Kinh tế

Dấu ấn vùng trồng ở Đắk Nông

Trần Thị Thoan 03/09/2024 06:19

Nhiều vùng trồng ở Đắk Nông đã khẳng định được dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, bền vững hơn.

ADQuảng cáo

Tạo sự khác biệt

Năm 2024, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Trường Thịnh, xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp vừa có một mùa vụ sầu riêng khá thành công.

Theo ông Phạm Văn Trường, Giám đốc HTX, đến cuối tháng 8/2024, việc xuất khẩu rầu siêng của HTX đã hoàn thành theo kế hoạch dự kiến, đạt trên 1.000 tấn. HTX bán sầu riêng với giá dao động từ 70.000-73.000 đồng/kg, cao hơn năm 2023 khoảng 3.000 đồng/kg. Trung bình mỗi hộ dân liên kết với HTX có mức lãi hàng trăm triệu đồng từ sầu riêng.

z5759244040925_8a514b77fab42c4e4a546d184b98045c(1).jpg
Năm 2024, HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Trường Thịnh, xã Hưng Bình, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) tăng quy mô liên kết sản xuất

Để có được kết quả này, hợp tác xã, xã viên, hộ dân liên kết đã có những sự chuẩn bị từ nhiều năm trước. Theo đó, các hộ dân đồng lòng thực hiện những tiêu chuẩn, kỹ thuật về sản xuất tốt, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu sầu riêng Trung Quốc.

HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Trường Thịnh là một trong những đơn vị có số lượng mã vùng trồng, diện tích vùng trồng phục vụ xuất khẩu sầu riêng lớn tại Đắk Nông.

Hiện HTX đã có liên kết với hàng chục hộ dân sản xuất sầu riêng tại Đắk Nông, Bình Phước, với diện tích đạt trên 300ha, tăng gần 100ha so với năm trước. Trong đó, 20 hộ dân ở Đắk Nông liên kết với HTX được cấp mã vùng trồng, với diện tích 65ha.

HTX đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm tăng mã vùng trồng bằng nhiều hình thức. Cụ thể, HTX bám sát các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, địa phương về xây dựng vùng trồng.

HTX chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất và các điều kiện khác để vượt qua các vòng kiểm tra, kiểm soát về quy trình, chất lượng sản phẩm. Thành viên liên kết luôn chủ động, có trách nhiệm cao, tạo điều kiện cho HTX có mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn.

Sầu riêng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ cho người dân huyện Đắk R
Sầu riêng là cây trồng mang lại nguồn thu nhập tiền tỷ cho người dân huyện Đắk R'lấp

Theo bà Nguyễn Thị Lương, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, năm 2024 tiếp tục là năm mà địa phương đạt kết quả cao trong hoạt động cấp mã số vùng trồng.

Đến nay, huyện có 23 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhiều mã vùng trồng tăng quy mô, nhà xưởng, công suất. Việc được cấp mã đã tạo thêm một bước tiến mới cho ngành Nông nghiệp huyện trong quá trình phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.

Tương tự, hiệu quả của các mã vùng trồng ở TP. Gia Nghĩa trong năm 2024 cũng rõ nét. Ông Bùi Quốc Việt, thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có khoảng 1.000 cây sầu riêng giống Dona trồng thuần, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 tấn quả.

Năm 2024, mã vùng trồng xuất khẩu tiếp tục mang đến cho ông Việt thêm nhiều thuận lợi trong sản xuất sầu riêng. Ông được hưởng lợi cao hơn về giá bán, không chịu tác động lên xuống của giá thị trường.

Năm 2024, nhiều nông dân Đắk Nông thu tiền tỷ từ sầu riêng
Năm 2024, nhiều nông dân Đắk Nông thu tiền tỷ từ sầu riêng

Theo ông Việt, để đạt tiêu chuẩn vùng trồng, nhiều năm nay, ông đã canh tác sầu riêng theo quy trình VietGAP. Ông tuân thủ nhiều quy tắc nhằm bảo đảm chất lượng sầu riêng như hạn chế phun xịt hóa chất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, bảo đảm an toàn thực phẩm. “Mỗi trái sầu riêng của tôi sản xuất đều theo quy trình an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học, hữu cơ là chủ yếu. Sau khi thu hái, sầu riêng đều được vệ sinh sạch sẽ, đóng gói cẩn thận và gắn tem truy xuất nguồn gốc, gắn mã vùng trồng”, ông Việt cho biết thêm.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông cho biết, năm 2024, các mã vùng trồng của tỉnh tiếp tục được ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát về bảo đảm đạt các yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Nhiều mã vùng trồng đã chứng tỏ sự khác biệt, có dấu ấn rõ nét hơn về tổ chức sản xuất, liên kết, chất lượng sản phẩm, thu nhập của nông hộ... so với sản xuất thông thường.

Điều này đã và đang có tác dụng lan tỏa rất tích cực đối với quá trình phát triển nông nghiệp tốt, đạt các chứng nhận phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Các vùng trồng sầu riêng có mã xuất khẩu đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn so với các khu vực xung quanh
Các vùng trồng sầu riêng có mã xuất khẩu đều có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn so với các khu vực xung quanh

Nhiều mã vùng trồng đã được xây dựng từ sự kỳ công của chính chủ thể cũng như sự chung tay của ngành chức năng. "Sự nỗ lực đó bước đầu đã nhận được quả ngọt, tạo niềm tin, động lực mạnh mẽ cho những bước đường tiếp theo", ông Anh cho hay.

Mục tiêu 648 mã vùng trồng

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, Đắk Nông hiện có 47 mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, với các sản phẩm chính như: sầu riêng, xoài, chanh dây, khoai lang, bơ, bưởi...

Sản phẩm các mã vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ.... Qua kiểm tra, giám sát của Sở Nông nghiệp - PTNT cho thấy, các mã vùng trồng đã tuân thủ tốt các yêu cầu, quy định của nước nhập khẩu về sản xuất nông nghiệp tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã có sự đầu tư cải tiến công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng giá trị nông sản, tạo chuỗi hàng hóa bền vững, hài hòa các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường.

Các vùng trồng đã tạo được dấu ấn riêng, nổi bật so với khu vực xung quanh. Mã vùng trồng tạo động lực, khí thế mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương.

img_8923.jpg
Nhiều hộ dân, doanh nghiệp Đắk Nông đã đầu tư mở rộng, hiện đại kho xưởng đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng, cấp các mã vùng trồng phục vụ nhu cầu trong nước, đồng thời làm tiền đề cho vùng trồng xuất khẩu. Tỉnh ưu tiên cấp 148 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu với diện tích trên 7.400ha.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai cấp 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích trên 9.900ha.

Ngoài ra, Đắk Nông sẽ cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ, với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.

Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các giải pháp về nâng cao trách nhiệm của chính quyền, sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hữu quan, phát huy vai trò của người sản xuất và doanh nghiệp trong xây dựng vùng trồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn vùng trồng ở Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO