Phát huy hiệu quả "vốn mồi" từ các đề án khuyến công

Lê Dung| 27/02/2019 09:37

Các đề án khuyến công thời gian qua không chỉ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mà còn phát huy vai trò "vốn mồi" để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nguồn vốn trang bị máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

ADQuảng cáo

Một trong những nội dung thu hút mạnh nguồn vốn hỗ trợ cũng như sự quan tâm của các cơ sở CNNT thời gian qua là việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Trong tổng số 13 đề án khuyến công được triển khai thực hiện của năm 2018, nội dung này đã thu hút tới 8 đề án. Trong đó tập trung vào việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến cà phê, tiêu, điều, gia công tôn… Đây cũng là những lĩnh vực mà doanh nghiệp trên địa bàn đang có nhiều thế mạnh. Sau hỗ trợ, phần lớn các doanh nghiệp này đều phát huy hiệu quả của đề án, mang lại hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc chế biến hồ tiêu sạch tại Công ty Cổ phần Bách Sinh (Gia Nghĩa) năm 2017

Đơn cử như vào tháng 6/2018, Công ty Cổ phần Godere, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã được hỗ trợ để triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến cà phê bột”, với tổng kinh phí 610 triệu đồng. Trong đó, Quỹ Khuyến công địa phương đã hỗ trợ 195 triệu đồng để mua sắm cụm máy móc thiết bị, bao gồm: 1 máy rang cà phê, 1 máy xử lý khói mùi. Còn lại 415 triệu đồng, tức 68,1% nguồn kinh phí thực hiện đề án là do doanh nghiệp bỏ ra. Được đầu tư máy móc, thiết bị mới đã giúp công ty từng bước nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng cà phê trên địa bàn. Ngoài ra, công ty đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động ở địa phương, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Đình Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Godere thì doanh nghiệp luôn có nhu cầu đổi mới, mở rộng quy mô hoạt động. Tuy nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ chưa nhiều, nhưng đây chính là động lực, là bước đệm thôi thúc doanh nghiệp quyết tâm đầu tư vốn, nâng cao chất lượng sản phẩm…

ADQuảng cáo

Tương tự, trong năm qua, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng được khuyến công hỗ trợ thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến cà phê”, với tổng kinh phí 450 triệu đồng; trong đó, kinh phí Quỹ khuyến công quốc gia hỗ trợ 195 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp. Với việc đầu tư 1 máy phân loại kích thước cà phê nhân có công suất 1,2 tấn/giờ đã giúp doanh nghiệp cơ giới hóa việc phân loại kích thước cà phê nhân xô và loại bỏ tạp chất trong quá trình thu hoạch, bảo quản…

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), trong năm 2018, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 13 đề án khuyến công, với tổng kinh phí là hơn 5,1 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Khuyến công quốc gia và địa phương hỗ trợ 2,268 tỷ đồng; còn lại 2,832 tỷ đồng, tức 55,5% nguồn lực thực hiện đề án là vốn đối ứng từ phía các đối tượng thụ hưởng. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, các cơ sở CNNT cũng được tư vấn, hướng dẫn các nội dung về công nghệ, máy móc, trang thiết bị mới, phục vụ dây chuyền sản xuất.

Được biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất CNNT đang hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu. Trong khi đó, nguồn vốn cho đổi mới thiết bị công nghệ lại rất ít. Do đó, không ít cơ sở có nhu cầu nhưng không đáp ứng đủ tiêu chí để thụ hưởng chính sách khuyến công. Xác định doanh nghiệp là lực lượng chính cần được hỗ trợ, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 27 đề án, với tổng kinh phí thực hiện vào khoảng hơn 15,9 tỷ đồng; trong đó, nguồn quỹ khuyến công hỗ trợ là hơn 8,7 tỷ đồng; còn lại 7,2 tỷ đồng là thu hút các nguồn vốn đối ứng từ các cơ sở, doanh nghiệp CNNT.

Theo ông Hoàng Quốc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại thì để triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng tới việc khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng những cơ sở đủ năng lực, điều kiện để tham gia vào các đề án. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ cử cán bộ theo dõi sát hoạt động và tư vấn, hướng dẫn một cách cụ thể, hữu ích thông tin về thị trường, công nghệ sản xuất và sản phẩm cho các đối tượng thụ hưởng, góp phần triển khai thực hiện các đề án có tính khả thi cao, đạt hiệu quả tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả "vốn mồi" từ các đề án khuyến công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO