Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm

Tường Nhiên| 24/08/2022 08:41

Với sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ngày càng hiệu quả, hạn chế được sự chồng chéo, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, địa phương được nói đến ở đây trước hết là trong công tác thông tin, truyền thông, tập huấn về ATTP có nhiều chuyển biến tích cực.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông dưới nhiều hình thức, tập trung vào các dịp cao điểm: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP năm 2022. Chiến dịch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được tăng cường; trong đó qua hệ thống phát thanh trên 1.000 lần; đăng 21 tin, bài về ATTP trên Website của ngành Y tế, Cục ATTP; triển khai tuyên truyền lưu động 4 lần.

Toàn tỉnh, tổ chức treo 522 băng rôn và gửi thông điệp khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hưởng ứng trong các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Tháng hành động năm 2022. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế các xã, phường, thị trấn được cấp 9 đĩa hình, 80 đĩa âm thanh, đồng thời tổ chức nói chuyện chuyên đề về ATTP được 7 buổi, 250 người tham dự.

Sở NN - PTNT tổ chức 12 lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hơn 400 lượt người tham dự.

Sở TT-TT đã ban hành kế hoạch và công văn để hướng dẫn các cơ quan báo chí, trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, phòng văn hóa - thông tin các huyện, thành phố tuyên truyền sâu rộng, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước về bảo đảm ATTP tại địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 8.384 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý

ADQuảng cáo

Các cơ quan báo chí phối hợp với các sở, ban, ngành thường xuyên thực hiện chuyên trang, chuyên mục phản ánh, tuyên truyền về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để người dân nâng cao cảnh giác trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn cho gia đình và tổ chức.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, nhờ tăng cường bám sát tình hình thực tế, tổ chức hoạt động quản lý ATTP một cách phù hợp, đã góp phần nâng cao, thay đổi hành vi chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng; đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát về ATTP ngày càng bài bản hơn, tạo sự răn đe chung trong xã hội. Trong các đợt cao điểm về ATTP và kiểm tra, giám sát định kỳ chuyên đề, đột xuất, các ngành: Y tế, NN-PTNT, Công thương từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về ATTP theo phân cấp quản lý.

Cụ thể, ngành Y tế đã thành lập 142 đoàn kiểm tra, giám sát ATTP và tiến hành kiểm tra được 1.740 lượt cơ sở. Trong đó, 1.388 lượt cơ sở bảo đảm điều kiện ATTP, chiếm 79,7%; 352 lượt cơ sở có vi phạm, chiếm 20,3%; xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 18 cơ sở, với số tiền xử phạt 47 triệu đồng; xử lý bằng hình thức nhắc nhở 334 lượt cơ sở.

Ngành NN-PTNT đã thực hiện thẩm định, đánh giá, xếp loại theo nội dung Thông tư số 38 của Bộ NN-PTNT được 30 cơ sở; trong đó, có 3 cơ sở xếp loại A, chiếm 10,0%; 25 cơ sở xếp loại B, chiếm 83,3% và 2 cơ sở xếp loại C, chiếm 6,7%.

Ngành Công an đã phát hiện 6 vụ, 8 cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật ATTP. Kết quả, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện khởi tố 1 vụ,1 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ, 4 cá nhân, tổng số tiền 111,4 triệu đồng. Tang vật thu giữ khoảng 400 kg thịt heo các loại (170 kg thịt heo thành phẩm đóng gói hút chân không gắn mác thịt nai khô đặc sản Tây Nguyên và hơn 200 kg thịt heo tươi nguyên liệu); 5.136 sản phẩm thực phẩm chức năng. Ngoài ra, Phòng PC05, Công an tỉnh đã tổ chức vận động 1 chủ cơ sở trang trại chăn nuôi heo (325 con heo có tổng trọng lượng khoảng 14.000 kg bị mắc bệnh tả heo châu Phi) bàn giao cho Trạm Thú y huyện Đắk Mil tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 8.384 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được quản lý. Trong đó, ngành Y tế quản lý 4.184 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 1.400 cơ sở; ngành Công thương quản lý 2.800 cơ sở. Ðặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm nào.box

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO