Chính trị

Đắk Nông chăm lo đời sống người có công với tấm lòng, sự tri ân sâu sắc nhất

Thanh Hằng 27/04/2024 06:00

Bằng những chính sách, hoạt động cụ thể, tỉnh Đắk Nông đã dành sự quan tâm đặc biệt với người có công sau chiến tranh, qua đó thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

ADQuảng cáo

Chăm lo bằng những việc làm thiết thực

Năm 1966, bà Phan Thị Tam (quê tỉnh Hà Tĩnh) cùng nhiều thanh niên địa phương tham gia lực lượng dân quân du kích, sau đó nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong thời gian làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Trị, bà Tam nhiễm chất độc hóa học. Đến nay, di chứng vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của cựu chiến binh này.

12321.png
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đến thăm thương binh Bùi Tấn Xưa, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa có tỷ lệ tổn thương cơ thể 85%

Hòa bình lập lại, bà Tam tham gia xây dựng chính quyền, đóng góp nhiều cho địa phương nơi mình sinh sống. Đến năm 1997, bà cùng gia đình vào vùng kinh tế mới, lập nghiệp tại thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô.

Trong thời gian qua, bà Tam thường xuyên được cấp ủy, chính quyền quan tâm, thăm hỏi thường xuyên, nhất là vào những dịp lễ, tết. Đặc biệt, sau khi giám định sức khỏe, bà Tam được hưởng chế độ hàng tháng do bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian tham gia hoạt động kháng chiến.

img_9811(1).jpg
Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông thăm hỏi gia đình thân nhân liệt sĩ tại xã Nam Bình (Đắk Song)

Bà Phan Thị Tam chia sẻ, hiện nay người có công trên địa bàn đều được quan tâm chu đáo. Đơn cử như bà, hàng tháng đều được nhận chế độ hơn 1,5 triệu đồng. Vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm, Tết Nguyên đán, bà Tam còn nhận được quà của Nhà nước và chính quyền địa phương. Các chế độ chăm sóc sức khỏe hàng năm bà Tam đều được hưởng đầy đủ.

Bà Tam cho hay: “Hai năm một lần, tôi được đi điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe nên có bệnh tật gì tôi đều kịp thời phát hiện, điều trị. Mấy năm trước, tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng một căn nhà kiên cố. Trong thời gian qua, chính sự quan tâm của chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương đã giúp cuộc sống của tôi tốt hơn rất nhiều. Từ đó, tôi luôn động viên nhau nêu gương, đoàn kết để xây dựng quê hương tốt đẹp hơn”.

12343.png
Đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, tặng quà mẹ Đỗ Thị Thanh, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa là mẹ của Liệt sĩ Lê Hồng Sơn, hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam.

Ông Trương Đồn, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa là thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc hóa học trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ. Dù ở quê nhà Quảng Nam hay hiện tại ở Đắk Nông, ông Đồn luôn nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp và bà con lối xóm

Ông Đồn cho biết: “Năm 1995 tôi đưa cả gia đình vào Đắk Nông làm kinh tế. Nhiều năm liền cả gia đình phải sống trong một căn nhà gỗ đã xuống cấp nên mong mỏi lớn nhất thời điểm đó là có một nơi ở kiên cố. Năm 2012, tôi được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với số tiền tích góp nhiều năm, gia đình tôi đã có một căn nhà vững chắc”, ông Đồn kể.

z5371904818575_5ee2a460be355647d40f3a3201935180.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương, bày tỏ lòng thành kính tri ân, ghi nhớ công ơn, sự hi sinh của các thế hệ cha anh đi trước trong đấu trang giải phóng dân tộc

Có nhà mới, gia đình không phải canh cánh nỗi lo mưa nắng, ông Đồn tập trung phát triển kinh tế. Mặc dù hàng tháng được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước nhưng không ỷ lại vào đó, ông Đồn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, tích cực làm giàu cho gia đình, địa phương; trở thành tấm gương tiêu biểu, điển hình trong phát triển kinh tế.

Bên cạnh các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của chính quyền các cấp, thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức cũng có nhiều hoạt động cụ thể nhằm chăm lo đời sống tinh thần đối với gia đình người có công. Các hoạt động không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhờ nguồn” mà qua đó còn giáo dục đạo đức, lý tưởng cho các thế hệ trẻ, bồi đắp tinh thần yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.

img_7583-0262d813e45810680f993b2a876d5091.jpg
lãnh đạo tỉnh, cùng các đại biểu thành kính dâng hương, báo công tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Nông nhân kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh (ảnh: Hồ Mai).

Thông lệ hàng năm, vào dịp ngày giỗ liệt sĩ Phùng Bá Hợp, Hội Phụ nữ cơ sở và Đoàn cơ sở Quân sự huyện Đắk Mil, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đắk Sắk (Đắk Mil) lại đến gia đình thân nhân liệt sĩ vệ sinh nhà cửa, đi chợ làm cơm giỗ. Theo Trung tá Nguyễn Văn Huyền, liệt sĩ Hợp tham gia quân đội, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, hy sinh ngày 16/4/1978, nhằm ngày 10/3/1978 âm lịch. Sau khi gia đình liệt sĩ vào Đắk Nông sinh sống, cán bộ, hội viên, đoàn viên có các hoạt động để hướng đến thân nhân liệt sĩ, trong đó có việc tổ chức lễ giỗ liệt sĩ Phùng Bá Hợp.

1(1).jpg
Hội Phụ nữ cơ sở và Đoàn cơ sở Quân sự huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đắk Sắk chuẩn bị lễ giỗ liệt sĩ Phùng Bá Hợp

“Với trách nhiệm của địa phương, chúng tôi nhận thấy cần phải có trách nhiệm đền đáp với những hy sinh, mất mát của các thế hệ cha anh. Lễ giỗ của liệt sĩ Hợp được các cơ quan, tổ chức cùng phối hợp thực hiện trang trọng, ý nghĩa với hy vọng làm ấm lòng gia đình chính sách”, Trung tá Nguyễn Văn Huyền nói.

Nhiệm vụ chính trị quan trọng

Tỉnh Đắk Nông có trên 13.000 hồ sơ đối tượng, 2.297 người là con của người có công với cách mạng được giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục - đào tạo; 824 thân nhân liệt sĩ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ, có 1.272 thân nhân người có công với cách mạng được giải quyết chế độ mai táng phí; 81 thương binh, con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được trang cấp dụng cụ chỉnh hình.

Trong thời gian qua, chính sách ưu đãi đối với người có công được tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và bảo đảm đúng quy định. Đây cũng được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Đắk Nông đã ban hành 257 quyết định trợ cấp một lần và mai táng phí đối với thân nhân người có công với cách mạng; tiếp nhận 83 hồ sơ do các tỉnh chuyển đến và di chuyển 53 bộ hồ sơ người có công đến các tỉnh; giải quyết 5 trường hợp hưởng thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh; 100% người có công với cách mạng và thân nhân được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

hinh-nguoi-co-cong-1.jpg
Đoàn người có công với cách mạng của tỉnh do đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông làm trưởng đoàn, gặp mặt đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư

Cùng với việc thực hiện chu đáo, đầy đủ các chế độ chính sách đối với người có công, phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong toàn tỉnh cũng luôn được các cấp, các ngành, tổ chức và Nhân dân quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả bằng những việc làm thiết thực.

Trong năm 2023, tỉnh Đắk Nông tổ chức 4 đợt điều dưỡng tập trung với 221 người có công với cách mạng và thân nhân người có công tại TP. Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định; ban hành 8 quyết định cho 1.077 đối tượng người có công và thân nhân liệt sĩ đến niên hạn hưởng chế độ điều dưỡng tại nhà; tổ chức đoàn người có công với cách mạng và thân nhân đi tham quan TP. Hà Nội và tỉnh phía Bắc.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 396 ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh về tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức 16 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn tới thăm, tặng quà các đơn vị, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ...

nghia-trang-liet-si-tinh.jpg
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Đắk Nông được đầu tư, nâng cấp trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông đã tổ chức phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh; tại các địa phương cũng xây dựng kế hoạch vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo từng cấp quản lý. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh vận động được gần 350 triệu đồng (trong đó Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh gần 85 triệu đồng).

Từ nguồn quỹ vận động được, các địa phương và các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng mới 4 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 360 triệu đồng. Hiện nay, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh tiếp tục vận động và tiếp nhận các nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu sửa nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm các công trình ghi công các liệt sĩ được triển khai đồng bộ, chu đáo, nghiêm trang. Các hoạt động bàn giao, đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ được tổ chức trang nghiêm, phù hợp với phong tục tập quán của từng địa phương và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ.

32.png
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh.

Ban Chỉ đạo 515 cấp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tìm kiếm, quy tập 6/12 địa điểm. Qua đó, tìm kiếm, quy tập được 19 hài cốt liệt sĩ (1 hài cốt liệt sĩ đã xác định được danh tính). Bên cạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Đắk Nông cũng đẩy mạnh xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đến nay, các huyện, thành phố cơ bản hoàn thành kết luận địa bàn bổ sung đợt 1 và đang triển khai điều chỉnh bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo quy định.

Trong năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã huy động 258 lượt người tham gia khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tiếp nhận, thu thập, xử lý 16 đơn thư tìm kiếm, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; tổ chức rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách 3.214/3.474 liệt sĩ hy sinh trên địa bàn.

Song song với tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, công tác tu bổ, sửa chữa nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ cũng được tập trung thực hiện. Tỉnh Đắk Nông thường xuyên tổ chức lễ viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp các ngày lễ, tết, các hoạt động lớn của tỉnh; chế độ đối với thân nhân gia đình liệt sĩ đi thăm viếng mộ được thực hiện kịp thời, đúng chế độ, đúng đối tượng.

Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) tỉnh cho biết, trong 20 năm kể từ ngày được tái lập tỉnh, chính sách ưu đãi người có công được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Ngoài các chế độ được Trung ương quy định, tỉnh Đắk Nông đã ban hành một số chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ, động viên, chăm sóc người có công.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách, chế độ, tỉnh Đắk Nông còn gặp một số khó khăn như người có công tuổi cao, sức khỏe kém, mức trợ cấp ưu đãi còn thấp; việc bố trí ngân sách địa phương đối ứng để đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ còn hạn chế; việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ giữa các địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu…

phat-ngon-1.jpg

Trong thời gian tới, ngành LĐTB-XH sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan, thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Phấn đấu 100% người có công với cách mạng theo quy định được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và sự chăm sóc của Nhân dân; không còn hộ có thành viên là người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tập trung giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý những sai sót, tiêu cực.

Bà Châu Thị Đào, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Đắk Nông đánh giá: “Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội và người dân Đắk Nông đã có nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân sâu sắc dành cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công. Những việc làm đó là nguồn động viên, phần nào xoa dịu những đau thương mất mát, giúp người có công ổn định cuộc sống, tiếp tục phấn đấu, lao động sản xuất xây dựng quê hương”.

img_0646.jpg
Nhờ sự động viên, giúp đỡ của chính quyền các cấp, đời sống của gia đình thương binh Lưu Đức Hùng đã khá hơn rất nhiều

Tháng 2/2024, khi tới thăm, chúc tết một số gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Đắk Song, đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông khẳng định, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, xã hội và Nhân dân. Để người có công, gia đình người có công với cách mạng tiếp tục cống hiến, đóng góp cho địa phương, từ Trung ương tới địa phương đã có những chính sách, những hoạt động thiết thực, từ đó phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.

Trong thời gian tới, đồng chí Lưu Văn Trung mong muốn, người có công tỉnh Đắk Nông tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ, trước hết là vận động gia đình, giáo dục con cháu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các gia đình người có công với cách mạnh ổn định cuộc sống, trở thành tấm gương sáng về lao động, sản xuất để các hộ dân trong địa phương noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông chăm lo đời sống người có công với tấm lòng, sự tri ân sâu sắc nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO