Đánh thức tiềm năng dược liệu ở Đắk Nông (kỳ 2): Những kết quả bước đầu

Ngô Đồng | 09/02/2023 10:06

Với việc được định hướng, khuyến khích rõ ràng, những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị dược liệu đã được cấp ủy, chính quyền và người dân quan tâm. Đây là cơ sở, động lực để tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đầu tư phát triển ngành dược liệu một cách bài bản, bảo đảm tốt các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

ADQuảng cáo

Sưu tầm, bảo tồn các bài thuốc hay, dược liệu quý

BS.CKI Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số đề tài nghiên cứu sưu tầm cây thuốc và bài thuốc hay. Việc nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ các loài dược liệu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu tại địa phương được Hội Đông y các huyện, thành phố và các cơ sở thường xuyên triển khai thực hiện, góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh cho Nhân dân”.

Đồng thời, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến việc bảo tồn các loại dược liệu quý và sử dụng dược liệu làm thuốc, sản phẩm từ dược liệu để chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn được nâng cao. Người dân cũng được tuyên truyền, vận động khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn dược liệu tự nhiên, phát triển các vườn thuốc nam, nhận dạng cây thuốc, cách trồng, chế biến và sử dụng tại nhà.

Hội Đông y tỉnh phối hợp huyện Krông Nô xây dựng mô hình bảo tồn nguồn gen cây sâm cau gắn với phát triển sâm cau dưới tán rừng và dưới tán cây công nghiệp, tạo sinh kế cho người dân.

Thực hiện phương châm “thuốc tại vườn, thầy tại chỗ, chữa bệnh tại nhà”, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền cho 640 lượt hội viên phụ nữ cách phòng bệnh và chữa bệnh các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tăng mỡ máu, sốt xuất huyết tại nhà bằng các cây thuốc có sẵn tại địa phương.

Trong những năm qua, Hội Đông y tỉnh thử nghiệm và trồng thành công 116 loài cây thuốc được đưa từ rừng; đồng thời đã nghiên cứu ứng dụng một số bài thuốc bằng dược liệu có sẵn gồm: bài thuốc hạ huyết áp ứng dụng điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp dưới dạng trà; bài thuốc chữa bệnh nhiệt miệng bằng cây cỏ cất hơi; bài thuốc chữa bệnh thủy đậu bằng hoa kim ngân…

Các cây dược liệu trong nhóm thuốc thanh nhiệt - giải độc

Hình thành trồng và sản xuất dược liệu

Hầu hết các đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo quy hoạch một số khu vực tập trung, mở rộng phát triển các loại dược liệu có thế mạnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như đầu tư, hỗ trợ áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu.

Tại huyện Đắk Glong, dược liệu được trồng chủ yếu trên địa bàn các xã Đắk Ha, Quảng Sơn với diện tích khoảng 70 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 161 tấn, với các loại chủ yếu là: sâm bố chính, sâm đương quy, cát sâm, nghệ bọ cạp, nghệ vàng… Huyện Đắk Glong đưa vào quy hoạch sử dụng đất để xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu trên địa bàn xã Quảng Sơn với diện tích khoảng 5 ha.

ADQuảng cáo

Còn huyện Đắk Mil lồng ghép nội dung phát triển dược liệu trong kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu, những loại dược liệu được người dân phát triển thành hàng hóa có giá trị kinh tế như: gừng, nghệ, sả, đinh lăng, trồng xen trong diện tích cà phê, dưới tán rừng cao su, vừa tăng thu nhập vừa không ảnh hưởng đến cây trồng lợi thế của địa phương. Diện tích trồng cây dược liệu xen canh khoảng 20 ha…

Hay Krông Nô đã phát triển được 516 ha dược liệu các loại, với tổng sản lượng đạt 10.320 tấn. Về cơ cấu giống gồm: sâm cau, đinh lăng, ý dĩ, mật nhân, hoài sơn, sả, gừng, riềng, hương nhu, đại đương quân, bạch đồng nữ, lưỡi hổ, sâm bố chính, chùm ngây, cây trầu không, lá lốt, lá mơ, nghệ, tía tô, lá gai, cúc tần. Trên địa bàn huyện còn hình thành các trang trại trồng nấm thực phẩm và dược liệu như trang trại của ông Nguyễn Dương Đại có quy mô hơn 1 ha, sản xuất cây đinh lăng tại xã Nâm Nung; trang trại trồng nấm thực phẩm và dược liệu của ông Nguyễn Trung Tiến có quy mô 1,1ha, hiện đang sản xuất cây đinh lăng tại xã Buôn Choáh…

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo sản xuất tại Đắk Nông được chị em ưa chuộng

Huyện Cư Jút trồng được khoảng 47 ha dược liệu, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 290 tấn, bao gồm các loại chính như: gừng 15 ha, nghệ 7 ha, sả 10 ha, gấc 10 ha, đinh lăng 5 ha. Còn tại TP. Gia Nghĩa bước đầu phát triển chủ yếu một số dược liệu như gấc, gừng, nghệ vàng, đinh lăng. Thành phố đã triển khai được 2 mô hình nuôi cấy mô một số loại nấm dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao gồm đông trùng hạ thảo, linh chi đỏ.

Trên địa bàn tỉnh đã phát triển các hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến dược liệu như HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha (Đắk Glong) trồng và thu mua trên 20 ha, với 50 loại dược liệu tự nhiên; HTX Nông, lâm nghiệp Nam Hà, ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) trồng 50 ha gấc và chế biến các sản phẩm từ gấc; HTX Đông trùng hạ thảo Rồng Vàng (Krông Nô) hằng năm sản xuất 36kg sấy thăng hoa và 24.000 hộp tươi.

Trong thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư kinh doanh phát triển dược liệu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có tổng số vốn đầu tư 42,4 tỷ đồng, với tổng diện tích gần 38 ha.

Bên cạnh đó, nhiều loại dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam được tìm thấy tại rừng tỉnh Đắk Nông như: bổ cốt toái, vàng đắng, chè dây, bách bệnh… có trữ lượng lớn. Vì vậy, công tác lập quy hoạch để phục hồi và nhân rộng một số loại dược liệu quý hiếm dưới tán rừng đang được hoàn thiện.

Hiện tại, tỉnh đã có 5 ha dược liệu độc hoạt của Công ty Cổ phần Nicotex trồng tại thôn 6, xã Nam Bình (Đắk Song), được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Qua thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu bước đầu đã hình thành, tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

>> Kỳ 3: Khai thác, phát triển bền vững cây dược liệu

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng dược liệu ở Đắk Nông (kỳ 2): Những kết quả bước đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO