Quảng Sơn chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ

Thùy Dương| 22/04/2014 10:05

Theo ông Trần Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (Đắk Glong), hiện nay, địa phương có trên 270 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tăng hơn 100 cơ sở so với năm 2012, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh nông sản, các mặt hàng thiết yếu.

ADQuảng cáo

Có được kết quả này là do địa phương đã từng bước khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, giao thông, thông tin liên lạc… để thu hút đầu tư, tạo đà cho phát triển thương mại, dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ, nhất là những hộ có nhà mặt đường, gần chợ đầu tư mở cửa hàng kinh doanh. Nhiều cơ sở kinh doanh đã năng động, có kế hoạch kinh doanh tốt, đầu tư hiệu quả nên ngày càng phát triển.

Một góc chợ xã Quảng Sơn

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Thái Nga, bon Phi Glê cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng nông sản từ năm 2005. Ban đầu, do vốn ít nên tôi chỉ mua bán các loại nông sản như cà phê, mỳ, bắp… Do được tạo điều kiện về vốn và các chính sách hỗ trợ khác nên công việc kinh doanh diễn ra thuận lợi. Hiện tại, gia đình tôi đã thành lập công ty với số vốn điều lệ là hơn 3 tỷ đồng. Ngoài mua bán nông sản, công ty còn kinh doanh thêm phân bón và một số mặt hàng khác”.

Ngoài ra, với số vốn trên 2,3 tỷ đồng từ Chương trình 135, địa phương  đã đầu tư xây dựng chợ xã với 45 sạp hàng và đưa vào sử dụng cuối năm 2011 đã giúp cho các tiểu thương thuận tiện trong việc kinh doanh, buôn bán.

ADQuảng cáo

Theo các hộ kinh doanh, từ khi chợ xã được nâng cấp, xây dựng và đưa vào sử dụng, đã tạo ra môi trường mua bán, giao lưu thuận tiện hơn trước rất nhiều. Theo đó, khách hàng vào chợ mua bán đông hơn, hàng hóa bày bán tại quầy cũng được sạch sẽ, doanh thu ngày càng tăng nên chủ các sạp hàng có điều kiện mở rộng quy mô.

 Cùng với việc thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại dịch vụ, địa phương cũng thường xuyên quan tâm phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ… nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần bình ổn thị trường.

Các hoạt động kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được lực lượng chức năng của huyện cùng với xã tiến hành thường xuyên tại các cơ sở kinh doanh, nhất là vào các dịp cao điểm như lễ, tết nên đã hạn chế được các hành vi vi phạm về chất lượng, các hiện tượng găm hàng.

Cũng theo ông Chương thì thời gian tới, để hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, tạo mặt bằng cho các tổ chức, cá nhân buôn bán, địa phương có định hướng là sẽ xã hội hóa xây dựng chợ xã. Bên cạnh các giải pháp về công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát các loại hình kinh doanh không lành mạnh…, xã cũng sẽ tập trung khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh không ngừng phát huy sự năng động, nhạy bén trong cơ chế thị trường, tìm cho mình hướng đi phù hợp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại địa bàn và khách hàng ngoài địa phương. Địa phương cũng sẽ thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư vào làm ăn trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Sơn chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO