Oai hùng Nâm Nung...
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại thăm vùng đất An toàn khu Nâm Nung. Đây là vùng đất anh hùng trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Xóm làng, con đường, rẫy vườn quen thuộc của Nâm Nung đã đổi thay, với những gam màu tươi sáng, ấm no, giàu đẹp.
Một thời oai hùng
An toàn khu Nâm Nung nay thuộc xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đắk Nông). Về Nâm Nung hôm nay đều dễ nhận thấy những tuyến đường liên thôn, liên xã được mở rộng, được thảm nhựa, bê tông kiên cố.
Nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang. Những vườn cà phê được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP xanh mướt dù đang ở trong giai đoạn nắng nóng cao độ của mùa khô Tây Nguyên. Nâm Nung đang chuyển mình, như làn gió mới mang lại sự ấm no, bình yên cho người dân nơi đây.
Sự đổi thay của Nâm Nung là một minh chứng cho sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của chính quyền, Nhân dân nơi đây. Sự đổi thay đấy đã được chứng kiến của chính những người từng hoạt động trong An toàn khu Nâm Nung và sinh sống ở đó cho tới nay.
Già làng Y Doanh, người từng tham gia bộ đội thời chống Mỹ và hoạt động ở An toàn khu Nâm Nung hiện vẫn sinh sống và tiếp tục đóng góp công sức của mình để xây dựng Nâm Nung giàu đẹp.
Trong câu chuyện về một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và có cả những khoảnh khắc cận kề với sinh tử, Già làng Y Doanh mang ra cái túi nhựa đựng những chiếc huân, huy chương mà ông vinh dự được trao tặng.
Già làng Y Doanh mân mê từng chiếc huy chương và bắt đầu nhớ lại những ký ức hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ mà ông và người dân Nâm Nung đã từng cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc.
Theo Già làng Y Doanh, ngày ấy dân làng Nâm Nung phải lẩn trốn vào rừng, đào hầm trú ẩn. Giặc thường xuyên càn quét, dội bom hòng ngăn không cho bà con theo cách mạng.
Nhà cửa, rẫy nương thường xuyên bị giặc đốt phá. Thức ăn chủ yếu là măng le, lá bép, củ mài…, nhưng không ai nản chí. Bà con bám bon, bám làng, ban ngày trốn vào rừng, ban đêm ra sản xuất, gùi lương, tải đạn tiếp tế cho cán bộ đội hoạt động.
“Đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy tự hào vì trong hoàn cảnh hiểm nguy, gian khó như thế, nhưng người dân Nâm Nung vẫn một lòng theo Bác Hồ, phục vụ cho cách mạng”, Già làng Y Doanh cho biết thêm.
Sau Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, mảnh đất Nâm Nung trở nên hoang tàn do bom đạn, địch hại, đa phần người dân đều đói ăn, thiếu mặc.
Song, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc xã Nâm Nung đoàn kết một lòng xây dựng quê hương cách mạng, Nâm Nung dần thay da đổi thịt.
Già làng Y Xuyên, bon Ja Ráh cho hay: “Bây giờ Nâm Nung đã đổi nhiều rồi. Đời sống của bà con được cải thiện, quan trọng là không còn thiếu đói nữa. Bà con đã xây dựng được nhà cửa khang trang, kiên cố. Đường nhựa, bê tông đến từng ngõ, từng nhà, đi lại thuận lợi, các khu dân cư ngày một văn minh”.
Theo Già làng Y Toan, thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung, ông đã chứng kiến những tháng ngày gian khó lẫn sự đổi thay của Nâm Nung từ khi đất nước được giải phóng đến nay.
Bây giờ, đồng bào ở các bon làng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ, nên sản xuất ngày càng hiệu quả.
Bên cạnh đó, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; cho vay vốn ưu đãi… để tạo sinh kế cho người dân.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Nâm Nung là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở cho cán bộ tỉnh Quảng Đức và Liên khu 5. Chính quyền và Nhân dân nơi đây đã đóng góp nhiều công sức và xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xây dựng đời sống mới
Xã Nâm Nung có 6 thôn, bon, với hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ hơn 42%. Từ một xã khó khăn, đến nay Nâm Nung có hơn 6.000ha cây trồng các loại, đàn gia súc hàng ngàn con. Năm 2017, xã Nâm Nung có 419 hộ nghèo, nay chỉ còn 83 hộ, đời sống người dân ngày càng ổn định, khá giả.
Từ một xã khó khăn, đến nay, hệ thống đường, trường, trạm, mạng lưới điện phủ đến khắp các thôn, bon, dân cư đông đúc, dịch vụ thương mại sôi động, diện mạo đổi thay từng ngày. Nhiều hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu.
Gia đình ông Y Thuân, bon Ja Ráh, có gần 2ha cà phê. Năm 2021, ông Y Thuân tham gia Dự án Sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị.
Dự án giúp vườn cà phê tăng năng suất lên 3,5 tấn/ha/vụ. Sản phẩm cà phê do ông làm ra còn được HTX Thanh Thái bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 25 - 30%.
Xã An toàn khu Nâm Nung đã đạt chuẩn NTM. Đây là kết quả của cả một quá trình mà chính quyền cùng Nhân dân xã đồng lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, đoàn kết xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp…
Bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung,
huyện Krông Nô (Đắk Nông)
Không chỉ canh tác cây cà phê, người dân xã Nâm Nung còn phát huy lợi thế nuôi trồng nhiều cây, con có giá trị như: hồ tiêu, điều, cây ăn quả, cao su, heo, bò, dê… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có tích lũy để xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển sản xuất.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 49,35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 3%. Với nhiều nỗ lực vượt bậc, xã An toàn khu Nâm Nung đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) và được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt chuẩn NTM.
Những năm qua, xã Nâm Nung đã huy động được gần 79 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, nguồn trực tiếp chương trình NTM đạt gần 3,9 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 4,9 tỷ đồng.
Còn lại là nguồn vốn lồng ghép khác. Nâm Nung đã từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Trong đó, phong trào làm đường giao thông theo phương châm dân làm Nhà nước hỗ trợ đạt nhiều kết quả ở các thôn, bon. Đến nay, tỷ lệ đường xã ở Nâm Nung được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100% (10,3 km); tỷ lệ đường thôn, bon được cứng hóa đạt 100% (39,35km).
Hệ thống điện được xã đầu tư thắp sáng tại trung tâm và các khu dân cư. Nâm Nung có tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt trên 98%.
Theo ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Xã triển khai, duy trì có hiệu quả các dự án phát triển sản xuất như Chương trình 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên... để tăng thêm cơ hội bảo đảm thu nhập cho người dân.
Còn ông Đinh Xuân Phụng, Bí thư Đảng ủy xã Nâm Nung cho biết, Nâm Nung là xã anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đến nay, Nâm Nung phát triển rất rõ rệt, ngày một toàn diện. Kết quả này là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu của địa phương.
“Từ một xã đặc biệt khó khăn, Nâm Nung đã đạt được những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao. Đó là cơ sở để chính quyền và người dân xã đồng lòng, chung sức xây dựng đời sống mới trên vùng đất cách mạng”, ông Đinh Xuân Phụng cho biết thêm.
Năm 1994, xã Nâm Nung được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận xã Nâm Nung là xã An toàn khu của Trung ương.