Đắk Nông linh hoạt để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Quý I/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông đạt thấp và tỉnh đang huy động nhiều giải pháp để hướng tới hoàn thành chỉ tiêu năm nay.
Nhiều chủ đầu tư giải ngân vốn thấp
Đến ngày 4/4/2024, Đắk Nông giải ngân được 334 tỷ đồng/2.950 tỷ đồng, đạt 11,3% kế hoạch vốn. Đây là tỷ lệ thấp so với kỳ vọng đặt ra ban đầu.
Nhiều chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp như: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đạt 4,5%; UBND huyện Đắk Mil đạt 13%; Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đạt 10%; Sở Y tế 12,5%.
Theo Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Nghĩa lý giải, nguyên nhân chậm là do giải phóng mặt bằng chậm. Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm đang vướng vấn đề này nên chưa thể giải ngân.
Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa là một ví dụ. Nếu trong quý II/2024, Gia Nghĩa không bàn giao hết mặt bằng, chắc chắn sẽ không giải ngân hết 50 tỷ đồng kế hoạch vốn dự án đã phân bổ.
Tương tự, Dự án Khu liên hợp Bảo tàng, Thư viện và Công viên tỉnh Đắk Nông cũng ì ạch trong giải ngân vốn. “Chúng tôi đã làm việc với Gia Nghĩa và đang chờ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng khu này.
Vấn đề mà địa phương hiện chưa thống nhất được là xây dựng giá đất cụ thể, từ đó, lấy cơ sở tính toán phương án đền bù giải phóng mặt bằng”, ông Nghĩa khẳng định.
Tại Đắk Mil, hết quý I/2024, địa phương giải ngân đạt 13% kế hoạch. Đây là tỷ lệ thấp so với yêu cầu. Nguyên nhân là do nhiều công trình khó khăn về nguồn đất đắp. Một số dự án, Ban Quản lý Dự án huyện đang phối hợp các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng hoàn thành.
“Hiện nay, huyện có khoảng 13 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia đang vướng cơ chế, chính sách của Trung ương. Địa phương đang tìm cách tháo gỡ để đẩy mạnh giải ngân”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng chia sẻ.
Cắt 200 tỷ đồng từ các dự án chậm tiến độ
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp một phần do yếu tố chủ quan. Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Trần Đình Ninh, trong năm 2024, những công trình nào chậm, đơn vị sẽ kiên quyết tham mưu UBND tỉnh sớm có kế hoạch điều chuyển vốn.
“Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm 2024, chúng tôi sẽ mạnh dạn hơn trong việc rà soát, cân nhắc, điều chuyển vốn. Trên tinh thần làm kịp thời, quyết liệt, không nể nang, né tranh”, ông Ninh khẳng định.
Thực tế, những năm trước, phải đến tận tháng 6, khi Sở KH-ĐT có văn bản, các chủ đầu tư vẫn ì ạch chưa cắt vốn các dự án. Tuy nhiên, năm 2024 đã khác.
Ngay từ những tháng đầu năm, nhiều chủ đầu tư đã chủ động đề xuất cắt giảm vốn ở những công trình, dự án hấp thụ kém. Dự kiến, sẽ có khoảng 200 tỷ đồng bị cắt từ những dự án chậm tiến độ.
Đơn cử như Dự án Đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê. Năm 2024, tỉnh dự kiến phân bổ 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư tính toán chỉ chi được khoảng 70 tỷ đồng. Số còn lại 80 tỷ đồng được trả lại để xin chủ trương điều chuyển vốn cho những dự án khác.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh, các huyện phải thực sự vào cuộc quyết liệt. Sở KH-ĐT dứt khoát hơn trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề điều chuyển vốn.
“Sở KH-ĐT cần phải tham mưu sớm, kiên quyết hơn. Tránh tình trạng nơi cần không có vốn, nơi có vốn không giải ngân được. Các địa phương linh hoạt trong quá trình thực hiện quy hoạch, giải quyết khó khăn vướng mắc để thực hiện”, Phó Chủ tịch Thường trực Lê Văn Chiến nhấn mạnh.
Siết chặt trong ứng vốn đầu tư
Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư, các chủ đầu tư cần linh hoạt hơn trong cách nghĩ, cách làm. Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội quý I/2024 diễn ra ngày 16/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nhấn mạnh, hầu hết hiện nay chủ đầu tư, địa phương còn rất bị động trong nêu vướng mắc, khó khăn liên quan đến các dự án.
"Nhiều trường hợp khi lãnh đạo tỉnh hỏi mới thông tin. Trong khi, riêng UBND tỉnh tuần nào cũng bố trí một cuộc họp liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên nêu.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên đề nghị các chủ đầu tư cần kịp thời báo cáo vướng mắc lên UBND tỉnh. Các địa phương, chủ đầu tư linh hoạt trong phối hợp cùng thực hiện.
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội quý I/2024 diễn ra ngày 16/4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến yêu cầu Sở KH-ĐT, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Sở Tài chính siết chặt tình trạng ứng kinh phí cho nhà thầu.
“Các đơn vị kiểm tra, rà soát nhà thầu xem có ứng vốn đúng quy định và có thanh toán khối lượng hay không. Tránh tình trạng ứng kinh phí nhưng không hoàn thành khối lượng”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến chỉ đạo.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến, các chủ đầu tư, địa phương cần đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh giải ngân.
Đối với nguồn thu sử dụng đất trong quý I, cần ưu tiên cho kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cho Dự án Quảng trường trung tâm Gia Nghĩa để đẩy mạnh tiến độ giai đoạn 2.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Đối với các dự án đã quyết toán hoàn thành được bố trí kế hoạch năm 2023 để tất toán công trình, chủ đầu tư tập trung thanh toán hết nguồn vốn được giao.
Đến ngày 30/6/2024, nếu không giải ngân hết kế hoạch vốn, tỉnh sẽ điều chuyển vốn cho các dự án khác có nhu cầu thanh toán, kiên quyết không bố trí vốn các năm tiếp theo cho các dự án này.
Chính quyền các địa phương, đơn vị chức năng chủ động kiểm tra, đôn đốc, xử lý nghiêm các chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.