Y tế - Sức khỏe

Đắk Nông đầu tư để y tế cơ sở là địa chỉ tin cậy của Nhân dân

Hoàng Dương 01/05/2024 06:00

Đắk Nông chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho Nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

ADQuảng cáo

Nhọc nhằn y tế vùng biên giới

Quảng Trực là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tuy Đức. Toàn xã có 11 bon, với 26 dân tộc cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 80%, tỷ lệ đói nghèo cao với hộ nghèo chiếm 36,35%, hộ cận nghèo 17,57%.

Đặc điểm địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, ý thức vệ sinh phòng bệnh chưa cao, chế độ dinh dưỡng không được chú trọng, một số quan điểm hạn chế về sinh đẻ như trọng nam khinh nữ, tập tính thích đông con,... Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác CSSKBĐ cho người dân nơi đây.

Nhân viên y tế trạm Y tế xã Quảng Trực xuống từng hộ dân ở các bon để tuyên truyền, thăm khám bệnh và cấp phát thuốc
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Quảng Trực xuống từng hộ dân ở các bon để tuyên truyền, thăm khám bệnh và cấp phát thuốc

Bác sĩ Lang Minh Tín, Trạm trưởng Trạm Y tế (TYT) xã Quảng Trực tâm sự, có những bon của đồng bào M’nông cách trung tâm xã trên 20km. Ngày khô nắng ráo không sao nhưng vào mùa mưa thì cực vô cùng vì đường đất, dốc trơn trượt, phải băng qua rừng. Đội ngũ nhân viên y tế phải lặn lội xuống từng nhà dân ở các bon để tuyên truyền hay thăm khám bệnh.

Ông Điểu Ngân (SN 1973), dân tộc M’nông, tại bon Bu P'răng 1A, năm 2009 bị tai biến dẫn đến liệt nửa thân dưới. Ngoài ra, ông Điểu Ngân còn bị huyết áp cao, lại thêm không đi lại được nên các y, bác sĩ của trạm phải thường xuyên đến nhà để khám bệnh, cấp phát thuốc và động viên.

Bác sĩ Lang Minh Tín thực hiện tuyên truyền y tế tại gia đình bà Thị Nớp
Bác sĩ Lang Minh Tín thực hiện tuyên truyền y tế tại gia đình bà Thị Nớp

Trường hợp của bà Thị Nớp (SN 1976), bon Bu P'răng 1A, thuộc diện hộ cận nghèo của xã Quảng Trực. Chồng mất để lại 5 đứa con
cùng gánh nặng về kinh tế. Bản thân thường xuyên đau ốm nhưng bà không thể thường xuyên tới TYT để được thăm khám. Nắm bắt được trường hợp của bà Nớp, các bác sĩ tại trạm thường xuyên tới nhà để tuyên truyền, thông tin y tế cũng như thăm khám cho bà. Bà Thị Nớp cho biết, qua tuyên truyền của cán bộ y tế, gia đình bà đã biết thực hiện vệ sinh, môi trường sống xung quanh để phòng dịch bệnh. Bà cũng đã vận động con cái trong nhà tới TYT để sinh con, cho con đi tiêm vắc xin định kỳ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Địa chỉ tin cậy của Nhân dân

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, công tác CSSKBĐ cho người dân tại xã an toàn khu Quảng Trực đã có nhiều cải thiện rõ rệt so với trước đây. Trước năm 2006 TYT chỉ có 1 y sỹ đa khoa, 3 y tá sơ cấp hoạt động. Năm 2023, đội ngũ nhân viên y tế tại trạm gồm 1 bác sĩ đa khoa, 2 cử nhân y tế công cộng, 1 điều dưỡng cao đẳng, 1 hộ sinh cao đẳng, 1 dược sĩ cao đẳng, 1 y sĩ y học cổ truyền.

ADQuảng cáo

Về cơ sở hạ tầng, trước năm 2004, TYT xã sử dụng nhà xây cấp 4 với 4 phòng. Hiện nay, TYT xã được đầu tư xây dựng mới, với 12 phòng chức năng. TYT xã được trang bị các trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác khám chữa bệnh, CSSKBĐ cho Nhân dân.

ông tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại xã biên giới Quảng Trực đã có nhiều cải thiện rõ rệt so với trước đây
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại xã biên giới Quảng Trực đã có nhiều cải thiện rõ rệt so với trước đây

Anh Nguyễn Duy Nho, tại bon Bu Krắk, xã Quảng Trực cho biết, ngay khi thấy con có dấu hiệu cảm cúm, mệt mỏi trong người, anh đã đưa con tới TYT xã để được thăm khám. Từ nhiều năm nay, gia đình anh đã có thói quen mỗi khi cảm thấy không khỏe trong người sẽ đến TYT xã để được nhân viên y tế khám bệnh. Không chỉ gia đình anh mà người dân tại xã biên giới luôn có địa chỉ tin cậy để gửi gắm sức khỏe của bản thân đó là TYT xã.

Bác sĩ Lang Minh Tín cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng sự nỗ lực của từng nhân viên y tế, chất lượng khám, chữa bệnh của TYT xã được nâng lên. Tình hình dịch bệnh tại địa phương được hạn chế. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em giảm. Người cao tuổi được theo dõi sức khỏe thường xuyên,... “Sự tin tưởng của bà con Nhân dân là động lực to lớn giúp đội ngũ nhân viên y tế tại TYT xã Quảng Trực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng biên giới”, bác sĩ Tín chia sẻ.

Đầu tư cho y tế cơ sở

Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thông tin, cùng sự hình thành và phát triển chung của ngành Y tế Đắk Nông, y tế cơ sở trong 20 năm qua đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực để củng cố và kiện toàn bảo đảm CSSKBĐ cho người dân.

Theo đó, năm 2004, toàn tỉnh có 52 TYT xã, thị trấn và chưa có xã nào đạt chuẩn quốc gia về y tế. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, nhân lực vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.

dscf8230(1).jpg
Tại tỉnh Đắk Nông, trong 20 năm qua y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn lực để củng cố và kiện toàn

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 8 trung tâm y tế và 71/71 xã, phường, thị trấn có TYT. 100% TYT có bác sĩ, 68 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chí cũ và 25 TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 9/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đắk Nông hiện có 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã...

Y tế thôn, bản được khôi phục, từ 98,4% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động (năm 2004), đến cuối năm 2023 đạt 100%. Các chỉ số chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt tiến bộ rõ rệt. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ duy trì ở mức trên 95%. Các chương trình, mục tiêu quốc gia được triển khai rộng rãi và hiệu quả. Các phong trào vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe được toàn dân hưởng ứng, khống chế, không để dịch lớn xảy ra.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ CSSKBĐ của Nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, ngành Y tế Đắk Nông tập trung đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã. Ngành tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại. Việc ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý TYT và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử; khám chữa bệnh từ xa,... được chú trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông đầu tư để y tế cơ sở là địa chỉ tin cậy của Nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO