Đời sống

Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện biên giới Đắk Nông

Nguyễn Nam 23/11/2024 06:00

Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện biên giới Tuy Đức (Đắk Nông).

Nỗ lực giảm nghèo

Tuy Đức là huyện biên giới với tỷ lệ DTTS chiếm hơn 43%. Tận dụng nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Trung ương và tỉnh đối với vùng DTTS, nhiều hộ DTTS trên địa bàn huyện vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Điểu Vinh, dân tộc M’nông, ở bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm là một trong những hộ đồng bào DTTS thoát nghèo nhờ biết vận dụng nguồn lực hỗ trợ từ chính sách dân tộc. Theo đó, năm 2018, anh Điểu Vinh làm hồ sơ vay 70 triệu đồng vốn ưu đãi cho đồng bào DTTS tại chỗ để đầu tư phát triển kinh tế. Với số tiền được vay, anh Điểu Vinh mua phân bón và dụng cụ nông nghiệp để chăm sóc 3ha cà phê của gia đình.

Được sự động viên của địa phương, anh Điểu Vinh tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng cách, vườn cà phê cho năng suất vượt trội. Cùng với đó, được địa phương hỗ trợ 70 cây giống mắc ca, anh đã đầu tư trồng xen vào hơn 2ha điều để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất.

img_0642.jpg
Gia đình anh Điểu Vinh, dân tộc M’nông, ở bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm vươn lên thoát nghèo từ vay vốn ưu đãi cho đồng bào DTTS tại chỗ

Anh Điểu Vinh chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, không có vốn đầu tư nên vườn cà phê trở nên già cỗi, năng suất thấp. Được địa phương hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn ưu đãi, tôi đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ được chăm sóc đúng cách, vườn cà phê của gia đình tôi cho năng suất gấp đôi so với trước kia. Nhờ đó, tôi có tiền trả ngân hàng đúng hạn và được hỗ trợ cho vay tiếp để đầu tư mở rộng sản xuất. Năm nay, mắc ca cho thu hoạch, gia đình tôi rất vui mừng khi nguồn thu nhập sẽ tăng hơn”.

Năm 2021, với nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí, gia đình anh Điểu Vinh đã thoát khỏi hộ nghèo. Đến nay, gia đình anh có nguồn thu ổn định từ 3ha cà phê, 2ha điều và mắc ca. Từ một hộ nghèo, gia đình anh đã trở thành hộ khấm khá, nhà cửa kiên cố và có điều kiện chăm sóc con cái tốt hơn.

Hỗ trợ nhà ở được xem là nhiệm vụ quan trọng được huyện Tuy Đức quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Những ngôi nhà kiên cố được xây dựng đã giúp nhiều hộ DTTS có nơi ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất.

img_0634(1).jpg
Từ nguồn hỗ trợ nhà ở của địa phương và các nhà hảo tâm, gia đình ông Điểu N’Kêu, bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Đây là niềm động viên rất lớn, giúp vợ chồng ông an tâm, ổn định cuộc sống, vơi bớt gánh nặng ở tuổi xế chiều

Ở tuổi xế chiều nhưng nguồn thu nhập thấp nên mong ước có thể sửa chữa lại căn nhà đã cũ nát, xiêu vẹo của ông Điểu N’Kêu, ở bon Bu N’Đơr B, xã Quảng Tâm vẫn không biết bao giờ thực hiện được.

Nắm bắt được hoàn cảnh của ông Điểu N’Kêu, năm 2023, huyện Tuy Đức đã hỗ trợ làm thủ tục đất ở cho gia đình ông với diện tích 62m2. Ngoài ra, gia đình ông còn được địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo người DTTS. Cùng với số tiền 70 triệu đồng của các nhà hảo tâm mà huyện kêu gọi được, gia đình ông Điểu N’Kêu đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, bảo đảm 3 cứng, yên tâm qua những mùa mưa bão.

“Tôi rất vui khi có được căn nhà vững chắc, không còn nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão về. Gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ gia đình ổn định cuộc sống”, ông Điểu N’Kêu bộc bạch.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết

Để làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS, huyện Tuy Đức đã tập trung rà soát thực trạng của từng hộ dân, bon, xã. Trong đó, huyện chú trọng đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS. Địa phương tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các bon đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề cấp thiết như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn…

img_0075.jpg
Bằng các nguồn vốn khác nhau, hạ tầng giao thông ở xã Đắk R'tíh được đầu tư xây dựng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương

Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS huyện Tuy Đức.

Toàn huyện Tuy Đức có 6/6 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt hơn 88%. 6/6 xã có đường ô tô vào đến các thôn. Có 85% thôn, bon, bản có 2 - 3km đường được cứng hóa. 6/6 xã đạt tiêu chí về điện; 98% hộ gia đình được sử dụng điện phục vụ cho sản xuất và đời sống. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 94%. Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng từ 18 triệu đồng năm 2019 lên gần 40 triệu đồng/người năm 2023.

Huyện Tuy Đức có 35 trường với hơn 15.300 học sinh; trong đó học sinh DTTS hơn 7.300 em. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, số lượng tiêu chí đạt bình quân tại các xã là 14 tiêu chí/xã. Huyện đã xây dựng được 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và 11 sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện)…

Qua rà soát, giai đoạn 2019 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tuy Đức bình quân hàng năm giảm 8,5%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân hàng năm giảm 10,1%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 40% năm 2010, xuống còn hơn 18% năm 2023. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS tại chỗ còn 31%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Nguyễn Văn Anh cho biết: “Đảng bộ, chính quyền huyện Tuy Đức luôn coi công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, vùng đồng bào DTTS của huyện đang từng ngày đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện và nâng cao”.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi thay vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện biên giới Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO