Đắk Nông sẵn sàng vào năm học mới
Ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã cơ bản hoàn tất các khâu chuẩn bị, sẵn sàng bước vào năm học mới 2024 - 2025.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Năm học mới 2024-2025, Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong dự kiến có khoảng 600 học sinh theo học ở 20 lớp. Cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường đón năm học mới với nhiều khí thế, niềm vui khi được đầu tư xây mới 6 phòng học kiên cố. Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc Thái Mai Thịnh cho biết: “Năm học 2024-2025 là năm học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 5. Nhờ được xây mới các phòng học nên trường bảo đảm được nhu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/tuần theo quy định”.
Nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho năm học mới, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp học. Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, chủ động tham mưu với chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để mua sắm, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, thay thế các thiết bị hỏng, cũ, bổ sung các trang thiết bị còn thiếu trong nhà trường bảo đảm các điều kiện dạy và học, nhất là các điều kiện về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Thống kê, năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 370 cơ sở giáo dục ở các bậc học. Từ các nguồn vốn khác nhau, năm học 2024-2025, ngành Giáo dục được đầu tư khoảng 335,58 tỷ đồng, trong đó 324,26 tỷ đồng xây mới phòng học, cải tạo sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.
Nhiều địa phương ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư xây mới, sửa chữa trường lớp học để đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Điển hình như huyện Đắk Glong là đơn vị có số kinh phí đầu tư lớn nhất với trên 120,25 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí này, huyện Đắk Glong đã xây mới 44 phòng học, 46 phòng học bộ môn, 1 nhà hiệu bộ, 6 nhà đa năng và sửa chữa các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật ở các trường và các công trình phụ trợ khác.
Huyện Đắk Song cũng đã ưu tiên bố trí khoảng 33,7 tỷ đồng xây mới 14 phòng học, 4 phòng chức năng, 1 nhà hiệu bộ, 2 nhà bảo vệ, cải tạo 36 phòng học, 1 nhà bếp, 2 khu giáo dục thể chất, nhà vệ sinh giáo viên, 1 nhà vệ sinh học sinh, 1 nhà bảo vệ, cổng, hàng rào và mương thoát nước…
Bảo đảm các điều kiện
Năm học mới 2024-2025, Trường mầm non Họa Mi ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa có khoảng 300 trẻ theo học. Để bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên đã phối hợp với phụ huynh tổ chức lao động tổng vệ sinh lớp học, trồng hoa và cây xanh ở khuôn viên dãy phòng học mới.
Giáo viên các lớp tổ chức làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ bằng các vật liệu tái chế. Từ cổng trường, sân trường vào lớp học đều được nhà trường trang trí bằng các đồ dùng, đồ chơi ngộ nghĩnh, dễ thương nhằm tạo ấn tượng và thu hút trẻ khi tựu trường, khai giảng. Các đồ dùng, đồ chơi, ghế đá ở sân trường cũng được khoác lên áo mới khi giáo viên sơn lại bằng những màu sắc, hình ảnh con vật hay cỏ cây hoa lá đẹp mắt. Phó hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “Ngay từ đầu tháng 8, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tham gia các công việc chuẩn bị cho năm học mới và đến nay đã cơ bản xong, sẵn sàng đón trẻ đến trường. Công tác tuyển sinh các khối lớp cũng đã cơ bản hoàn thành”.
Hiện nay, ngành Giáo dục đã thực hiện các gói thầu mua sách vở cho học sinh dân tộc, mua sắm thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến với số kinh phí là 11,32 tỷ đồng.
Sở GD-ĐT thực hiện quy trình mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp 5, 9, 12 và mua sắm thiết bị bổ sung cho các lớp còn lại. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục chủ động tuyên truyền phụ huynh học sinh kịp thời mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho con em, kêu gọi đóng góp xã hội hóa về sách giáo khoa, vở viết, phấn đấu đầu năm học mới toàn bộ học sinh có đủ sách giáo khoa.
Chuẩn bị đội ngũ
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành Giáo dục đã tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán ở các bậc học. Sau khi được tập huấn, đội ngũ cốt cán triển khai tập huấn cho giáo viên nhà trường cập nhật những kiến thức chuyên môn mới, nhất là các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. 100% cán bộ, giáo viên cũng đã được tham gia các lớp học chính trị trong dịp hè.
Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho biết: “Đến nay, công tác bồi dưỡng chính trị hè năm 2024 cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường đã hoàn thành. Qua đó, giúp cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nắm vững những nội dung cơ bản, điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; một số nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Thành ủy có liên quan đến công tác khoa giáo. Đây là cơ sở để cán bộ, giáo viên vận dụng sáng tạo, phù hợp vào công tác giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong tình hình mới”.
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Giáo dục là tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã có những phương án chuẩn bị cơ bản nhằm khắc phục khó khăn, bảo đảm nhu cầu dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Ngành Giáo dục đã tiến hành rà soát nhu cầu giáo viên năm học mới. Trên cơ sở đó, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện một số giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương như: dồn lớp, luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, bố trí nhân viên và giáo viên phụ trách giảng dạy nhiều trường gần nhau trong cùng khu vực… Sở đề nghị các địa phương nhanh chóng tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo quy định nhằm bổ sung thêm số lượng giáo viên còn thiếu hiện nay. Sở GD-ĐT cũng đã kiến nghị các cấp bổ sung thêm biên chế giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu dạy, học về lâu dài”.
Cũng theo ông Hải, để bảo đảm mọi điều kiện tổ chức năm học mới, UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ở các huyện, thành phố, từ đó đã kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, địa phương khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay về cả nhân lực và vật lực.