Sức sống mới của văn hóa cồng chiêng đang được tiếp nối, phát huy
13 đoàn nghệ nhân đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mang đến cho khán giả nhiều tiết mục hay, đặc sắc và quảng bá được văn hóa cồng chiêng.
Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, năm 2024 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức, đã thành công tốt đẹp.
Lễ bế mạc Liên hoan diễn ra vào chiều 1/9 tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng KoTam.
Tham gia Liên hoan, 13 đoàn nghệ nhân đến từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành tốt các nội dung thi diễn, mang đến cho khán giả nhiều tiết mục hay, đặc sắc và quảng bá được văn hóa cồng chiêng, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của nhân dân và du khách.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Thái Hồng Hà cho biết tham gia Liên hoan có gần 600 nghệ nhân dân gian, độ tuổi từ 8-86 tuổi, trong đó số nghệ nhân dưới 35 tuổi chiếm gần 1/2, điều đó đã phần nào thể hiện được tính phát huy và kế thừa di sản văn hóa trong cộng đồng.
Nhìn chung, các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan với tinh thần vui tươi, phấn khởi.
Liên hoan là dịp để các nghệ nhân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu văn hóa nghệ thuật dân gian gắn với diễn tấu cồng chiêng, tăng tình đoàn kết các dân tộc; tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, khích lệ các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tiếp tục bảo tồn và phát huy Không gian văn hóa Cồng chiêng trong thời gian tới.
Ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh Hội đồng thẩm định Liên hoan gồm các nghệ nhân, nhạc sỹ ưu tú, nhà nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian, làm việc với sự công tâm, khách quan.
Các đoàn nghệ nhân tham gia Liên hoan có sự chuẩn bị nội dung công phu, được công chúng, Hội đồng thẩm định đánh giá cao.
Các đơn vị đã đăng ký nhiều tiết mục phong phú, độc đáo và mang tính đặc trưng, thể hiện được tính kế thừa.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Vũ Lân, Nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Liên hoan, so với các lần trước, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3, năm 2024 diễn ra với nhiều kết quả tích cực, hiệu quả cao.
Trong các tiết mục trình diễn tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội, nhiều đoàn nghệ nhân đã tìm hiểu phong tục của địa phương, dân tộc rất chi tiết, tái hiện phong phú, sôi động qua các tiết mục như: Lễ cúng rước hồn lúa về kho của dân tộc Mnông Gar (Đoàn nghệ nhân huyện Lắk), Cúng tuốt lúa (Đoàn nghệ nhân huyện Krông Bông), Lễ cúng trưởng thành (Đoàn nghệ nhân huyện Krông Năng), Lễ kết nghĩa mẹ con (Đoàn nghệ nhân thành phố Buôn Ma Thuột).
Những nghi lễ, lễ hội dân gian này là môi trường sống động cho văn hóa cồng chiêng tồn tại và thể hiện bản sắc của mình.
Bên cạnh đó, tại Liên hoan lần này đã xuất hiện rất nhiều bộ chiêng chuẩn, âm thanh tốt, cùng với sự biểu diễn tài năng của các nghệ nhân đã mang đến nhiều tiết mục hay, sôi động.
Đặc biệt, sự xuất hiện của các thế hệ trẻ trình bày chiêng tre (Ching Kram) với âm thanh chuẩn, cho thấy sức sống mới của văn hóa cồng chiêng đang được tiếp nối, phát huy.
Một thành công khác là nhiều nhạc cụ dân gian truyền thống được phục dựng, cải biên, cải tiến và biểu diễn tại Liên hoan lần này, trong đó có nhạc cụ đã thất lạc từ năm 1993.
Ngoài ra, Liên hoan có sự tham gia của rất nhiều điệu múa và giữ vững được sức lôi cuốn, thể hiện sự vui nhộn với sự tham gia của cồng chiêng; đồng thời có nhiều bài dân ca hay được trình diễn tại Liên hoan.
Tuy nhiên, Liên hoan còn gặp phải một số hạn chế như một số đoàn nghệ nhân chưa đầu tư, nghiên cứu kỹ lễ nghi, phong tục truyền thống, điệu múa dân gian; nghệ nhân trẻ múa xoang bị trật nhịp, ngược nhịp.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao một giải nhất, hai giải nhì và ba giải ba cho các đoàn có thành tích cao.
Đoàn nghệ nhân huyện Lắk xuất sắc đạt giải Nhất toàn đoàn; Đoàn nghệ nhân huyện Krông Năng và Đoàn nghệ nhân thành phố Buôn Ma Thuột đạt giải Nhì toàn đoàn.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn trao giải cho 30 tiết mục xuất sắc theo hạng A, B, C ở 5 nội dung: Diễn tấu bài cồng chiêng truyền thống với bộ cồng chiêng đồng; diễn tấu các nhạc cụ dân tộc kết hợp với cồng chiêng; biểu diễn múa truyền thống kết hợp với diễn tấu chiêng hoặc có phụ họa nghi thức lễ hội dân gian; biểu diễn hát dân ca; trình diễn tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội.
Đồng thời, Ban tổ chức còn trao các giải phụ: nghệ nhân nam trẻ tuổi nhất, nghệ nhân nữ trẻ tuổi nhất, nghệ nhân lớn tuổi nhất, nghệ nhân xuất sắc toàn diện./.