Xây dựng Đảng

Đắk Nông tập trung xây dựng Đảng vùng đặc thù (kỳ 2): Xây dựng Đảng vùng đồng bào Mông vững mạnh

Hoàng Trọng 18/06/2024 6:00

Huyện Đắk Glong có 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông có 3.965 hộ (đông nhất). Phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào Mông được cấp ủy các cấp quan tâm.

ADQuảng cáo

Nhân lên những hạt giống đỏ

Năm 2017, đồng chí Hầu Seo Mùa, thôn 7, xã Đắk R’măng chính thức trở thành đảng viên. Trước khi vào Đảng, đồng chí Mùa được Đảng ủy xã, chi bộ quan tâm tạo điều kiện, hướng dẫn phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt. Từ đó, đồng chí hiểu vào Đảng là để cống hiến, trưởng thành hơn. Đặc biệt, là người Mông đầu tiên của thôn viết lý lịch Đảng, đồng chí được hướng dẫn tận tình, chu đáo.

h2.jpg
Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là một dấu mốc quan trọng, đầy vinh dự, tự hào đối với đồng chí Hầu Seo Mùa

Đồng chí Mùa từ Lào Cai vào Đắk R’măng lập nghiệp. Việc thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng không hề dễ dàng, mất nhiều thời gian. Do đó, thay vì gửi hồ sơ, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã đã trực tiếp về quê đồng chí Mùa thẩm tra, xác minh. “Mặc dù đi lại vất vả nhưng nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã không nề hà, giúp tôi sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là một dấu mốc quan trọng, đầy vinh dự nên tôi luôn cố gắng làm tốt hơn việc gia đình, xã hội, nhất là tuyên truyền để bà con mình tuyệt đối tin tưởng vào Đảng”, đồng chí Mùa cho hay.

Đồng chí Mùa tâm niệm, trước khi vào Đảng làm một, khi vào Đảng phải làm gấp hai, gấp ba lần để xứng đáng là người con của Đảng, tấm gương cho bà con noi theo. Gia đình đồng chí Mùa hiện có 3ha cà phê, 12ha cây keo lai, vài sào ruộng lúa và một cơ sở bán cây giống với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, là một trong những nông dân sản xuất giỏi ở xã. “Là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Trưởng thôn 7, tôi phải làm tốt tất cả mọi việc để chứng minh cho bà con, nhất là thanh niên thấy vào Đảng chính là động lực giúp mình trưởng thành, phát triển hơn”, đồng chí Mùa tâm niệm.

h1.jpg
Đồng chí Hầu Seo Mùa (thứ 2 từ trái qua) tích cực tuyên truyền, vận động bà con chăm lo sản xuất, xóa nghèo bền vững

Với tinh thần, trách nhiệm của mình, đồng chí Mùa đã tuyên truyền, vận động giúp bà con thay đổi tư duy làm ăn từ trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày, cây rừng. Thôn 7 có 435 hộ thì chỉ còn 195 hộ nghèo. Thôn phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm còn 40 hộ. Noi gương của đảng viên Mùa, từ “trắng” đảng viên tại chỗ, đến nay, Chi bộ thôn 7 đã phát triển 5 đảng viên là người Mông.

Cuối năm 2017, đồng chí Ma Thị Ly, thôn 6, xã Đắk R’măng vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Việc đồng chí Ly vào Đảng rồi làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận là điều khá lạ lẫm đối với bà con trong thôn. Để chứng minh cho bà con thấy, phụ nữ cũng làm tốt công tác xã hội, đồng chí đã dành nhiều thời gian sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình hình đời sống của bà con để tham mưu cấp ủy, chính quyền.

