trữ ngay từ mùa mưa năm ngoái, nhưng trước diễn biến khốc liệt của khô hạn thì không tài nào xoay xở được”.

dsc_0087.jpg
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông chú trọng điều tiết nước tiết kiệm,hiệu quả

Theo ông Trần Văn Tình, Phó Giám đốc Chi nhánh huyện Đắk Mil, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, tình hình khô hạn tại địa phương đang vào những ngày cao điểm. Đến giữa tháng 4 dung tích của các hồ chứa đều đã xuống thấp, hiện còn khoảng 23%.

Huyện Đắk Mil đã có 13 hồ chứa hết nước gồm các hồ Y Ren, Đội 3, Ông Đăng, xã Đức Mạnh; hồ Đắk Loou, Đội 35, Đội 40, Đắk Mbai, Tăng Gia, Đắk Ken (6B), xã Đắk Lao; Lâm trường Đắk Gằn, xã Đắk Gằn; hồ Nông trường, Lâm trường Thuận An, xã Thuận An; hồ Đắk N'drót, xã Đắk N'drót.

Các hồ chứa còn lại đang tạm thời bảo đảm nguồn nước nhưng nhìn chung dung tích các hồ đang giảm mạnh và mực thấp hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ.

Chi nhánh huyện Đắk Mil đang thực hiện điều tiết theo lịch đã thống nhất với các địa phương. Các hồ không có cống điều tiết nước người dân tưới cây lâu năm như cà phê, tiêu, xoài bằng cách bơm trực tiếp từ lòng hồ.

Đắk Nông có 255 công trình hồ chứa. Báo cáo của Sở NN - PTNT, đến ngày 10/4, tổng dung tích nước tại các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 71,86 triệu m3 nước ước đạt 45,4% dung tích thiết kế, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 32,1%. Đến nay, đã có 31 công trình đã hết nước hoặc sắp cạn kiệt nguồn nước.

Sở NN - PTNT Đắk Nông

Trong thời gian tới nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng kéo dài, không xuất hiện mưa nhiều trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt tại khu vực phía bắc tỉnh.

Dự kiến diện tích cây trồng thiếu nước, khô hạn khoảng 9.960ha gồm cả dài ngày và ngắn ngày. Trong đó huyện Krông Nô khoảng 4.510ha, Đắk Mil khoảng 3.450ha và huyện Cư Jút khoảng 2.000ha.

dsc_0084.jpg
Dung tích các hồ chứa ở Đắk Nông đã giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2023

Trước tình hình trên, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ người dân thực hiện kế hoạch, giải pháp phòng chống hạn, thiếu nước, triển khai các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp.

Các địa phương chủ động báo cáo tình hình, diễn biến thời tiết, nguồn nước, hạn hán và nhận định tình hình; chủ động rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do ảnh hưởng hạn hán, thiếu nước gây ra; xem xét hỗ trợ hoặc đề xuất hỗ trợ kịp thời theo quy định.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Gồng mình cứu cây trồng trong nắng hạn ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO