Giá nông sản tăng - Cơ hội để Đắk Nông tái cơ cấu cây chủ lực
Giá các loại nông sản tăng cao sẽ giúp Đắk Nông có cơ hội để cơ cấu lại sản xuất, nâng cao giá trị các ngành hàng, nhất là đối với cà phê, hồ tiêu, điều...
Mùa mưa này, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn 8, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song trồng mới gần 1ha hồ tiêu theo hình thức trồng thuần. Theo ông Hùng, vườn tiêu của gia đình đã trồng trên 20 năm, nhiều cây già kém phát triển cho năng suất thấp, một số cây mắc bệnh chết nên ông nhổ bỏ.
Trước diễn biến giá hồ tiêu đạt mức kỷ lục trong vòng 15 năm qua, quanh mốc 150.000 đồng/kg, ông Hùng đã quyết định làm mới cho vườn hồ tiêu.
Để bảo đảm sản xuất bền vững, gia đình ông chú trọng nguồn gốc giống rõ ràng; làm đất, xử lý đất kỹ càng để phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh gây hại trên vườn hồ tiêu.
“Tôi không lạm dụng phân bón, chất kích thích. Thay vào đó, gia đình chăm sóc vườn cây theo hướng áp dụng tổng hợp các biện pháp để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao”, ông Hùng khẳng định.
Theo Ông Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch Hội Nông xã Trường Xuân, những năm qua, khi giá nông sản xuống thấp, chi phí đầu vào tăng cao, việc tái cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng cao gặp khó khăn.
Khi giá nông sản tăng cao, nông dân sẽ có thu nhập ổn định, nên việc canh tác các loại cây trồng trở nên bền vững. Nông dân sẽ thay đổi tư duy sản xuất, tập trung đầu tư canh tác theo hướng an toàn, chất lượng cao nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, tận dụng tốt những cơ hội của thị trường.
"Hội Nông dân xã Trường Xuân đang tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các chuỗi liên kết theo một tiêu chuẩn thống nhất. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường cũng như chia sẻ lợi ích, rủi ro khi có biến động về giá cả", ông Tăng cho biết.
Không chỉ hồ tiêu, cà phê cũng đang có cơ hội lớn để tái cơ cấu theo hướng bên vững, nâng cao chất lượng. Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp là đơn vị chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng cà phê. Hiện công ty đã liên kết với 120 hộ dân sản xuất cà phê, bao tiêu sản phẩm. Bà con được công ty hỗ trợ vốn, vật tư chăm sóc cà phê. Sản phẩm cà phê của các hộ dân liên kết được công ty thu mua cao hơn giá thị trường 8.000 đồng/kg.
Theo ông Trương Công Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, giải pháp quan trọng nhất để giảm bớt sự tác động của “bão giá” là doanh nghiệp và người nông dân cần cùng nhau liên kết phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Điều này sẽ hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích cây này, cây kia một cách ồ ạt hoặc chạy theo giá nông sản rồi lặp lại điệp khúc “chặt - trồng”, “trồng - chặt”. “Việc giá cả nông sản chủ lực tăng lên là cơ hội vàng để thực hiện tốt các chuỗi liên kết ngành hàng”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, trước những biến động về giá cả nông sản chủ lực thời gian qua sẽ làm phát sinh những thách thức trong sản xuất nông nghiệp như tăng mạnh diện tích cây trồng ngoài vùng quy hoạch; khâu quản lý cây giống, vật tư nông nghiệp...
Thế nhưng, đây cũng là cơ hội lớn để ngành Nông nghiệp tái cơ câu nhiều loại cây trồng. Giá cao thì người dân có thu nhập cao và sản xuất sẽ ổn định. Ngành Nông nghiệp đang tập trung định hướng để việc tái cơ cấu cây trồng diễn ra ổn định, bảo đảm yêu cầu chung.
Ngành tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách để huy động, tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp. Từ đó, giúp nông dân đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Kế hoạch tái cơ cấu cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp Đắk Nông đến năm 2025 sẽ bảo đảm diện tích cà phê 134.000ha, hồ tiêu 34.000ha, cao su 24.000ha, điều 16.000ha.