Địa bàn thôn 6 rộng, dân cư sống rải rác, để chủ trương của Đảng đến được với bà con, đồng chí Ly phải hy sinh, cố gắng rất nhiều. Đồng chí Ly chia sẻ: “Dù biết vận động người nghe, người không, nhưng việc của mình là phải cố gắng, nói một lần không được thì nói nhiều lần đến khi bà con hiểu mới thôi”.

h6.jpg
Đồng chí Ma Thị Ly (bên phải) là một trong hai nữ đảng viên người Mông của huyện Đắk Glong cùng lúc đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn

Toàn thôn 6 có 300 hộ, hiện chỉ còn 92 hộ nghèo. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế. “Hàng năm, Chi bộ đều ban hành nghị quyết về xóa nghèo bền vững để triển khai thực hiện. Đến nay, đồng bào Mông luôn tự lực trong lao động sản xuất, ý chí quyết tâm thoát nghèo lớn. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm mà Đảng, Nhân dân giao phó”, đồng chí Ly cho biết thêm.

Đồng chí Bế Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk R’măng thông tin, xã có đồng bào Mông sinh sống nhiều nhất huyện, với 966 hộ. Toàn Đảng bộ hiện có 159 đảng viên, trong đó 11 đảng viên người Mông.

Trước đây, người đứng đầu 3 thôn người Mông gặp khó trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ do ít am hiểu về phong tục tập quán, tiếng nói của bà con. Để khắc phục tình trạng này, Đảng ủy xã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức rà soát, tạo nguồn, bổ sung nguồn và bồi dưỡng nguồn kế cận cho Đảng. Trong đó, ưu tiên con em tốt nghiệp THPT và sau khi học các trường trung cấp, đại học, cao đẳng nhưng chưa xin được việc, đang sinh sống tại địa phương.

img_5538.jpg
Đồng chí Bế Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk R’măng (bên trái) luôn sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình người dân, nhất là ở các thôn đông đồng bào Mông sinh sống

Các bí thư chi bộ, đảng viên, hội, đoàn thể sâu sát đến từng khu dân cư nắm bắt, giới thiệu cho tổ chức đảng những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng. Nhờ đó, đến nay, thôn 6, thôn 7 đã có Bí thư Chi bộ là người Mông. “Chúng tôi xác định là phải đi trước một bước để tìm nguồn, tạo điều kiện để quần chúng phấn đấu, rèn luyện về mọi mặt. Xã theo sát quần chúng ưu tú trong quá trình viết, thẩm tra lý lịch. Để bảo đảm bền vững, lâu dài, phát huy trách nhiệm đối với tổ chức, với Nhân dân, tất cả đảng viên người Mông đều được cấp ủy, chi bộ phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng”, đồng chí Bế Văn Lưu cho biết.

Quyết tâm của Đắk Glong

Theo đồng chí Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy Đắk Glong, huyện xác định xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng ở vùng đặc thù DTTS. Huyện tập trung củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, phân công cấp ủy viên tham dự sinh hoạt các chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

đồng chí Lư

Các tổ chức cơ sở đảng đưa chỉ tiêu phát triển đảng là người Mông vào nghị quyết hàng năm để tổ chức thực hiện, tạo nguồn cán bộ kế cận cho cơ sở. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện đã phát triển được 9 đảng viên người Mông, nâng tổng số đảng viên người Mông lên 48 đồng chí. 61/61 thôn, bon đều có tổ chức đảng. Các thôn có đông đồng bào Mông sinh sống đều có đảng viên người Mông sinh hoạt tại các chi bộ, trong đó 4 đảng viên người Mông làm bí thư chi bộ.

Chất lượng đội ngũ đảng viên người Mông ngày càng được nâng cao về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Mặt khác, địa phương ấn định chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức là người DTTS, nhất là người Mông phù hợp với từng cơ quan, đơn vị.

Huyện hiện có 1 cán bộ người Mông là Huyện ủy viên, Bí thư Huyện đoàn; 1 công chức là Phó Trưởng Phòng Dân tộc; 1 viên chức công tác tại Trung tâm VHTT - TT huyện; 7 viên chức công tác tại các trường học trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tạo nguồn cán bộ nữ, trẻ, DTTS, huyện có 4 cán bộ người DTTS phê duyệt, trong đó có 2 đồng chí là người Mông.

“Đội ngũ cán bộ, đảng viên người Mông đã phát huy được vai trò, tính tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong vận động Nhân dân, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân”, đồng chí Lư đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông tập trung xây dựng Đảng vùng đặc thù (kỳ 2): Xây dựng Đảng vùng đồng bào Mông vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO