Quảng Tín, nông dân bị “bẫy” vay vốn

Hà An| 27/03/2017 09:32

Từ đầu năm đến nay, hàng chục hộ dân trên địa bàn xã Quảng Tín (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã nghe theo lời mời gọi của một số đối tượng môi giới để đưa sổ đất cầm cố vay vốn ngân hàng với số tiền lớn trong khi điều kiện trả nợ là gần như không thể.

ADQuảng cáo

Sau khi được Thị Uyên, sinh năm 1987, ở bon Ol B’Tung, xã Quảng Tín giới thiệu và đưa hồ sơ vay vốn, anh Y Đoan, cũng ở bon Ol B’Tung đưa sổ đất với diện tích 9.000m2 của nhà mình lên Phòng Công chứng số 2, huyện Chư Jút công chứng thủ tục để vay vốn tại một chi nhánh ngân hàng ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với số tiền 90 triệu đồng. Chỉ ngày hôm sau, anh Y Đoan đã được giải ngân số tiền vay theo hồ sơ nhưng sau khi trừ tiền môi giới 9,9 triệu đồng, tiền lãi 1 năm đóng luôn một lần lúc giải ngân, anh chỉ được cầm về số tiền chưa đầy 70 triệu đồng.

Khi hỏi vay tiền để làm gì thì anh Y Đoan trả lời vay để tiêu và trả nợ, đến giờ tiền vay đã hết, chưa biết tính sao mà trả ngân hàng. Trong khi hợp đồng vay vốn theo như lời Y Đoan thì chỉ 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Nếu không xoay xở được thì 9 sào đất thế chấp coi như mất.

Điều đáng nói, không riêng gì Y Đoan mà bon Ol B’Tung, từ đầu năm đến nay đã có 11 hộ vay vốn tại chi nhánh ngân hàng này cũng với hình thức tương tự. Một số hộ trong bon như Điểu Ơn vay 300 triệu đồng, Điểu K’ Rắc vay 250 triệu đồng và nhiều hộ khác cũng đã vay với số tiền không nhỏ, từ 100 triệu đồng trở lên. Thậm chí một số hộ còn thuê nguyên cả ô tô đi vay tiền.

ADQuảng cáo

Theo người dân thì lúc đầu, người giới thiệu cho biết thời hạn vay là 3 năm nhưng thực tế khi làm hồ sơ, thời hạn vay vốn chỉ 1 năm, lãi suất 12%/năm, trả một lần khi giải ngân vốn. Chưa kể đến, người vay còn phải trả một số tiền tương đương 11%, tức 100 triệu thì mất 11 triệu đồng cho người môi giới. Vậy nhưng khi chúng tôi hỏi xem hợp đồng vay vốn ở đâu thì cả Y Đoan và nhiều người khác nói không có. Không chỉ bon Ol B’Tung, một số bon khác trên địa bàn xã Quảng Tín cũng có người dân vay tiền theo dạng này.

Bà Thị H’Rêu, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho biết: “Vì người dân không làm thủ tục xác nhận qua xã mà nghe chỉ dẫn của người môi giới lên Phòng Công chứng số 2, Chư Jút làm nên xã không nắm được con số cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo những gì tôi vừa được biết thì toàn xã có khoảng gần 50 người vay vốn ở Đắk Lắk. Tôi cũng vừa biết được thông tin là trong xã có khoảng 4 đến 5 trường hợp đưa sổ đất cho người môi giới để làm thủ tục vay vốn nhưng gần 1 năm rồi chưa vay được tiền, cũng không được trả lại sổ. Chúng tôi rất lo là rồi cuối năm nay, khi đến kỳ trả nợ, người dân rất dễ bị mất đất vì không có tiền trả cho ngân hàng”.  

Vay vốn là nhu cầu và quyền lợi của người dân để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, vay vốn theo kiểu như người dân xã Quảng Tín hiện nay thì mức độ rủi ro rất cao vì không có phương án đầu tư, nguồn lực trả nợ rõ ràng mà chỉ vay theo lời mời của một số đối tượng môi giới. Vấn đề này cần được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, giải thích cho người dân để họ có quyết định đúng đắn trước khi đặt bút ký vào những giao dịch tín dụng kiểu này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Tín, nông dân bị “bẫy” vay vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO