Soạn bài và văn mẫu Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà) | Văn mẫu lớp 9
Bài văn mẫu lớp 9: Phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà) bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn ngữ văn 9
- 1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
- Tác giả Lê Anh Trà (1927 – 1999)
- Hoàn cảnh sáng tác
- Bố cục: 3 phần
- Giá trị nội dung
- Giá trị nghệ thuật
- 2. Dàn ý chung phân tích bài thơ tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
- A. Mở bài
- B. Thân bài
- C. Kết bài
- Viết đoạn văn phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh
- Viết đoạn văn nghị luận về một nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh
- Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về những điều em học tập được từ phong cách Hồ Chí Minh
- Từ văn bản Phong cách Hồ Chí Minh viết đoạn văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa thế giới
- Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về Phong cách Hồ Chí Minh
- Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?
- Danh sách đề thi phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
- Đề 1: Phân tích tác phẩm phong cách Hồ Chí Minh chọn lọc, hay nhất
- Đề 2: Dấu ấn độc đáo trong tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh
1. Tìm hiểu chung về tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
Tác giả Lê Anh Trà (1927 – 1999)
- Lê Anh Trà sinh năm 1927, mất năm 1999.
- Quê ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
– Lê Anh Trà vừa được biết đến là một nhà quân sự, vừa được biết đến là một nhà văn, nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu
– Trong thời kì kháng chiến chống Pháp, Lê Anh Trà từng giữ trị trí Chủ tịch liên đoàn Văn hóa Cứu quốc ở Quảng Ngãi. Đồng thời, ông cũng giữ nhiều vai trò quan trọng trong một số tờ báo cổ động Cách mạng như biên tập báo “Tiến hóa” hay thư ký tòa soạn báo “Cứu quốc”.
– Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, Lê Anh Trà giữ cương vị cán bộ liên hiệp đình chiến liên khu 5, cán bộ Ban thống nhất trung ương và Tổng biên tập tạp chí “Văn hóa nghệ thuật”.
– Trong suốt sự nghiệp sáng tác và hoạt động văn hóa, Lê Anh Trà đã được nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhì; Huy hiệu chiến sĩ văn hóa….
Hoàn cảnh sáng tác
Phong cách Hồ Chí Minh được trích từ “Phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái giản dị, trong Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam” của Viện Văn hóa xuất bản, Hà Nội, 1990.
Bố cục: 3 phần
Phần 1: Từ đầu đến... rất hiện đại": nền tảng hình thành lên phong cách Hồ Chí Minh
Phần 2: Từ đoạn tiếp đến ".... hạ tắm ao": Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua vẻ đẹp lối sống và làm việc;
Phần 3 Đoạn còn lại: Bài học rút ra từ phong cách Hồ Chí Minh
Giá trị nội dung
Qua “Phong cách Hồ Chí Minh”, người đọc thấy được vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa nét văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại.
Giá trị nghệ thuật
Hình ảnh chọn lọc và tiêu biểu, sử dụng từ Hán Việt, trích dẫn thơ…
2. Dàn ý chung phân tích bài thơ tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
A. Mở bài
Giới thiệu khái quát về tác giả Lê Anh Trà, văn bản Phong cách Hồ Chí Minh.
B. Thân bài
1. Nền tảng hình thành lên phong cách Hồ Chí Minh
a. Phong cách Hồ Chí Minh là gì?
Nhắc đến phong cách Hồ Chí Minh là nhắc đến những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh. Chúng được thể hiện qua: phong cách làm việc, phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.
Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách chứa đựng một cái tâm sáng, đạo đức cao đẹp, trí tuệ minh mẫn, và hành xử đúng mực. Hơn nữa, phong cách Hồ Chí Minh không được hình thành với mục đích ngợi ca, chiêm ngưỡng, mà có vai trò như một tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo.
Trên thực tế, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy điều mình cần học hỏi từ phong cách Hồ Chí Minh. Từ lao động chân tay đến trí óc, từ già đến trẻ, từ người tu hành đến các chính khách, thương gia đều có thể học tập và áp dụng phong cách sống mà Bác theo đuổi. Thậm chí ngay cả người nước ngoài cũng có thể tìm thấy nét tương đồng giữa phong cách của bản thân với phong cách Hồ Chí Minh.
Những biểu hiện của phong cách Hồ Chí Minh đều được xây dựng thống nhất với tư tưởng, đạo đức của Người. Qua đó, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, giúp thể hiện một nhân cách lớn, trí tuệ lỗi lạc và đạo đức trong sáng. Đó là nét đẹp đáng ngưỡng mộ trong lối sống của một vĩ nhân, một nhà văn hóa lớn, một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.
b. Phong cách Hồ Chí Minh được hình thành như thế nào?
Cơ sở hình thành phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là từ quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của Người:
– Hồ Chí Minh có nền tảng tri thức văn hoá nhân loại sâu rộng. Điều này có được nhờ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Người. Để tìm ra con đường cứu nước, Người đã học tập và làm việc tại rất nhiều quốc gia khác nhau, từ Đông sang Tây, từ châu Á sang châu Âu, thậm chí là cả châu Mỹ, châu Phi:
Vốn tri thức mà Người có được, xuất phát từ năng lực và quyết tâm trau dồi không ngừng nghỉ:
– Để giao tiếp được với bản xứ, trước khi đến một đất nước nào đó, Người chủ động học nói và viết thứ tiếng nước đó. Nhờ vậy mà sau nhiều năm bôn ba, Người đã thành thạo rất nhiều ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Nga, Hoa …. Điều này được minh chứng qua nhiều lần tham gia đàm phán tại nước ngoài và trực tiếp sử dụng ngôn ngữ của nước sở tại.
⇒ Việc thông thạo nhiều thứ tiếng đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình tìm đường cứu nước và lãnh đạo cách mạng của Người
– Người chủ động học hỏi từ thực tiễn, thông qua các công việc lao động thường ngày. Theo ghi chép để lại, trên hành trình cứu nước, Người đã trải nghiệm gần 20 công việc khác nhau. Từ làm nông, công nhân, thợ máy, cho đến trí thức, thương gia, tất cả đều đã từng có mặt trong hành trình cứu nước của Người.
⇒ Từ việc đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, Người đã tiếp nhận được những giá trị chung và mới của nhân loại để tìm ra con đường cứu nước phù hợp với nước mình. Làm sao để vừa tương thích với hoàn cảnh cụ thể của nước mình, vừa hài hòa với sự vận động, xu thế phát triển của thế giới
– Người đi đến đâu cũng tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật của nước đó một cách sâu sắc, uyên thâm
Quá trình hình thành phong cách Hồ Chí Minh là quá trình tiếp thu có chọn lọc từ những tinh hoa văn hóa nhân loại của Bác:
– Với Bác, việc đi ra nước ngoài mang nhiều ý nghĩa. Bác đã đi khắp các châu lục, học tập, nghiên cứu, khảo sát và chỉ chọn lọc, tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh có thể áp dụng vào văn hóa của nước mình. Bác học từ thực tiễn các cuộc đấu tranh cách mạng ở nhiều nước, mở rộng tầm nhìn và làm giàu hiểu biết về các giá trị văn hóa, hướng tới mục tiêu vì sự giải phóng dân tộc.
⇒ Phong cách của Hồ Chí Minh được hình thành qua quá trình tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài một cách có chọn lọc. Bác không để văn hóa tác động tới mình, không ảnh hưởng thụ động. Thay vào đó, Người chọn tiếp thu những cái hay, cái đẹp, song song với phê phán những hạn chế, tiêu cực của chủ nghĩa tư bản.
⇒ Phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa của giá trị văn hóa truyền thống và tinh thần quốc tế. Đó là một phong cách đậm chất Việt Nam, rất phương Đông, rất bình dị nhưng cũng rất hiện đại.
2. Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua vẻ đẹp trong lối sống và làm việc
Vẻ đẹp phong cách của Bác thể hiện qua nơi ở và làm việc đơn sơ và giản dị. Tuy giữ vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng nơi ở của Bác không hề cầu kỳ:
– Một căn nhà sàn gỗ nhỏ, chia thành vài phòng khác nhau
– Ngôi nhà nằm cạnh một hồ ao sen, mang đậm nét đặc trưng của làng quê Việt Nam
– Đồ đạc của Bác không nhiều, đã vậy còn mộc mạc, đơn sơ
⇒ Một nơi ở đặc biệt của một vị lãnh tụ mà không thể tìm ở bất cứ đâu trên thế giới này. Chẳng ai nghĩ rằng, một vị lãnh tụ lại có một nơi ở đơn sơ, mộc mạc đến vậy. Từ đó càng chứng minh cho sự giản dị trong phong cách của Bác.
Phong cách Hồ Chí Minh còn thể hiện qua trang phục giản dị và bữa ăn đạm bạc thường ngày:
– Tư trang của Bác hết sức ít ỏi: chỉ vài bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ. Đó là những trang phục hết sức bình thường của mọi người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
– Những món ăn trong bữa cơm của Bác rất đạm bạc: cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối. Đây đều là những món ăn thường ngày của người nông dân Việt Nam.
=> Đối lập với hình ảnh vị “anh hùng dân tộc” mà người đời hay gọi, đời sống vật chất của Bác lại tối giản ở mức tối đa. Sự giản dị trong phong cách sống dường như phản chiếu chiều sâu văn hóa mà Bác đã tích lũy, thể hiện một quan điểm sống đẹp đẽ, lành mạnh. Cho thấy cái đẹp không nằm trong sự cầu kỳ mà nằm ở sự dung dị, gần gũi và đời thường.
3. Bài học rút ra từ phong cách Hồ Chí Minh
Phong cách sống của Bác tuy giản dị nhưng lại vô cùng thanh cao, giản dị nhưng không hề giản đơn:
– Bác có tư tưởng sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, một tâm hồn sáng, đạo đức trong sạch, với trải nghiệm đời sống vô cùng phong phú
– Phong cách học tập chủ động, dựa trên bản chất và sáng tạo thay vì máy móc, bắt chước làm theo
– Bác luôn hướng cái tâm, cái đức, cái tình và cái trí của mình để phục vụ nhân dân, làm cho dân hài lòng về công bộc của mình
– Phong cách sống của Bác không phải do thần thánh hóa, không xuất phát từ mong muốn tự làm cho khác đời, hơn đời
– Phong cách sống của Bác chính là tìm ra cái đẹp trong sự giản dị, tự nhiên và đời thường, trong sức mạnh của nội tại
⇒ Ta có thể bắt gặp phong cách Hồ Chí Minh – phong cách sống mang hồn dân tộc trong cuộc đời của các vị hiền triết trong lịch sử dân tộc Việt Nam như Nguyễn Trãi, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
C. Kết bài
Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”.
Viết đoạn văn phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh
Viết đoạn văn nghị luận về một nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh
Bác Hồ kính yêu được xem là bậc đại trí, đại nhân của dân tộc Việt Nam với những phẩm chất tuyệt vời từ trong con người Bác. Đã có bao tác phẩm thi ca nhạc họa ra đời để bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn và ca ngợi lối sống của vị cha gìa kính yêu của chúng ta. Và nét độc đáo nhất trong phong cách Hồ Chí Minh có lẽ chính là sự kết hợp hài hòa những phẩm chất tất khác nhau, thống nhất trong một con người. Đó là truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây, xưa và nay, dân tộc và quốc tế, vĩ đại và bình dị. Đó là sự kết hợp và thống nhất hài hòa bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Một mặt là tinh hoa con Lạc cháu hồng đúc nên Người, mặt khác tinh hoa nhân loại cũng góp phần làm nên phong cách Hồ Chí Minh. Bác tiếp thu chọn lọc, chắt chiu những tinh hoa của nhân loại để làm phong phú thêm lối sống của mình nhưng không Bao giờ Bác rời xa lối sống bình dị, phương đông - nơi Người đã sinh ra và lớn lên. Đó chính là một nét đẹp lớn, là sự tiếp thu biết chắt lọc vốn văn hóa nhân loại và đây cũng chính là bài học lớn cho mỗi người trên bước đường hội nhập với năm châu.
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về những điều em học tập được từ phong cách Hồ Chí Minh
Nổi bậc nhất trong phong cách hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa lối sống giản dị và khí tiết thanh cao. Đây không phải lối sống kham khổ của những người tự tìm vui trong cảnh nghèo, giản dị mà không sơ sài, đạm bạc không gợi cảm giác cơ cực. Từ cách bài trí cho đến ăn ở, sinh hoạt hằng ngày đều thể hiện sự thanh thản, ung dung. Bản lĩnh, ý chí của một người chiến sĩ cách mạng đã hòa nhập cùng tâm hồn nhà thơ lớn. Vẻ đẹp tâm hồn Người có sự hòa quyện rất mạnh giữa lãng mạn với hiện thực. Bởi thế, tuổi trẻ ngày nay học tập từ phong cách Hồ Chí Minh là cần xây dựng một lối sống giản dị, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Giản dị từ cách sống, cách làm việc, lời nói và trong ứng xử với người khác. Biết tiết kiềm sức lao động, tiết bạc, không xa hoa, lãng phí, không đua đòi, đố kị lẫn nhau. Xây dựng lối sống giản dị là để sống hòa hợp với thế giới xung quanh, chuyển biến của thời đại và gìn giữ phẩn cách chứ không phải làm cho có, để khoe mẽ hay chạy theo xu thế. Ngoài ra, cũng cần tích cực, chủ động trong việc tiếp thu tri thức và văn hóa nhân loại, đặc biệt là qua việc trau dồi vốn ngoại ngữ… Tiếp thu cái mới, cái hiện đại nhưng phải giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Sống giản dị là lối sống thanh cao, thể hiện bản lĩnh sống mạnh mẽ, tích cực và phù hợp với thời đại ngày nay. Khi thiên nhiên suy kiệt và các giá trị truyền thống đang bị tàn phá nghiêm trọng, đạo đức suy thoái khó cứu vãn, sống giản dị là một trong những cách sống đáng lựa chọn nhất đối với tuổi trẻ ngày nay.
Từ văn bản "Phong cách Hồ Chí Minh" viết đoạn văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập văn hóa thế giới
Để đứng vững và phát triển xuyên suốt quá trình dựng nước và giữ nước, bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mỗi một quốc gia đều phải coi trọng việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Vai trò, ý nghĩa to lớn của bản sắc văn hóa đối với sức sống mạnh mẽ và bền bỉ của mỗi một dân tộc đã đặt ra vấn đề về vai trò của giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với mỗi một quốc gia, dân tộc. Trước hết, bản sắc chính là cái gốc, cái hồn cốt lõi khẳng định sự tồn tại của mỗi một quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hòa nhập vào nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò vị trí của bản sắc văn hóa dân tộc càng được khẳng định hơn nữa và gắn bó mật thiết với trách nhiệm của thế hệ trẻ. Là những chủ nhân tương lai của đất nước, thế hệ thanh thiếu niên học sinh Việt Nam đã và đang phát huy bản sắc dân tộc bằng những việc làm tích cực. Mặc dù có sự du nhập và tác động từ văn hóa nước ngoài nhưng không ít bạn trẻ vẫn tìm về với những giá trị truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như những trò chơi dân gian, những loại hình văn hóa dân gian như ca trù, nhã nhạc cung đình,... đặc biệt là không ngần ngại quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống ở cả vật chất cũng như tinh thần; và đề cao những giá trị văn hóa du nhập ở nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại vượt ngưỡng cho phép. Chẳng hạn như việc các bạn trẻ vô tư sử dụng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ vào tiếng Việt, tạo nên những cách diễn đạt khó hiểu và ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Những hành động đó đã vô tình tác động xấu đến việc duy trì, phát huy nền văn hóa dân tộc. Thế hệ trẻ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp này. Chúng ta còn cần lên án, phê phán những hành vi làm mai một bản sắc dân tộc, và có thái độ đấu tranh mạnh mẽ để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trong xã hội hiện nay.
Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về Phong cách Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Cả cuộc đời Người là tấm gương sáng về sự tận tụy, đức hy sinh vì nước, vì dân, không một chút riêng tư. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thống kê trong di sản Hồ Chí Minh để lại có tới gần 50 tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh gồm 5 nội dung lớn, đó là những phẩm chất của một lãnh tụ vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, rất cao xa nhưng cũng rất đời thường mà mỗi chúng ta ở những mức độ và cấp độ khác nhau đều có thể học tập và noi theo. Một là, tấm gương trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại. Hai là, tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt mục đích cách mạng. Ba là, tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Bốn là, tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, bao dung, nhân hậu hết mực vì con người. Năm là, tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường. Có thể nói, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và toàn diện, bao gồm phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt… Để học tập phong cách của Người, chúng ta có thể tập trung vào một số đặc trưng nổi bật như: phong cách quần chúng, phong cách khoa học và phong cách nêu gương.
Qua văn bản Phong cách Hồ Chí Minh của Lê Anh Trà, em hãy viết đoạn văn cho biết tại sao Hồ Chí Minh có được một vốn văn hoá nhân loại sâu rộng và phong phú?
Hồ Chí Minh có một vốn tri thức văn hoá nhân loại sâu rộng. Đó là những hiểu biết uyên thâm về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hoá thế giới từ Đông sang Tây, từ văn hoá các nước châu Á, châu Âu cho đến châu Phi, châu Mĩ. Đế có được vốn tri thức văn hoá sâu rộng ấy, Người đã không ngừng học tập để nói và viết thạo nhiều thứ tiếng nước ngoài như: Pháp, Anh, Hoa, Nga... Người cũng đi nhiều nơi, làm nhiều nghề - tức là học hỏi từ thực tiễn và lao động, không gò ép bản thân trong khuôn khố của sách vô và những giáo lí khô khan. Qua đó, tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật của các khu vực khác nhau trên thế giới một cách sâu sắc, uyên thâm. Hơn thế, trong việc học hỏi, trau dồi vốn tri thức văn hoá, Hồ Chí Minh đã thể hiện một phương châm đúng đắn: “đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản,... Những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại". Tức là chủ động lựa chọn, tiếp thu những thành tựu văn hoá của nhân loại một cách có phê phán dựa trên nền tảng căn bản của văn hoá dân tộc. Con đường học tập vốn văn hoá nhân loại ở Hồ Chí Minh là một bài học lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay.
Danh sách đề thi phân tích tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh (Lê Anh Trà)
Đề 1: Phân tích tác phẩm phong cách Hồ Chí Minh chọn lọc, hay nhất
Đề 2: Dấu ấn độc đáo trong tác phẩm "Phong cách Hồ Chí Minh"
Đề 1: Phân tích tác phẩm phong cách Hồ Chí Minh chọn lọc, hay nhất
Lê Anh Trà sinh năm 1927, mất năm 1999 ông được biết đến là một nhà quân sự vừa là nhà văn, nhà hoạt động văn hóa tiêu biểu. Qua các thời kì ông đã tùng nắm giữ những chức vụ và vai trò quan trọng trong Đảng và nhà nước như trong thời kì kháng chiến chống Pháp ông từng là chủ tịch liên đoàn văn hóa Cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi. Thời kì kháng chiến chông Mỹ ông từng là: Cán bộ liên hiệp đình chiến liên khi 5, cán bộ thống nhất trung ương và Tổng biên tập tạp chí "văn hóa nghệ thuật" . Trong sự nghiệp hoạt động của mình ông được nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống pháp hạng Nhì,...
Tác phẩm Phong cách Hồ Chí Minh là đoạn trích trong tác phẩm "phong cách Hồ Chí Minh, cái vĩ đại gắn với cái cao cả" được in trong quấn sách Hồ Chí Minh về văn hóa Việt Nam. Tác phẩm gây ấn tượng với người đọc bằng lối hành văn mạch lạc, rõ ràng sử dụng thể loại văn bản nhật dụng kết hợp với phương thức biểu đạt thuyết minh, nghị luận tự sự đã làm cho tác phẩm trở nên dễ đi tâm thức người đọc và giúp người đọc hiểu hơn về một nhân cách vĩ đại của Người cha già của dân tộc Việt Nam. Đoạn trích có bố cục 3 phần Phần 1: Nền tảng hình thành phong cách Hồ Chí Minh, phần 2: tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua vẻ đẹp trong lối sống và làm việc, phần 3 Bài học rút ra từ phong cách Hồ Chí Minh.
Trước hết khi phân tích về phong cách Hồ Chí Minh ta cần phân tích cơ sở hình thành nên phong cách của Người. Năm 1911 Bác ra đi tìm đường cứu nước. Trong cuộc cách mạng đầy gian nan và vất vả Bác Hồ đã đi quan nhiều nơi tiếp xúc với nhiều nền văn hóa từ phương đông đến phương Tây và đã thu được vốn tri thức sâu rộng. Người chủ động học tập các ngôn ngữ sở tại, làm các công việc khác nhau ở các quốc gia khác nhau như làm thợ máy, phụ bếp, thương gia,... Từ việc đi nhiều nơi làm nhiều nghề người đã tích lũy được những gía trị chung của cuộc sống để tìm ra con đường cứu nước phù hợp với nước mình vừa tương thích với tình hình tổ quốc vừa hài hòa, phù hợp với sự vận động chung của thế giới. Người luôn tìm hiểu văn hóa các nước một cách rõ ràng và uyên thâm từ đó tạo nên tư tưởng rất riêng của Hồ Chí Minh. Nhưng trong quá trình hình thành phong cách của Người đều có sự chọn lọc tiếp thu các giá trị văn hóa có thể áp dụng vào văn hóa của nước mình. Với Bác Việc ra đi nước ngoài mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Người đi khắc năm châu học tập và tiếp thu văn hóa ở nhiều nơi và từ đó mở rộng tầm nhìn tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp. Phong cách của Người được hình thành từ những giá trị văn nước ngoài một cách có chọn lọc . Phong cách của Người là sự kết hợp hài hòa giữa giá tri văn hóa tuyền thống và tinh thần quốc tế. Đó là phong cách đậm chất Việt Nam, rất bình dị nhưng cũng rất hiện đại
Tư tưởng đạo đức, phong cách của Người được thể hiện trong lối sông của Bác. Bác làm việc ở nơi làm việc rất đơn sơ và giản dị. Tuy là chủ tịch nước nhưng Bác làm việc ở nhà sàn nhỏ với hồ ao sen mang đậm nét thơ mộng và bình yên của làng quê Việt Nam. Người ăn mặc giản dị với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp. Những món ăn thường ngày đều là những món ăn bình dị quen thuộc với làng quê Việt Nam như cá kho, dưa góp, cà muối,... Đố lập với hình ảnh một vị lãnh tụ cuộc sông của người hết sực giản dị như một lão nông đang hằng ngày cống hiên sức mình gieo những mầm xanh hòa bình, độc lập và ấm no cho giải đất hình chữ S này.
Phong cách sống của Bác thật giản dị thanh cao. Phong cách ấy không phải là một sự thần thánh hóa làm cho mình khác đời. Phong cách ấy là phong cách sống với cái đẹp, sự giản dị tự nhiên. Phong cách của Người mang hồn dân tộc, từ người ta thấy được hình ảnh của những người dân Việt Nam bình dị, chân chất nhưng phi thường. Phong cách của người rất giống với những hiền triết đi trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thực tiễn hiện nay một bộ phận không nhỏ giới trẻ có lối sống lệch lạc không phù hợp với hoàn cảnh, tiêu xài tiền bạc hoang phí, chạy theo những thú vui tầm thuờng. Những phong cách sống đó thật đáng lên án. Bản thân tôi cảm thấy mình cần phải học tập phong cách của Người để hoàn thiện bản thân hơn nữa.
Với cách lập luận chặt chẽ, luận điểm, luận cứ rõ ràng xác đáng, cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc biết bao ngưỡng mộ chân thành đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta. Bài viết làm ta thêm yêu, khâm phục và biết ơn Người. Đúng như giáo sư Hoàng Chí Bảo đã từng nói: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" . Mỗi chúng ta cần phải học tập lối sống của Bác để hoàn thiện bản thân và xây dựng quê hương đất nức ngày một giàu mạnh.
Đề 2: Dấu ấn độc đáo trong tác phẩm "Phong cách Hồ Chí Minh"
Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa. Đó là một thực tế không ai chối cãi. Hồ Chí Minh là một người Việt Nam yêu nước. Đó là một điều chắc chắn. Từ tinh thần yêu nước, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào cộng sản quốc tế.
Suốt cuộc đời, Người phấn đấu không mệt mỏi vì hạnh phúc của nhân dân, vì loài người tiến bộ. Tư tưởng, đạo đức, lối sống của Hồ chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa tính dân tộc với tính nhân loại, giữa tính truyền thống với tính hiện đại. Người đã để lại cho toàn dân tộc và loài người tiến bộ một dấu ấn độc đáo, riêng biệt. Dấu ấn riêng này đã được tác giả Lê Anh Trà thể hiện trong văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”.
Bằng ngòi bút giản dị, chân thực của mình, tác giả Lê Anh Trà đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp trong phong cách của Bác đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa thanh cao và giản dị.
Trong bài viết của mình, tác giả đã chỉ ra quá trình hình thành phong cách ở Bác. Trước hết, tác giả nói đến sự tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại của Người. Chúng ta đều biết năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu viễn dương của Pháp.
"Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể,
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mĩ, châu Phi
Những đất tự do, những trời nô lệ
Những con đường cách mạng đang tìm đi”
(Người đi tìm hình của nước, Chế Lan Viên)
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy truân chuyên, Bác tiếp xúc với nhiều nền văn hoá nên Bác có hiểu biết sâu rộng về nền văn hóa châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Để có vốn tri thức sâu rộng đó, Bác đã học để nói thông, viết thạo nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Nga... Bác học hỏi qua công việc, qua lao động. Bác làm nhiều nghề và đến đâu Bác cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa đến một mức khá uyên thâm.
Khi tiếp xúc văn hóa của dân tộc trên thế giới, Bác tiếp thu có chọn lọc. Người chỉ tiếp thu những cái hay, cái đẹp, đồng thời phê phán những cái còn hạn chế, tiêu cực. Và từ cơ sở nền tảng văn hóa dân tộc mà Bác tiếp thu những ảnh hưởng của quốc tế để làm nên phong cách riêng của mình, một phong cách chỉ có ở Hồ Chí Minh. Với cách lập luận chặt chẽ, cách nêu luận cứ xác đáng, lối diễn đạt tinh tế của Lê Anh Trà đã tạo nên sức thuyết phục lớn.
Nét đẹp trong phong cách của Hồ Chí Minh được thể hiện qua lối sống vô cùng giản dị nhưng đầy thanh cao. Lối sống đó được tác giả đề cập qua các phương diện. Trước hết là nơi ở và làm việc của Bác “chiếc nhà sàn bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm cung điện của mình”, "Chiếc nhà sàn cũng chỉ vẻn vẹn có vài phòng tiếp khách, họp Bộ chính trị, làm việc và ngủ, với những đồ đạc rất mộc mạc đơn sơ".
Còn "Trang phục hết sức giản dị, với bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ...". Việc ăn uống “cũng rất đạm bạc, với những món ăn dân tộc không chút cầu kì, như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa”. Người sống một mình với "tư trang ít ỏi, một chiếc vali con với vài bộ quần áo, vài vật kỉ niệm của cuộc đời”. Mọi thứ Bác có, mọi sinh hoạt của Bác không có gì khác với cuộc sống của người dân bình thường, của những người chiến sĩ ngoài mặt trận đâu.
Lối sống của Bác không phải là lối sống khắc khổ của những người tự vui trong cảnh nghèo khổ, cũng không phải là cách tự thần thánh hóa, tự làm cho mình khác đời, hơn đời. Đây là cách sống có văn hoá thể hiện một quan niệm thẩm mỹ: cái đẹp là sự giản dị tự nhiên. Lối sống này là lối sống đem lại hạnh phúc thanh cao cho tâm hồn và thể xác, lối sống di dưỡng tinh thần của các bậc hiền triết thuở xưa.
Trong tác phẩm “Phong cách Hồ Chí Minh”, tác giả Lê Anh Trà đã kết hợp giữa kể và bình luận (đan xen nhau): “Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay “Quả thật như câu chuyện thần thoại, như câu chuyện về một vị tiên, một con người siêu phàm nào đó trong cổ tích”.
Tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối lập: vĩ nhân mà hết sức giản dị, gần gũi; am hiểu mọi nền văn hóa nhân loại mà hết sức dân tộc, hết sức Việt Nam cùng với những chi tiết tiêu biểu chọn lọc, đan xen thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách dùng từ Hán Việt gợi cho người đọc thấy sự gần gũi giữa Hồ Chí Minh với các bậc hiền triết của dân tộc.
Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, ở Người ta thấy được “một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất Phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”. Phong cách Hồ Chí Minh chính là tấm gương sáng các thế hệ con người Việt Nam nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà sự giao thoa, tác động, ảnh hưởng giữa các nền văn hóa đang diễn ra trên đất nước ta thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa là yếu tố sống còn của mỗi dân tộc.
Và Hồ Chí Minh chính là tấm gương tiêu biểu, sinh động về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu hội nhập văn hóa nhân loại. Quả thật, Bác của chúng ta xứng đáng với lời khẳng định của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta."