Đời sống

Thời khắc không bao giờ quên

Hoài - Hằng 29/04/2024 07:00

Hàng chục năm đã trôi qua, nhưng với người lính từng tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thời khắc lịch sử 30/4/1975 là kỷ niệm không bao giờ quên.

ADQuảng cáo

Hạnh phúc vô cùng khi Sài Gòn giải phóng

Năm 1969, ông Lê Hữu Nghệ ở tỉnh Phú Thọ lên đường nhập ngũ và tham gia huấn luyện tại tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn). Đến năm 1970, đơn vị ông khoảng 140 người thuộc Sư đoàn 304B lên đường tham gia chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau đó, đơn vị ông Nghệ sáp nhập vào Trung đoàn 66, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, trực tiếp đánh nhiều trận lớn nhỏ, từng bước giải phóng phía Bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến của ta đi đến giai đoạn cuối cùng.

hinh-ong-nghe-2.jpg
Sau gần 50 năm, ông Nghệ vẫn giữ được chiếc hộp được lấy từ máy bay của địch sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tiếp quản TP. Sài Gòn

“Từ miền Bắc, chúng tôi đi bộ mất 2 tháng 15 ngày mới tới được Kon Tum. Trên đường hành quân, dù mệt, đói, khát, cái chết cận kề, nhưng chúng tôi vẫn không nao núng tinh thần, chỉ mong nhanh được trực tiếp ra chiến trường đánh giặc”, ông Nghệ cho biết.

Từ năm 1971 - 1975, ông Nghệ từng trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường như Đắk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), Đức Lập (nay là huyện Đắk Mil), Quảng Đức (nay là Gia Nghĩa), Buôn Ma Thuột... Sau khi Buôn Ma Thuột giải phóng, đơn vị ông được lệnh tiến về Sài Gòn. Trưa 30/4/1975, khi nghe radio thông báo Tổng thống Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh đọc thư đầu hàng, ông Nghệ cùng đồng đội rưng rưng nước mắt.

Ông Nghệ tâm sự: “Nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi buồn vui xen lẫn, cười đó, nhưng lại khóc ngay. Vui vì niềm mơ ước của toàn dân tộc nay đã thành hiện thực, Bắc - Nam không còn chia cắt, được trở về quê nhà. Nhưng buồn, thương đồng đội đã hy sinh, ngã xuống trên các chiến trường không được trực tiếp chứng kiến ngày vui độc lập”.

10-2-.jpg
Đ.H: Nguyễn Hiền

Sau khi quân ta chiếm được Dinh Độc Lập, đơn vị ông Nghệ nhận lệnh tiến về đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Thời điểm đó, phải mất gần 6 tiếng đồng hồ, đơn vị ông Nghệ mới từ Ngã tư Bảy Hiền về đến sân bay. “Bà con Sài Gòn đồng loạt ra đường vẫy tay chào quân giải phóng, ăn mừng chiến thắng; cờ giải phóng tung bay trên các nẻo đường", ông Nghệ bùi ngùi xúc động nói.

Cảm xúc dồn nén nhiều năm vỡ òa

Ông Nguyễn Văn Chiến ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa theo tiếng gọi của Tổ quốc gác bút lên đường nhập ngũ vào năm 1971. Đơn vị ông Chiến thuộc Sư đoàn vận tải 471 với nhiệm vụ chính là thông tuyến, bảo vệ các đoàn xe hành quân, các tuyến đường, vận chuyển lương thực thực phẩm... Đầu năm 1975, ông cùng đồng đội đã có mặt tại mặt trận Gia Lai - Kon Tum.

“Khi vào Nam chiến đấu, anh em chúng tôi bấy giờ chỉ một lòng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và khao khát độc lập cho đất nước. Do đó, dù bom đạn như vũ bão, dù sống, chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng chúng tôi không nao núng tinh thần, luôn toàn tâm, toàn ý vì cách mạng”, ông Chiến chia sẻ.

7.jpg
Đ.H: Nguyễn Hiền

Chiến dịch Buôn Ma Thuột kết thúc, Sư đoàn chia làm 3 cánh quân, trong đó, đơn vị ông thuộc cánh quân tiến vào Sài Gòn. Quãng đường hành quân từ Buôn Ma Thuột tiến về Sài Gòn, các ông được giao nhiệm vụ vừa đi vừa đánh những chốt nhỏ còn sót lại của địch vừa bảo vệ vừa thông tuyến. 9 giờ 40 phút ngày 30/4, đơn vị ông đã có mặt tại căn cứ rađa Phú Lâm (nay thuộc địa bàn quận 6, TP. Hồ Chí Minh), lúc này địch bị lực lượng của ta đánh bỏ chạy gần hết, chỉ còn khoảng một đại đội.

ADQuảng cáo

Ông Chiến cho biết: “Trưa 30/4, khi radio thông báo Sài Gòn giải phóng, tôi nghẹn lòng. Bao nhiêu mất mát, hy sinh, bao cảm xúc dồn nén như vỡ òa, lúc vào chiến trường oai hùng bao nhiêu thì thời khắc hòa bình, chúng tôi yếu đuối bấy nhiêu, đàn ông đấy nhưng cứ ôm nhau khóc”.

30-4-trang-6-7-da-sua(1).jpg
Đ.H: Nguyễn Hiền

Về thăm nhà lần đầu sau bao nhiêu năm xa cách, ông Chiến thấy di ảnh của mình đã ở trên bàn thờ. Hỏi ra mới biết, do đi chiến trường nhiều năm không một tin liên lạc nên ai cũng nghĩ ông đã hy sinh.

“Lần đầu sau bao năm, tôi trở về thăm nhà trong sự ngỡ ngàng, nghi ngờ và không dám gọi tiếng “con”, không dám bước về phía mẹ. Lúc ấy, mẹ tôi không khóc, bà đứng thẫn thờ một chỗ nhìn và hỏi “phải thằng Chiến không”, “mày còn sống hả”... Lúc ấy, tôi không cầm được nước mắt, chạy lại ôm chầm mẹ “thằng Chiến của mẹ trở về đây, vẫn còn sống mẹ ạ!”, ông Chiến kể lại.

Nhớ lời Bác dạy tất cả đồng bào là anh em

Năm 1969, khi mới tròn 16 tuổi, ông Y Xuyên, bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô xung phong làm nhiệm vụ dẫn đường cho cán bộ. Ông Y Xuyên kể, năm 1959, Đoàn công tác B90 - Bộ Quốc phòng tới Nâm Nung, dựa vào bon Ja Ráh để làm bàn đạp phát triển, mở rộng cơ sở và xoi đường vào Nam.

“Bà con trong bon căm thù quân giặc vì chúng đốt nhà, phá ruộng vườn, bắt thanh niên đi quân dịch. Do đó, khi được chọn làm khu căn cứ cách mạng, đồng bào các dân tộc ở Nâm Nung dù ăn măng le, lá bép, củ mì khô, thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn một lòng, một dạ đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, làm cách mạng đến cùng. Ban ngày, bà con đi làm nương làm rẫy, ban đêm thì tiếp tế, nhường cơm để nuôi cán bộ”, ông Y Xuyên nhớ lại.

9.jpg
Đ.H: Nguyễn Hiền

Ông lão người M’nông bảo, rất nhiều ký ức khó có thể quên, nhưng ông vẫn nhớ như in lời dặn của Bác Hồ khi đọc thư chúc Tết trong đêm giao thừa trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tất cả đều là anh em một nhà, đoàn kết là sức mạnh. Lời dặn đó của Bác đã thôi thúc ông dù khó khăn, gian khổ, dù hy sinh tính mạng cũng phải xung phong tham gia cách mạng, tham gia bảo vệ quê hương mình”.

Sau một thời gian làm nhiệm vụ dẫn đường, ông Y Xuyên nhập ngũ vào đơn vị C30, sau chuyển về C35. Từ năm 1972, do yêu cầu của cấp trên, đơn vị của ông Y Xuyên chuyển đến hoạt động ở vùng núi Đắk Đam, huyện Đắk Mil tiếp giáp với Campuchia.

Trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, ông Y Xuyên đã tham gia rất nhiều trận đánh lớn nhỏ. Ông nhớ nhất là lần đơn vị tham gia giải phóng quận lỵ Đức Lập vào ngày 9/3/1975. Từ khu vực rừng núi Đắk Đam, theo hướng đông, ngày 8/3/1975, đơn vị ông áp sát quận lỵ Đức Lập. Sau khi pháo của bộ đội ta dồn dập nã vào các vị trí đóng quân của địch, đơn vị ông tiến lên tiêu diệt và truy kích địch, góp phần vào giải phóng Đức Lập (nay là huyện Đắk Mil).

Ông Y Xuyên cho biết: “Lòng căm thù giặc sâu sắc và ước mơ chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất cũng như lời hiệu triệu của Bác “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn” đã thôi thúc chúng tôi sẵn sàng cầm súng để bảo vệ quê hương, bảo vệ gia đình".

Sau khi đất nước giải phóng, Già làng Y Xuyên xuất ngũ trở về địa phương và công tác ở nhiều vị trí của xã. Dù ở vị trí nào, ông Y Xuyên cũng đều nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, địa phương ngày càng đổi mới. Đặc biệt, là người con M’nông, ông Y Xuyên đã và đang truyền dạy cho các thế hệ trẻ về chế tác nhạc cụ, hát sử thi, đan gùi, làm rượu cần để bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc mình. Năm 2015, già làng Y Xuyên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Hiện tại, cả 3 người con của già Y Xuyên đều thành thạo chế tác nhạc cụ truyền thống của đồng bào M’nông.

Tỉnh Đắk Nông hiện có 2.869 hội viên cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó giai đoạn từ 1969 đến 30/4/1975 có 1.992 người. Đối với mỗi người lính, thời khắc lịch sử 30/4/1975 chính là mốc son chói lọi, niềm tự hào không thể nào quên.

49 năm đã trôi qua, những người lính Cụ Hồ xưa kiên cường, dũng cảm đánh thắng quân giặc thì nay lại đánh thắng đói nghèo, vững vàng trên mặt trận kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Họ đã và đang viết tiếp bản hùng ca về Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới “đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời khắc không bao giờ quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO