Chính trị

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc

P.V 02/09/2024 06:15

Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và thành quả cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến tạo, di sản tư tưởng mà Người để lại tiếp tục mang giá trị dẫn đường cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam, tiến đến thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc.

Khát vọng hòa bình - Mạch nguồn xuyên suốt

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ lâm thời và toàn thể Nhân dân Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuyên bố với thế giới rằng: Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”.

bac ho doc tuyen ngon
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

Với bản Tuyên ngôn đó, hòa bình của Nhân dân và dân tộc Việt Nam đã được lập lại trên cơ sở vững chắc của nền độc lập, tự do mà Nhân dân ta vừa giành được sau gần 100 năm đô hộ của thực dân, phát xít và phong kiến. Bản Tuyên ngôn còn khẳng định khát vọng hòa bình mà Nhân dân Việt Nam đã đấu tranh, phấn đấu gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử.

Thế nhưng, trong lúc chúng ta đang rất cần một môi trường hòa bình để dựng xây đất nước thì thực dân Pháp lại quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Trước âm mưu và hành động xâm lược, Nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ thành quả cách mạng. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khẳng định: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử xây đắp nền hòa bình của dân tộc, các nhà nước, triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn thực hành chủ trương nhân nhượng, đàm phán hòa bình để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Hòa bình vừa là mục đích vừa là mưu lược, kế sách giữ nước lâu bền của các vương triều, nhà nước Việt Nam nhằm trì hoãn, ngăn ngừa chiến tranh xâm lược.

Tuy vậy, nền hòa bình của Việt Nam không phải là một nền hòa bình nhu nhược, khiếp sợ, chủ nghĩa hòa bình thuần túy. Trái lại, nền hòa bình của Việt Nam là nền hòa bình dựa trên nguyên tắc giữ vững nền độc lập, tự do, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc của Tổ quốc. Bằng mưu lược, kế sách của mình, các triều đại, nhà nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã luôn biết vận dụng nhiều phương thức, biện pháp đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

khang-chien1.jpg
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm mọi cách thương lượng với thực dân Pháp để tránh một cuộc chiến tranh trở lại cho dân tộc Việt Nam và dân tộc Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp viết thư kêu gọi Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Pháp và trực tiếp gặp những người đứng đầu quân đội Pháp ở Hà Nội để cứu vãn hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946…

Tuy nhiên, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích, trắng trợn vi phạm các Hiệp định đã ký, tháng 11/1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12/1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường... đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19/12/1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng.

Với dã tâm và hành động phát động chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, không thể trì hoãn được nữa, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn định rất kỹ càng, thận trọng để đi đến quyết định chấp nhận một cuộc kháng chiến trường kỳ, đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do và hòa bình của dân tộc Việt Nam. Sáng 20/12, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Người đọc đã được phát đi, vang vọng trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam. Lời kêu gọi là tiếng nói của non sông đất nước, tiếng nói của dân tộc khát khao hòa bình, là mệnh lệnh thiêng liêng giục giã quân dân ta anh dũng tiến lên giành thắng lợi. Tuy là lời phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cho toàn thể dân tộc Việt Nam, nhưng lời kêu gọi ấy lại tỏa sáng khát vọng, ý chí hòa bình ngàn đời của dân tộc ta, nêu cao tinh thần chính nghĩa, giá trị nhân văn cao đẹp của người Việt Nam.

Lời kêu gọi không chỉ có giá trị trực tiếp thể hiện, quy tụ và phát huy tinh thần đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là kim chỉ nam, định hướng, chỉ đạo cho toàn thể Nhân dân ta suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai hòng xâm lược, chia cắt và thôn tính lâu dài đất nước ta; cũng như các cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong những năm 1975 đến 1989.

Xây dựng đất nước

Trong công cuộc đổi mới, để giữ vững và bảo vệ nền độc lập, tự do lâu dài của đất nước, tư tưởng hòa bình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thắp lên từ ngày đầu phát động Nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã luôn soi đường, chỉ lối cho Đảng ta, Nhân dân và các lực lượng vũ trang ta tập trung vào thực hành và giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ha-noi-hom-nay.jpg
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt (Ảnh: Một góc thành phố Hà Nội hôm nay)

Khát vọng hòa bình, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ phá hoại, xâm lấn, xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do đất nước ta không chỉ được nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy trong mọi tầng lớp Nhân dân và các lực lượng vũ trang ta, mà còn được cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng đất nước. Quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Nhận thức đó đang biến thành hành động cách mạng, đang đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả tích cực. Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới... Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 700 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 23 USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Những thành tựu giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các tập đoàn kinh tế toàn cầu, thậm chí có những tập đoàn đặt triển vọng, tương lai phát triển 100 năm tới ở Việt Nam.

năm thìn (2)

Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thiết lập quan hệ song phương, đa phương với các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với 193 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước...

Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó 96 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 28 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Đây là điều kiện, tiền đề vững chắc để Việt Nam khẳng định và nâng tầm uy tín, vị thế đất nước trên tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ quốc tế.

Biến khát vọng thành hiện thực

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ ý chí quyết tâm của Người trong mọi công việc và Người đã truyền quyết tâm đó cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Người khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”; “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

15b9b08268b7ef13e573bcbfa1970a-8504-6550-1685002174(1).jpg
Một góc khu trung tâm mới của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Có quyết tâm chính trị cao, chưa đủ, mà cần phải đi liền với hành động. Người căn dặn: quyết tâm mười phần thì kế hoạch phải hai mươi phần, chớ đem chủ quan của mình áp vào bắt thực tế phải theo. Có nghị quyết đúng là điều rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Có quyết tâm cao cũng là cần nhưng chưa đủ. Điều cần và đủ là quyết tâm phải đi liền với chương trình, kế hoạch hành động thiết thực, tỉ mỉ, có tính khả thi, có tổ chức triển khai phù hợp, đáp ứng đủ các điều kiện thực tế, với sự đồng lòng, dốc sức của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đồng thời, phải quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Khát vọng chỉ là khát vọng, nếu không có hành động cách mạng kiên quyết. Do vậy, điều cần nhất là nói phải đi đôi với làm thì khát vọng mới có khả năng biến thành hiện thực. Hiện thực khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải xây dựng chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ, thật sự vì dân, xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội văn minh, tiến bộ với những giá trị đạo đức tốt đẹp.

Muốn vậy, phải xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, có kế hoạch thực hiện với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Thành quả cách mạng thực tế trên từng lĩnh vực là thước đo chính xác nhất trong việc biến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc thành hiện thực cho dân tộc. Tăng trưởng kinh tế là cực kỳ cần thiết, nhưng phải bảo đảm phát triển bền vững và phải dựa trên nền văn hóa dân tộc. Sự phồn vinh, hạnh phúc của cả dân tộc thể hiện ở những chỉ số tổng hợp: chủ quyền quốc gia ổn định, bình an, một xã hội lành mạnh, quan hệ quốc tế trong sáng, kết quả của quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trong đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên để thực hiện hoài bão, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Thấm nhuần tinh thần đó, mỗi cán bộ, đảng viên phát huy cao độ ý thức, trách nhiệm, tinh thần cống hiến, lao động sáng tạo, phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ Nhân dân, ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội XIII của Đảng xác định quan điểm chỉ đạo: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường của dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước theo tầm nhìn và định hướng phát triển đến năm 2025, 2030 và 2045, đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã trở thành mệnh lệnh của mỗi trái tim con người Việt Nam và là con đường đúng đắn nhất để khẳng định, giữ vững, bảo vệ nền hòa bình lâu dài của đất nước.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO