Tín dụng cho hợp tác xã, tổ hợp tác: Thừa vốn nhưng… không thể cho vay

Nguyễn Lương| 06/05/2014 09:08

Theo quy định tại Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NĐ 41), các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có thể được tiếp cận nguồn vốn với mức tối đa 500 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Quy định là vậy, nhưng hiện tại, do nhiều nguyên nhân nên số lượng HTX, THT trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng còn rất khiêm tốn.

ADQuảng cáo

Hợp tác xã, tổ hợp tác "khát" vốn

Trong tổng số hơn 120 HTX, THT trên địa bàn, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 18 đơn vị được tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng. Số còn lại vẫn loay hoay với “bài toán” vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Nhiều THT rau sạch ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng theo quy định

Ông Lương Thanh Truyền, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Thanh Lam (Chư Jút) cho biết: “Đơn vị rất mong muốn vay vốn để đầu tư, mạnh dạn mở rộng nhiều dự án sản xuất, nhằm tạo việc làm cho lao động, nhưng  vẫn cứ loay hoay mà chưa thể vay được. Theo quy định của NĐ 41 thì HTX có thể được vay 500 triệu đồng mà không phải thế chấp bằng tài sản đảm bảo. Chưa kể, UBND tỉnh đã có quy định về việc hỗ trợ vốn cho các HTX. Mặc dù quy định là vậy, nhưng khi chúng tôi đến ngân hàng đề nghị vay vốn, phía ngân hàng đòi tài sản đảm bảo nên cũng đành bó tay”.  

ADQuảng cáo

Việc vay vốn của nhiều HTX đã khó, với các THT trên địa bàn lại càng khó khăn hơn. Ông Phạm Minh Hồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn thôn 5, xã Tâm Thắng (Chư Jút) bày tỏ quan điểm: “THT rất muốn vay số vốn để đầu tư hệ thống nhà lưới, kính, nhằm đầu tư, mở rộng quy mô làm ăn. Tuy nhiên, với điều kiện mà phía ngân hàng đưa ra là phải có sổ đỏ đảm bảo thì THT rất khó đáp ứng. Vì thế, chúng tôi mong rằng, về phía ngân hàng cần tạo cơ chế “thoáng” hơn để các THT có thể tiếp cận được nguồn vốn”.  

Ngân hàng thừa hàng trăm tỷ đồng

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Mil cho biết: “Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn đến ngân hàng vay vốn, nhưng hầu như ít đáp ứng được các điều kiện nên đơn vị không thể cho vay. Nhiều HTX, THT, mới nghe báo cáo thấy như là đơn vị này làm ăn được, nhưng thực chất còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Theo quy định, các HTX, THT thuộc đối tượng được vay không tín chấp với mức vốn đến 500 triệu đồng, nhưng muốn tiếp cận nguồn vốn này, khách hàng phải có phương án kinh doanh khả thi, làm ăn uy tín, không có nợ xấu thì ngân hàng mới dám cho vay. Trong khi, phần lớn các HTX nông nghiệp đều giao khoán đất đai cho xã viên trực tiếp quản lý, sử dụng, còn HTX hầu như không còn tư liệu sản xuất, hoạt động dịch vụ cũng ít hiệu quả nên nếu ngân hàng cho vay sẽ tự tạo rủi ro cho mình”.

Liên quan đến vấn đề khó giải ngân nguồn vốn vay cho HTX, THT, ông Đinh Văn Công, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh khẳng định: “Hiện tại, trên toàn tỉnh, ngân hàng còn thừa hàng trăm tỷ đồng tiền vốn, nhưng không thể cho vay. Theo quy định tại NĐ 41, các HTX, THT có thể được vay không tín chấp với số vốn lên đến 500 triệu đồng. Điều này không đồng nghĩa với việc là tất cả các tổ chức hễ thành lập ra một HTX hay THT là được vay 500 trăm triệu đồng. Mà quy định đó chỉ mục đích là trao quyền cho ngân hàng được phép cho vay không cần có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong thực tế, đối với một địa bàn như tỉnh ta, nếu tiến hành cho vay không có thế chấp thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vì thế, buộc ngân hàng phải giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đây là biện pháp để cho các hộ dân không sang tên, đổi chủ và bỏ đi nơi khác. Do vậy, ngân hàng rất mong muốn các HTX, THT phải hiểu rõ được quy định này”.

Có thể nói, nhu cầu về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh đối với các HTX, THT là rất lớn. Trong thời gian tới, nên chăng, ngân hàng cần có cơ chế “thoáng”  hơn để các THX, THT có thể tiếp cận được nguồn vốn. Còn về phía HTX, THT, các đơn vị  cũng cần có các phương hướng, chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng cho hợp tác xã, tổ hợp tác: Thừa vốn nhưng… không thể cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO