Nghị quyết và cuộc sống

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông: Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ mở ra chương mới cho Tây Nguyên

PV 26/05/2024 09:03

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho rằng, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đầu tư và đi vào khai thác sẽ mở ra chương mới không chỉ cho Đắk Nông mà còn cho cả khu vực Tây Nguyên.

ADQuảng cáo

Con đường "đền ơn đáp nghĩa"

Chiều 25/5, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Phát biểu thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho rằng, nếu như đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đầu tư và đi vào khai thác sẽ mở ra chương mới không chỉ cho Đắk Nông mà còn cho cả khu vực Tây Nguyên.

Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội mà còn đảm quốc phòng, an ninh.

Bí thư Đắk Nông: Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ mở ra chương mới cho Tây Nguyên- Ảnh 1.
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh.

"Hơn thế nữa, đây là con đường "đền ơn đáp nghĩa", ông Danh nói và lý giải, qua các cuộc chiến tranh chống Pháp - Mỹ và chiến tranh biên giới thì đồng bào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã cống hiến, hy sinh rất lớn. Nhân dân ước mơ có một con đường để kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trước mắt là kết nối Đắk Nông và Bình Phước.

Tôi mong rằng, dự án này sớm được đưa vào triển khai để giúp thông thương, vận chuyển hàng hóa từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh", Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông nói.

Ông Ngô Thanh Danh cho biết, từ Quốc hội khóa XIV khi tiếp xúc cử tri thì cử tri và Nhân dân đã ý kiến rất nhiều về việc cần thiết xây dựng tuyến đường cao tốc nối Đắk Nông với Đông Nam Bộ.

"Và bây giờ ước mơ của người dân đã dần trở thành hiện thực. Khi cao tốc này đi vào hoạt động sẽ mở ra không gian phát triển, giúp Đắk Nông phát huy nhiều thế mạnh như du lịch, nông nghiệp", ông Ngô Thanh Danh nói.

Ông Ngô Thanh Danh cho biết, Đắk Nông diện tích nhỏ hơn 4 tỉnh còn lại ở Tây Nguyên, nhưng danh lam thắng cảnh thì không thiếu.

"Tuy nhiên hiện nay hạ tầng giao thông của tình còn nhiều hạn chế, quốc lộ 14 chật hẹp, quốc lộ 28 còn hạn chế, chính vì thế nếu tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi vào khai thác sẽ là động lực lớn để Đắk Nông phát triển", ông Danh nói và cho rằng, nếu không được đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc thì e rằng, Đắk Nông nhiều năm sau vẫn chưa phát triển mạnh được.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cũng cho biết, theo hướng tuyến của dự án thì đi qua một số huyện có quy hoạch vùng khoáng sản bô xít.

"Dù đường nằm trên thân quặng mỏng thôi, nhưng cũng cần phải có cơ chế nào đó để trong quá trình thực hiện dự án không bị vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ", ông Danh nói.

Bí thư Đắk Nông: Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ mở ra chương mới cho Tây Nguyên- Ảnh 2.
Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông).

Đại biểu Phạm Nam Tiến (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông, Bình Phước nói riêng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

"Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng kết nối vùng Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho 2 tỉnh, tạo động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ", ông Tiến nhìn nhận.

Đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra phương án thiết kế tối ưu, đảm bảo cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, đảm bảo quy chuẩn 4 làn xe chạy, có dải phân cách và các công trình phụ trợ (trạm dừng nghỉ), có phương án đảm bảo hành lang an toàn đường bộ.

Bí thư Đắk Nông: Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ mở ra chương mới cho Tây Nguyên- Ảnh 3.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

Làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu trong chỉ định thầu

Đại biểu Phạm Nam Tiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án tiếp tục làm rõ tính khả thi, các quy định, yêu cầu với nhà đầu tư thực hiện cơ chế đặc thù về cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ triển khai dự án.

"Theo đó, cần làm rõ hơn nữa yêu cầu về việc bảo vệ môi trường sinh thái, các di sản, di tích (nếu có), đảm bảo cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá", ông Tiến đề xuất.

Ông Phạm Nam Tiến cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm, rà soát kĩ lưỡng chính sách, pháp luật, quy trình, thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trong quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù "cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư" nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương, rút gọn các thủ tục thực hiện đấu thầu, rút ngắn thời gian chuẩn bị triển khai dự án.

"Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng chủ trương đầu tư dự án làm rõ trình tự, thủ tục chỉ định thầu, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc xem xét, quyết định chỉ định thầu, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù để làm cơ sở thực hiện hiệu quả, bảo đảm tính khả thi", ông Nghĩa nói.

Về trách nhiệm của các địa phương, đại biểu Nghĩa cho biết, Khoản 3, Điều 3 Dự thảo Nghị quyết giao UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án (tại điểm b, khoản 1, Điều 3).

"Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết nghiên cứu, bổ sung các quy định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tỉnh Bình Phước để bảo đảm điều kiện thực hiện nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án", ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung, đánh giá cụ thể, đưa ra các phương án ứng phó, khắc phục ảnh hưởng, rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, đồng thời, bổ sung đánh giá về rủi ro về tình hình an ninh, trật tự, tâm tư, nguyện vọng của người dân ở các địa bàn nơi đường cao tốc đi qua trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 128,8km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông dài 27,8km, qua địa phận Bình Phước dài 101km (bao gồm 2km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này gồm 6 làn xe với việc giải phóng mặt bằng một lần, nhưng giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư 4 làn xe hoàn chỉnh. Tốc độ thiết kế trên tuyến là 100-120km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 12.770 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 10.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng) và vốn nhà đầu tư là 12.770 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian chuẩn bị dự án trong năm 2023 và 2024, thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành 2026.
Theo www.baogiaothong.vn
https://www.baogiaothong.vn/bi-thu-dak-nong-cao-toc-gia-nghia-chon-thanh-se-mo-ra-chuong-moi-cho-tay-nguyen-192240525172536587.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông: Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ mở ra chương mới cho Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO