Ðắk Mil xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản

Kim Ngân| 28/10/2013 15:04

Đắk Mil là vùng trọng điểm sản xuất cà phê và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, huyện cũng đang xúc tiến để xây dựng thương hiệu cho cây cà phê, sầu riêng để giúp sản phẩm tạo được tiếng tăm, dễ tiêu thụ trên thị trường.

ADQuảng cáo

Cây sầu riêng được trồng trên địa bàn huyện Ðắk Mil từ lâu, nhưng những năm gần đây, diện tích sầu riêng mới thật sự tăng mạnh; năm 2012, là 389 ha, sản lượng 4.979 tấn, chiếm khoảng 60% diện tích và 73% sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.

Nhờ trồng giống chất lượng cao, vườn sầu riêng của bà Trương Thị Tĩnh ở thôn Đức Hiệp, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Theo người dân địa phương, trồng sầu riêng đúng quy trình thì chỉ sau 4-5 năm tuổi cho thu hoạch, 6-8 năm tuổi đạt năng suất ổn định, bình quân mỗi ha trồng thuần có thể đạt 30 - 40 tấn quả/năm. Ðể sầu riêng đạt năng suất cao, những năm qua, các nhà vườn tại Ðắk Mil sử dụng giống chất lượng cao, đã được khẳng định trên thị trường như Monthong, Ri 6 và cây nhân giống từ cây đầu dòng được tuyển chọn tại xã Ðức Mạnh và thị trấn Ðắk Mil...

Từ năm 2007, do nhu cầu trồng mới ngày càng tăng, huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn được 8 cây giống đầu dòng, xây dựng vườn nhân chồi ghép để cung cấp chồi giống cho người dân.

Trước lợi thế đó, huyện cũng đã xúc tiến xây dựng thương hiệu sầu riêng Ðắk Mil gắn với phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tăng giá trị cho sản phẩm. Mặt khác, qua quá trình vận động, hiện đã có 50  hộ trồng sầu riêng đăng ký tham gia vào Hiệp hội sầu riêng Ðắk Mil để cùng nhau liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sầu riêng.

ADQuảng cáo

Còn đối với cây cà phê, Công ty Cà phê Ðức Lập đã và đang hoàn chỉnh các thủ tục để chuẩn bị xây dựng thương hiệu “Cà phê Ðức Lập”. Ngoài diện tích cà phê của Công ty Cà phê Ðức Lập thì các xã Ðức Mạnh, Thuận An, Ðức Minh… cũng có lợi thế để sản xuất cà phê đạt năng suất, chất lượng cao.

Tuy nhiên, do quá trình canh tác lâu năm, giống cũ đã thoái hóa nên chất lượng cà phê thương phẩm ngày càng giảm. Vì vậy, việc phát triển cà phê bền vững theo bộ nguyên tắc 4C cũng đang được huyện khuyến cáo nông dân thực hiện để nâng cao chất lượng cà phê.

Bằng việc áp dụng quy trình bón phân cân đối, hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, cải tạo đất đã giúp nông dân giảm được những chi phí đầu tư, nâng cao được năng suất.

Ðặc biệt, cây cà phê đã được xác định là cây trồng chủ lực trong chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nên cần phải tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, huyện đã xây dựng Ðề án nâng cao năng suất, chất lượng vườn cà phê vối trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Cùng với việc xây dựng vườn ươm giống cây cà phê với quy mô 100.000 cây, huyện còn đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, tái canh cà phê, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðắk Mil xúc tiến xây dựng thương hiệu nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO