Giải trí

Soạn bài và văn mẫu Chuyện người con gái Nam Xương | Văn mẫu lớp 9

Trung Kiên23/07/2024 16:23

Bài văn mẫu lớp 9: Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 9

ADQuảng cáo

1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Tác giả Nguyễn Dữ

- Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương.

- Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu.

- Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào.

- Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Tuy nhiên mối quan hệ giữa ba người (mà phần lớn từ nguồn dân gian lưu truyền trong nhiều thế kỷ nhưng thiếu chứng cứ lịch sử) ngày nay đang gặp phải sự bác bỏ của giới nghiên cứu văn học sử.

- Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà.

- Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành rồi mất tại Thanh Hóa.

Hoàn cảnh sáng tác

“Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm Truyền kì mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI. Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”, là thiên thứ 16 trong 20 truyện của Truyền kì mạn lục.

Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (từ đầu đến “...như đối với cha mẹ đẻ mình” ): Cuộc sống của Vũ Nương từ khi được gả về nhà Trương Sinh.

- Phần 2 (tiếp theo đến “...nhưng việc trót đã qua rồi”): Nỗi oan khuất của Vũ Nương

- Phần 3 (còn lại): Vũ Nương được giải oan.

Giá trị nội dung

- Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam

- Niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ đòng thời lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

Giá trị nghệ thuật

- Truyện viết bằng chữ Hán

- Kết hợp những yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo, hoang đường với cách kể chuyện , xây dựng nhân vật thành công

2. Dàn ý chung phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

A. Mở bài

- Giới thiệu một vài nét chủ yếu nhất về tác giả Nguyễn Dữ: Một tác giả học rộng tài cao nhưng bất đắc chí.

- Giới thiệu về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương: Là một trong hai mươi truyện ngắn của Truyền kì mạn lục.

B. Thân bài

1. Phân tích về nhân vật Vũ Nương

a. Phân tích về vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương

- Vẻ đẹp trước khi lấy chồng: là một người con gái “tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp” ⇒ một vẻ đẹp chuẩn mực

- Trong cuộc sống vợ chồng:

+ Giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng thất hòa ⇒ Tạo dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình

- Khi tiển chồng đi lính:

+ Dặn dò cẩn thận, đầy tình nghĩa, thủy chung

+ Nàng không mong chồng khi trở về mang “ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ” mà chỉ mong chồng bình yên → ko màng danh lợi

- Khi xa chồng:

+ Đảm đang: Là người mẹ hiền, dâu thảo.

+ Là người vợ thuỷ chung yêu chồng tha thiết: hằng đêm vẫn chỉ vào bóng mình và bảo với con đó là cha nó để vơi đi nỗi nhớ chồng

+ Tận tình, chu đáo rất mực yêu thương con

+ Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay chu tất

⇒ Là người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu người phụ nữ

- Khi bị chồng vu oan:

+ Phân trần để chồng hiểu tấm lòng thủy chung của mình.

+ Nói lên nỗi đau đớn, thất vọng vì không hiểu.

+ Thất vọng tột cùng, nàng chọn cái chết để bày tỏ tấm lòng mình.

⇒ Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiếu thảo, chung thủy, hết lòng vun đắp hạnh phúc gia đình

b. Phân tích số phận bi kịch của Vũ Nương

- Nguyên nhân của nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương

+ Cuộc hôn nhân không bình đẳng, chiến tranh phi nghĩa

+ Tính Đa nghi của Trương Sinh

+ Lời nói ngây ngô của đứa trẻ con

- Ý nghĩa:

+ Tố cáo chiến tranh, xã hội phong kiến trọng quyền uy người đàn ông và kẻ giàu

+ Bày tỏ niềm cảm thương của tác giả với người phụ nữ

2. Phân tích nhân vật Trương Sinh

- Là người không có học thức

- Cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh có phần không bình đẳng

- Có tính đa nghi, trở về rất buồn vì mẹ mất.

- Cách xử sự của Trương Sinh khi nghe lời bé Đản nói thể hiện sự hồ đồ, độc đoán ⇒ chính sự ghen tuông mù quáng của Trương Sinh là một nguyên nhân dẫn đến cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.

⇒ Tác giả phê phán sự ghen tuông mù quáng, bày tỏ sự cảm thông và ngợi ca người phụ nữ đức hạnh mà phải chịu nhiều đau khổ, bất hạnh.

3. Phân tích chi tiết cái bóng trong tác phẩm

- Cái bóng là một chi tiết đặc sắc, là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo làm cho câu chuyện hấp dẫn hơn so với truyện cổ tích.

- Cái bóng là đầu mối, điểm nút của câu chuyện. Thắt nút là nó, mà mở nút cũng là nó.

- Nó góp phần thể hiện tính cách nhân vật:

+ Bé Đản ngây thơ.

+ Trương Sinh hồ đồ, đa nghi.

+ Vũ Nương yêu thương chồng con.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

- Cái bóng góp phần tố cáo xã hội phong kiến xung tàn, khiến hạnh phúc của người phụ nữ hết sức mong manh.

4. Phân tích những yếu tố kì ảo trong tác phẩm

- Những yếu tố kì ảo trong tác phẩm:

+ Chuyện Phan Lang nằm mộng thả rùa

+ Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương dưới thủy cung

+ Vũ Nương hiện về giữa uy nghi

⇒ Là những yếu tố hoang đường nhưng vẫn rất thực và gần gũi

- Ý nghĩa:

+ Hoàn chỉnh nét đẹp của Vũ Nương

+ Kết thúc có hậu

+ Không giảm tính bi kịch của tác phẩm, mà tăng giá trị tố cáo và niềm thương cảm của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ

C. Kết bài

- Khái quát những nét nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm: Cách dẫn dắt: khéo léo, tăng tính bi kịch, lời thoại và lời tự bạch khắc họa sâu thêm tính cách nhân vật, các yếu tố kì ảo, kết hợp tự sự với trữ tình...

- Đây là một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

3. Viết đoạn văn phân tích tác phẩm Người con gái Nam Xương

Viết đoạn văn phân tích ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam xương

Yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" đã được tác giả Nguyễn Dữ thể hiện thật nhiều ở phần kết với những yếu tố trong truyện cổ tích. Đó là chi tiết Phan Lang - người cùng làng với Vũ Nương nằm mộng thả rùa và khi Phan Lang chạy nạn bị chết đuối đã được thần rùa Linh Phi cho uống thuốc tiên sống lại, cho trở về trần gian. Đó là chi tiết Vũ Nương được Trương Sinh lập đàn giải oan trên bờ Hoàng Giang và trở về trên chiếc kiệu hoa lấp lánh giữa dòng lúc ẩn, lúc hiện. Các yếu tố có vai trò quan trọng trong việc thể hiện nội dung và tư tưởng truyện. Đây chính là những chi tiết làm hoàn thiện nét đẹp tâm hồn của Vũ Nương: vẫn luôn khát khao được phục hồi danh dự, vẫn mong muốn được chăm lo cho chồng con, nhà cửa. Và đồng thời đây cũng phần nào là một kết thúc có hậu, thể hiện được ước mơ ngàn đời của nhân dân ta về sự công bằng trong cuộc đời người tốt dù có bị nghi oan rồi cũng được đền trả xứng đáng và cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác. Nói tóm lại, những chi tiết kì ảo tuy xuất hiện không nhiều nhưng đó chính là những điểm sáng góp phần làm nên thành công của Chuyện người con gái Nam Xương.

Viết một đoạn văn nghị luận về Vũ Nương là một người phụ nữ đáng thương

Vũ Nương là một người phụ nữ đáng thương, hồng nhan nhưng bạc mệnh. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã cho người đọc thấy hình ảnh của một người vợ thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp phải sống xa chồng khi bụng mang dạ chửa. Đó có lẽ là một sự khó khăn lớn. Ở bất kỳ thời đại nào, những người phụ nữ luôn cần có người chồng của mình ở bên cạnh để cùng sẻ chia và gánh vác công việc gia đình. Nhưng ở Vũ Nương, người đọc thấy rõ trên đôi vai nàng là gia đình, mẹ già và con nhỏ. Nhưng dường như để phải đặt mình vào vị trí của Vũ Nương mà cảm nhận nỗi đau thì phải nói tới cái tủi khổ mà nàng phải chịu đựng dưới xã hội phong kiến đầy bất công. Trong xã hội đó, người chồng là người nắm quyền, người quyết định tất thảy mọi việc, nơi chế độ đa thê tồn tại. Dưới chế độ phong kiến ấy, người đọc thực sự cảm thấy xót xa cho Vũ Nương khi nàng cất tiếng than bên bến Hoàng Giang: "Thiếp nay trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho tôm cá, trên xin làm cơm cho diều quạ, và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ". Nếu như lời than làm cho mọi người thương xót thì cái chết đã chứng minh tấm lòng trinh bạch cùa Vũ Nương. Qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã thực sự để lại trong người đọc sự thương cảm sâu sắc đối với thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa.

Viết một đoạn văn phân tích ý nghĩa của việc Vũ Nương không trở về nhân gian nữa trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam xương

Việc nhân vật chính trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ - nàng Vũ Nương - không trở lại nhân gian nữa sau khi trầm mình xuống sông vì nỗi oan không gì tháo gỡ được là một chi tiết đầy ý nghĩa. Trước hết, điều đó khẳng định nhân cách tốt đẹp, lòng tự trọng của Vũ Nương. Nàng dù vẫn còn lưu luyến và khao khát hạnh phúc trần gian nhưng nàng thà lìa bỏ những khao khát của mình chứ không trở lại nơi đã ruồng rẫy nàng một cách cay nghiệt. Sự việc này đồng thời là một lời nhắc nhở nghiêm khắc thói đa nghi ghen tuông hồ đồ của Trương Sinh. Chính Trương Sinh đã vội vã kết tội đẩy Vũ Nương đến cái chết thì nay, dù chàng có ăn năn hối lỗi thế nào Vũ Nương cũng không quay lại. Điều đó cảnh tỉnh người đọc rằng: hạnh phúc đã mất đi thì không bao giờ lấy lại được, bởi vậy mỗi chúng ta cần biết nâng niu trân trọng những hạnh phúc của đời mình. Mặt khác, đây cũng là một chi tiết mang giá trị hiện thực sâu sắc. Nó tố cáo xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng: đó là nơi không có chỗ dung thân cho những tâm hồn đẹp đẽ, cao thượng như Vũ Nương. Chi tiết Vũ Nương không trở về nhân gian để lại những ý nghĩa và nhiều điều đáng suy ngẫm cho người đời. Qua đó cũng thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của một nhà văn lỗi lạc. Nguyễn Dữ đã mượn cái chết của Vũ Nương để xót thương cho phận hồng nhan, mượn cái chết oan khuất ấy để lên án xã hội phong kiến bất nhân, tàn bạo. Có thể nói, đây là một chi tiết đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm này.

Viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ về nhân vật Trương Sinh trong tác phẩm Người con gái Nam Xương

Trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, nhân vật Trương Sinh là nhân vật để lại nhiều nỗi bức xúc và cũng mang theo tư tưởng của truyện. Nhân vật là người đàn ông gia trưởng, vốn tính đa nghi và hoàn toàn có cái thế của người chồng trong xã hội phong kiến. Cuộc hôn nhân của Trương Sinh và Vũ Nương là cuộc hôn nhân không có tình yêu, Trương Sinh "mến vì dung hạnh" nên đem trăm lạng vàng cưới về. Và khi Trương Sinh đi lính về, tâm trạng lại nặng nề vì tin mẹ mất. Sự nặng nề đó, kết hợp với thói đa nghi và lời nói của đứa con nhỏ đã kích động thói ghen tuông của Trương. Anh ta đinh ninh là vợ hư: "mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được". Trương Sinh đã xử sự hồ đồ, độc đoán, la mắng, đánh đuổi vợ, không bình tĩnh phán đoán, phân tích sự việc, cũng không tin hàng xóm bênh vực Vũ Nương và những lời phân trần của nàng. Đó là thái độ độc đoán, vũ phu, hồ đồ, đẩy người vợ đến cái chết. Qua nhân vật, tác giả đã thể hiện thái độ phê phán thói hồ đồ, vũ phu đồng thời lên án tố cáo gay gắt xã hội phong kiến với những tư tưởng sai lệch đã tạo nên những hạng người xấu xa và để lại những nuối tiếc cho nhiều phận đời vô tội.

Viết đoạn văn nghị luận có câu mở đoạn "Đáng thương thay cho nàng Vũ Nương"

Đáng thương thay cho nàng Vũ Nương! Tuy nàng là một phụ nữ đức hạnh, nết na, luôn chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình nhưng số phận của nàng lại phải chịu biết bao nỗi bất công, oan trái. Trong thời gian chồng không có mặt ở nhà, nàng đã một mình chăm lo, quán xuyến mọi việc nhà từ việc chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng khi bà bị ốm, lo ma chay chu tất khi bà mất đi đến việc nuôi dạy con một mình. Vũ Nương đã thể hiện mình là một người phụ nữ đức hạnh, một người con dâu hiếu thảo, một người vợ hiền, một người mẹ tốt và nàng cũng được mẹ chồng ghi nhận điều này. Nhưng khi giặc tan, người chồng trở về, phần vì đau lòng trước cái chết của mẹ và tính ghen tuông có sẵn, phần vì nghe lời nói ngây thơ cùa con trẻ mà đã nghi oan cho nàng không chung thuỷ. Vũ Nương bị oan nhưng không thể minh oan cho mình trước sự nghi ngờ của chồng đã rất đau khổ và tuyệt vọng. Cuối cùng, nàng đã phải gieo mình xuống sông để tự vẫn. Cái chết cùa nàng là cái chết rất đáng thương, cái chết của sự tuyệt vọng, phản ánh số phận nhỏ bé nhưng phải chịu biết bao điều oan nghiệt của Vũ Nương nói riêng cũng như của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

4. Danh sách đề thi phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Đề 1: Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương chọn lọc hay nhất

Đề 2: Phân tích những giá trị trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ

Đề 1: Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương chọn lọc hay nhất

Mỗi một câu chuyện viết ra đều mang một ý nghĩa tự thân của nó, có tác dụng cảm hoá cuộc đời và con người. Nếu một tác phẩm văn học không mang được những ý nghĩa sâu xa như vậy, nó sẽ vẫn nằm trong sự băng hoại của thời gian. Và “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ đã vượt qua được quy luật của thời gian và không gian để đến với chúng ta ngày hôm nay.

“Chuyện người con gái Nam Xương” nằm trong tập “Truyền kì mạn lục”, một trong những câu chuyện lạ lưu truyền trong dân gian được ghi chép lại. Lạ nhưng câu chuyện ấy không viển vông đến xa rời thực tế, mà nó như một tấm gương soi chiếu xã hội bấy giờ, là khúc ca cho tấm lòng nhân đạo của tác giả Nguyễn Dữ. Bởi những giá trị ấy mà đã hàng ngàn năm trôi qua, vẫn còn một tác phẩm đồng hành với chúng ta ngày hôm nay.

Truyện kể về người con gái vùng Nam Xương, tính đã dịu hiền nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Nàng được gả cho Trương Sinh, một chàng trai giàu có nhưng ít học, tính tình lại cục cằn hay ghen. Và chiến tranh nổ ra, Trương Sinh bị bắt đi lính, để mẹ già vợ trẻ ở nhà ngày đêm mong nhớ. Trương Sinh đi để lại cho Vũ Nương một người con trai, vì thương nhớ chồng nên nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đó là cha.

Ba năm sau, Trương Sinh trở về, nghi ngờ vợ mình thất tiết và đuổi đánh vợ, khiến nàng nhảy xuống sông mà tự vẫn. Một thời gian sau, Trương Sinh phát hiện ra sự thật, muốn vợ quay trở về nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Cả câu chuyện như một vở kịch đau thương về số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, tủi nhục, đau khổ đến nhường nào!

“Chuyện người con gái Nam Xương” còn tồn tại đến ngày hôm nay có lẽ là nhờ vào giá trị hiện thực sâu sắc của nó. Đó là bức tranh về hiện thực xã hội phong kiến chứa đầy những uất ức bất công, đặc biệt là với người phụ nữ. Vũ Nương dù mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhưng cũng không được lựa chọn hạnh phúc cho cuộc đời mình.

Nàng vì trăm lạng bạc của mẹ Trương Sinh mà về làm dâu làm vợ của người, không ai biết nàng có hạnh phúc hay không. Rồi khi bị chồng nghi oan, nàng cũng không có quyền nói lên nỗi lòng của mình. Dù bị đánh đập, bị đuổi đi mà không được nói một lời giải thích. Chính chế độ nam quyền khi ấy là nguyên nhân dẫn đến cuộc đời bi kịch của Vũ Nương.

Trong tác phẩm, ta còn nhận ra một hiện thực tàn khốc hơn nữa, chính là chiến tranh phong kiến phi nghĩa. Cuộc chiến ấy khiến mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha. Dù cho một người giàu có như Trương Sinh, cũng không tránh khỏi vòng vây đao kiếm. Tất cả đều là để phục vụ cho nhu cầu của những thế lực phong kiến tranh giành quyền lực mà đổ lên đầu con đỏ dân đen.

Nếu như không có chiến tranh phong kiến, cũng không có ba năm xa cách đằng đẵng giữa Vũ Nương và chồng, cũng không có sự hiểu lầm đáng tiếc ấy. Vũ Nương phải chết, cũng một phần vì chiến tranh mà ra. Có thể nói, tác phẩm đã phản ánh chân thực được những hiện thực còn nhức nhối trong xã hội bấy giờ, để sau này người đời còn nhìn vào và hiểu rằng, đã có một thời lầm than như thế.

Nhưng một tác phẩm văn học sẽ không thể sống nếu nó chỉ là sự sao chép lại hiện thực một cách giản đơn. Trong hiện thực, ta còn phải thấy được cả tấm lòng của tác giả gửi gắm, hay chính là tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Dữ trong tác phẩm của mình. Tiếng nói nhân đạo ấy trước hết thể hiện ở sự ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Vũ Nương được miêu tả là một cô gái, đã có tư dung tốt đẹp lại dịu hiền nết na. Nguyễn Dữ nhìn ra được những phẩm chất cao quý nhất trong tâm hồn người con gái ấy. Chính vẻ ngoài xinh đẹp và tính tình của nàng đã chiếm được trái tim chàng Trương Sinh, để chàng phải bắt mẹ hỏi cưới cho bằng được. Kể từ đó, Vũ Nương nổi bật lên là một người con hiếu thảo. Chồng đi lính, nàng hết lòng phụng sự, chăm lo cho mẹ chồng.

Khi bà ốm, nàng tất tả lo toan thuốc thang, khi bà mất, nàng lo toan ma chay cho thật chu đáo. Dẫu chỉ là mẹ chồng, nàng vẫn toàn tâm chăm sóc như bố mẹ. Đó là một tấm lòng thơm thảo, luôn dành sự biết ơn cho đấng sinh thành. Phẩm chất ấy thật đáng quý biết nhường nào.Khi đã làm mẹ, Vũ Nương lại hết lòng yêu thương và chăm sóc con.

Thương con lớn lên trong cảnh thiếu cha, ngày ngày nàng chỉ chiếc bóng trên tường và nói với con đó là cha nó. Ta có thể thấy một khao khát gia đình trọn vẹn để con được đủ đầy yêu thương. Bi kịch của cuộc đời Vũ Nương, có chăng cũng là từ tình yêu thương con ấy mà ra.

Nét nổi bật nhất trong vẻ đẹp của Vũ Nương có lẽ chính là tấm lòng chung thuỷ một lòng với chồng. Khi chồng ở nhà, nàng khôn khéo đảm đang không để chồng phật ý, khi chồng ra trận, nàng lại một lòng chăm sóc mẹ già con nhỏ. Nàng sống trong nỗi nhớ chồng, khao khát được gặp lại người chồng của mình. Nàng luôn giữ được hai chữ “tiết hạnh” để không có lỗi với chồng.

Chiếc bóng xuất hiện mỗi đêm có lẽ là minh chứng rõ nhất cho sự thủy chung của Vũ Nương. Và đặc biệt, khi chết đi, nàng quay trở lại gặp chồng lần nữa, một mặt là khẳng định tấm lòng chung thủy, một mặt vẫn còn lưu luyến tình xưa nghĩa cũ. Tấm lòng chung thủy của Vũ Nương, không ai có thể phủ nhận. Đó chính là vẻ đẹp tiêu biểu nhất cho người phụ nữ Việt Nam, dù chịu bất công nhưng một lòng chung thủy.

Tiếng nói nhân đạo của Nguyễn Dữ, ta còn gặp ở sự đồng cảm với khát vọng hạnh phúc của con người. Cuộc đời Vũ Nương luôn là những chuỗi ngày bị ép buộc, chờ đợi. Nàng luôn khát khao về một mái ấm gia đình có đủ đầy tình yêu thương nhưng không thành hiện thực. Nguyễn Dữ để nàng sống hạnh phúc ở một thế giới khác, không còn khổ đau hờn ghen, chính là để hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của con người.

“Chuyện người con gái Nam Xương”, với những giá trị hiện thực và nhân đạo của mình, đã thực sự chạm được đến phần sâu kín nhất của trái tim con người. Đó là nỗi lòng của chính Nguyễn Dữ, là cặp mắt nhìn đời tinh anh sắc sảo và tấm lòng nồng ấm yêu thương. Tác phẩm đã cho ta thấy được cái tâm và cái tài của một nghệ sĩ lớn, đó mới là nghệ thuật chân chính mà muôn đời con người theo đuổi.

Thời gian vẫn sẽ tuần hoàn theo quy luật của nó, nhưng ta sẽ vẫn còn nhớ về tác phẩm để hoài niệm về quá khứ xa vắng, để đau xót, để yêu thương!

Đề 2: Phân tích những giá trị trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của tác giả Nguyễn Dữ

“Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục” (ghi chép tản mạn những điều kỳ lạ vẫn được lưu truyền), được viết ở thế kỉ XVI. Tác phẩm này có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cho tác phẩm chính là tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm trong câu chuyện.

Vũ Nương vốn là một người phụ nữ “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Những tưởng con người ấy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc nhưng nàng lại gặp phải nhiều bất hạnh. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” đã thể hiện tấm lòng trân trọng của tác giả đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng chịu.

Người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay được ngợi ca bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu bao dung. Người phụ nữ hiện lên trong “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng vậy. Đó là nàng Vũ Nương đẹp nết đẹp người và đầy tự trọng.

Nàng có một “tư dung tốt đẹp” nức tiếng xa gần. Chẳng vậy mà Trương Sinh - một người “con nhà hào phú” phải xin mẹ trăm lạng vàng rước nàng về làm vợ. Chẳng những vậy, nàng còn là người phụ nữ hiền hậu nết na, người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ thương con.

Trong mối quan hệ vợ chồng hằng ngày, biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vũ Nương đã luôn “giữ gìn khuôn phép, không lần nào vợ chồng phải đến nỗi thất hoà”. Hai vợ chồng chia ly, Vũ Nương một lòng nghĩ đến sự an nguy của chồng “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. [...] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Như vậy là nàng không hề nghĩ đến vinh hoa phú quý, chỉ nghĩ đến chân thành với tình vợ chồng keo sơn. Xa chồng, Vũ Nương thuỷ chung, tấm lòng luôn tha thiết hướng về chồng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”.

Trương Sinh trở về, nghi cho Vũ Nương một cái oan thảm khốc và dùng những lời lẽ tàn nhẫn mà nhiếc móc nàng. Nhưng ngay cả khi ấy, Vũ Nương vẫn nói năng đúng mực, tha thiết bày tỏ nỗi niềm và ước mong về cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng thương yêu, lo lắng chu toàn: “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Tấm lòng nàng dành cho mẹ chồng khiến bà cảm động để khi mất, những lời cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời bà dành để chúc phúc cho con dâu. Xưa nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “mẹ chồng con dâu” để chỉ mối quan hệ vốn không yên ấm giữa hai đối tượng này nhưng qua thái độ của người mẹ chồng đối với Vũ Nương người đọc thấu hiểu tấm lòng chân thành, sâu sắc đối với mẹ chồng của nàng.

Với con, Vũ Nương đã hết sức nuôi dạy, bảo ban, thương yêu và chiều chuộng con (để đến nỗi một trong những hành động vô tư của nàng đã trở thành nguyên nhân buộc nàng tự vẫn...).

Không chỉ vậy, với tư cách là một cá nhân trong xã hội, ở Vũ Nương còn nổi bật lên lòng tự trọng đầy cảm động. Bị chồng hiểu lầm, bị hàm oan tức tưởi, dẫu vẫn còn khao khát hạnh phúc trần gian nhưng Vũ Nương đã chọn cái chết để chứng minh phẩm tiết trong sạch của mình. Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh dự, tiết hạnh ở người phụ nữ đáng trân trọng này.

Ngợi ca vẻ đẹp của “người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã góp tiếng nói chung vào cảm hứng ngợi ca người phụ nữ đầy nhân văn của văn học trung đại. Bên cạnh Vũ Nương của Nguyễn Dữ ta còn có thể kể đến chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm…

Nhưng trong xã hội phong kiến thời kỳ suy sụp, thối nát, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai họa khôn lường: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khi ấy, văn học lại cất lên tiếng nói đồng cảm với những thân phận bị “gió dập sóng vùi” chẳng biết “tấp vào đâu”. Nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh.

Trước hết, nàng có một cuộc hôn nhân không được lựa chọn. Với vẻ đẹp vốn có, đáng ra nàng phải được kén một tấm chồng đức tài tương xứng. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời lại chỉ dành cho nàng một gã Trương Sinh. Đó là một kẻ vô học nhưng giàu có “con nhà hào phú” đã “xin mẹ trăm lạng vàng” lấy nàng về làm vợ. Người phụ nữ vẹn toàn này không có quyền lựa chọn cho mình một người chồng tương xứng. Cuộc hôn nhân của nàng do vàng bạc mở đường, đó như một cuộc trao đổi, mua bán đầy tính thương mại.

Về đến nhà chồng, Vũ Nương phải hết sức giữ gìn trước con người rất mực đa nghi của Trương Sinh: “Đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Nhưng hạnh phúc phải do cả hai bên vợ chồng cùng đắp vun gìn giữ. Sau mấy năm dài đằng đẵng mong ngóng chồng về, cái giá Vũ Nương nhận được thật quá chua xót.

Khi chồng đi lính, đêm đêm để con đỡ tủi và lòng mình đỡ nhớ, Vũ Nương chỉ bóng mình trên vách rồi bảo con đó là cha nó. Nhưng thiện ý của nàng đã bị hiểu lầm. Nghe con nói kể về người cha đêm đêm vẫn đến của nó, Trương Sinh với tính đa nghi sẵn có đã hiểu oan cho tấm lòng thủy chung của Vũ Nương. Chàng ta vội nghe lời con trẻ mà không suy xét đúng sai: “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Rồi hồ đồ, độc đoán không đếm xỉa đến những lời thanh minh của vợ, đối xử tệ bạc, vũ phu với Vũ Nương: “Chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”.

Trước nỗi oan không gì giãi bày được (vì Trương Sinh không nói rõ nguyên cớ việc nổi giận của mình), cuộc đời Vũ Nương bế tắc: Nếu sống thì phải mang cái tiếng phản chồng đầy ô nhục. Bởi vậy, dẫu vẫn còn khao khát vương vấn hạnh phúc trần gian, nàng đành chấp nhận cái chết, trầm mình xuống sông Hoàng Giang.

Thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy, họ không được làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay đắng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi đến bao phong ba bão táp đã đi qua cuộc đời của những Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh, người cung nữ, người chinh phụ... trong văn học trung đại.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm của Nguyễn Dữ không tiến xa hơn câu chuyện dân gian là mấy. Nguyễn Dữ đã vô cùng trăn trở với số phận của người con gái đa đoan trong tác phẩm của mình. Tin tưởng và yêu mến nhân vật, nhà văn đã để nàng gửi mình chốn cung mây dưới nước của Linh Phi. Chốn ấy dẫu chẳng được sum vầy cùng con trẻ, người thân song vẫn là nơi biết trọng những tâm hồn trong đẹp. Vũ Nương trở về nhân gian trong ánh sáng lung linh kì ảo của ánh nến, mặt nước diệu kỳ.

Ngoài nhân vật Vũ Nương, ta cũng không thể quên một Trương Sinh hồ đồ đã đẩy người đầu gối tay ấp với mình đến chỗ chết. Trương Sinh là con nhà trọc phú, lại ít học cũng như đa nghi. Do ít học nên khi chiến tranh xảy ra tuy nhà giàu có nhưng Trương Sinh vẫn phải đi lính. Do đa nghi, hay ghen đã làm cho Trương Sinh mờ mắt, chỉ nghe lời từ đứa con ngây thơ không chịu nghe lời phân trần của vợ. Trương Sinh là người trực tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch và phải tìm đến cái chết. Đến khi hiểu ra và hối hận thì đã quá muộn màng.

Bên cạnh nội dung, tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng trở thành chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: việc dẫn dắt tình huống hợp lý. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn. Bước đầu nhà văn đã miêu tả nội tâm nhân vật khá phong phú.

Qua phân tích trên, có thể thấy “Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm giàu giá trị của nhà văn Nguyễn Dữ.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Soạn bài và văn mẫu Chuyện người con gái Nam Xương | Văn mẫu lớp 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO