Kinh tế

Nông thôn mới - Thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn Đắk Nông

Văn Tâm 28/03/2024 08:20

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã giúp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn Đắk Nông được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt...

ADQuảng cáo

Khởi sắc những vùng quê

Về xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông những ngày này, ai nấy cũng vui tươi, phấn khởi vì cuộc sống đã có nhiều khởi sắc. Bởi nhà nào cũng tạo dựng được cơ ngơi có giá trị. Có người đi lên từ đôi bàng tay trắng, nay nhà cửa khang trang, đất đai, hoa lợi mang lại thu nhập ổn định.

21.-dan-van-kheo-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-o-xa-dak-ru-dak-r-lap-nam-2019(1).jpg
Trung Đoàn 720 giúp người dân xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) làm đường bê tông nông thôn giúp người dân đi lại thuận lợi

Anh Phạm Hưng, ở xã Thuận Hạnh nhớ lại, lúc mới lên đây, khu vực này chủ yếu là đường đất đi lại khó khăn, nhà cửa dân cư nằm rải rác chứ không như bây giờ. Ngoài diện tích đất ở và 5 sào đất được cấp, anh Hưng còn khai khẩn thêm đất ven khe suối để tăng gia cho cuộc sống hàng ngày.

Thời điểm mới tái lập tỉnh, Đắk Nông có kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém, thiếu đồng bộ, liên vùng rất khó khăn, có vùng bị chia cắt hoàn toàn vào mùa mưa, chưa có hạ tầng đô thị... Đến nay, các tuyến quốc lộ đoạn qua tỉnh đã được nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa 100%; tỷ lệ nhựa hóa đường tỉnh đạt 100%; tỷ lệ mặt đường đạt quy mô 2 làn xe đạt 31%; đường huyện được nhựa hóa, bên tông hóa đạt 88% và đường xã, thôn, bon hiện đạt 53%.

Anh Hưng cho biết: “Lúc bây giờ khu dân cư còn hoang sơ, nhà cửa, đường sá xen lẫn với cây rừng. Nguồn nước nhiễm phèn, muỗi, vắt nhiều vô kể. Đời sống thiếu thốn trăm bề, sốt rét rừng khiến nhiều người bám trụ không nổi phải quay về quê cũ. Nhưng chúng tôi luôn nghĩ “qua cơn bỉ cực sẽ đến ngày thái lai” nên cố gắng bám trụ”.

Anh Hưng chia sẻ thêm, nhờ kiên trì bám trụ, đến nay, đời sống của gia đình anh cũng như người dân nơi đây đã thay đổi nhiều. Hầu hết các hộ đi xây dựng kinh tế mới trên vùng đất Thuận Hạnh đều có thu nhập ổn định từ cây cà phê, hồ tiêu, rau xanh…

Theo bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh, xã luôn tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế bền vững, liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu theo tiêu chuẩn chứng nhận. Xã cũng tham mưu đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, công trình dân sinh… tạo điều kiện tốt nhất để người dân mở rộng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương.

img_2133(1).jpg
Hơn 10km đường vào xã Cư K’nia, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được bê tông hoá, tạo điều kiện cho người dân giao thương, phát triển kinh tế

Còn ông Vũ Quang Chiểu đến lập nghiệp ở thôn 10, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, gần 20 năm nay. Để lập nghiệp trên vùng đất mới, ông tạm xa vợ con ở TP. Hồ Chí Minh, một mình bám trụ trên mảnh đất Nam Tây Nguyên nắng, gió để thực hiện ước mơ của mình.

Ông Chiểu bộc bạch: “Từ khi đặt chân đến nơi đây, tôi đã nhận thấy Đắk Nông thật sự là nơi “đất lành chim đậu”. Đắk Nông trở thành quê hương thứ hai của tôi, với phong thổ, tập quán bình dị, gần gũi. Do vậy, tôi không tiếc công sức của mình để góp sức dựng xây mảnh đất này”.

dsc_0314(1).jpg
Ông Vũ Quang Chiểu ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt hiệu quả cao

Với tình cảm dành cho vùng đất này, ông Chiểu đã dày công tìm tòi, nghiên cứu các biện pháp canh tác hữu cơ thân thiện với tự nhiên, làm ra sản phẩm nông sản sạch. Khi có kết quả trên ruộng vườn của mình, ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hộ dân trong vùng.

Ông Chiểu chia sẻ: “Để tạo nên nông sản sạch, tôi sử dụng chế phẩm sinh học vi sinh vật được làm từ nguồn nguyên liệu trái cây, xác bã thực vật có sẵn tại địa phương. Từ đó tạo men thành IMO 4 để làm men gốc, sau đó nuôi cấy làm chế phẩm sinh học bón cho cây trồng”.

ADQuảng cáo

“Công trình” sáng chế của ông Chiểu đã giúp cho nhiều nông hộ thuận lợi hơn trong canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ. Từ đó, hướng tới xây dựng các vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái bền vững tại địa phương.

Kết quả lớn từ tinh thần đoàn kết

Trong những năm qua, Đắk Nông đã xác định Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác điều hành, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, người dân đã nâng cao được nhận thức của mình trong việc thực hiện Chương trình, nhất là việc nâng cao tổ chức phát triển sản xuất, đóng góp ngày công, tiền bạc, hiến đất đai trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

thuan-an(1).jpg
Chương trình xây dựng NTM giúp vùng quê xã Thuận An, huyện Đắk Mil thêm khang trang, sạch đẹp

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông, trong 20 năm qua, người dân đã đóng góp hơn 295.973 tỷ đồng và hơn 482.298 ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa được 3.868km đường giao thông nông thôn.

Cùng với đó, người dân hiến 619.072m2 đất sản xuất, hàng ngàn cây công nghiệp đang trong thời kỳ sinh trưởng để xây dựng các công trình phúc lợi ở khắp các địa phương.

dsc_9103(1).jpg
Công trình Hồ chứa nước Đắk N’Ting cung cấp nước tưới cho 700ha cây trồng và nước sinh hoạt cho 1.000 hộ dân xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Đến nay, Chương trình xây dựng NTM của Đắk Nông đã đạt được những kết quả khá toàn diện, bộ mặt vùng nông thôn ngày càng khởi sắc. Đắk Nông đã có 38/60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 60%; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân mỗi xã đạt 16,62 tiêu chí NTM, tăng 13,52 tiêu chí so với lúc xuất phát...


Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông

Bên cạnh đó, nguồn lực tín dụng từ chính sách ưu đãi của Chính phủ để thực hiện chương trình xây dựng NTM ngày càng tăng, bình quân tăng trưởng hàng năm đạt trên 8% trở lên, đưa dư nợ từ hơn 29 tỷ đồng lên hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 137 lần so với năm 2004.

bieu-do-tang-truong-1.jpg

Qua đó, giúp hơn 340.000 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn. Trong đó, có trên 62.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn phục vụ học tập, xây dựng trên 156.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường theo chuẩn quốc gia; xây được 3.123 căn nhà cho hộ nghèo không có nhà ở…

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự hưởng ứng tích cực của người dân, các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nước sạch… ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, từng bước đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân nông thôn.

thon-7-ta-thang(1).jpg
Đường giao thông thôn 7, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút được đầu tư từ sự đồng thuận góp sức của ngường dân

“Nông thôn mới đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo của tỉnh. Từng bước góp phần đưa Đắk Nông hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Tây Nguyên”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn mới - Thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO