Quản lý các hộ vay vốn chính sách ở địa phương: Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ

Lương Nguyên| 05/08/2015 10:04

Thời gian qua, việc quản lý, giám sát đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) ở các địa phương còn lơ là, thiếu chặt chẽ đã làm thất thoát nguồn vốn lớn của Nhà nước.

ADQuảng cáo

Sau khi rời khỏi địa phương, nhà cửa của gia đình ông Trần Văn Xen ở thôn 3, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã để lại cho người em họ ở

QUẢN LÝ, GIÁM SÁT CÒN LƠ LÀ

Qua rà soát, kiểm tra, tại xã Quảng Khê (Đắk Glong), đơn vị chuyên môn đã phát hiện có 6 hộ gia đình còn dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH bỏ đi khỏi địa phương, với tổng số vốn hơn 150 triệu đồng. Điều đáng nói là khi đưa câu chuyện về những hộ nằm trong “danh sách đen” đến trao đổi với ông Lương Phúc, Trưởng thôn 3 thì dường như ông không nắm rõ.

Theo lý giải của ông Phúc, mặc dù các hộ này thuộc sự quản lý của thôn nhưng vì phải kiêm quá nhiều việc nên thôn không thể “ôm xuể”. Chỉ đến khi các tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm (TK&VV) thông báo thì thôn mới vỡ lẽ.

Ông Lương Phúc lý giải: “Thôn hiện có hơn 300 hộ dân. Ban tự quản thôn chỉ nắm con số, còn những hộ nào đang vay vốn tại ngân hàng thì chỉ có các tổ trưởng tổ TK&VV mới nắm rõ”.

Thế nhưng, đem câu chuyện về những hộ dân này đến gặp chị Trần Thị Hảo, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 3 thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Chị Hảo cho rằng: “Những hộ thuộc diện vay vốn bỏ đi đều là do các tổ trưởng trước đây quản lý. Mặc dù sau khi được bàn giao công việc, tôi có nắm con số nhưng chả giải quyết được vấn đề gì”.

Cũng theo chị Hảo thì nếu bây giờ mà quy trách nhiệm cho tổ vay vốn thì cũng khó, vì hàng tháng tổ trưởng chỉ gặp được các thành viên khi đến thời hạn thu tiền lãi. Có những trường hợp, do khó khăn về kinh tế nên nhiều lúc phải hơn 2 tháng tổ trưởng và các thành viên mới gặp nhau nên rất khó trong việc giám sát, theo dõi chặt chẽ, sát sao.

Cũng quản lý theo kiểu nắm con số trên mặt giấy tờ, tại huyện Đắk R’lấp, tính đến nay, địa phương này có gần 60 hộ dân đang vay vốn rời khỏi địa bàn, với dư nợ khá cao. Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm nhưng địa phương vẫn chưa xử lý được.

CHƯA PHỐI HỢP CHẶT CHẼ

Qua tìm hiểu thực tế, số lượng hộ vay vốn đang dư nợ tại NHCSXH tỉnh đã rời khỏi địa phương tương đối nhiều, nhưng công tác phối hợp rà soát giữa các bên liên quan còn chậm, chưa thực sự hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 358 hộ đang vay vốn cố tình rời khỏi địa phương, với số vốn còn dư nợ tại ngân hàng là gần 6 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Được biết, để hạn chế tình trạng này, năm 2013, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai thực hiện Công văn 5248/CV-UBND của UBND tỉnh về việc xử lý các hộ vay vốn rời khỏi địa phương, nhưng sau hơn 2 năm triển khai kết quả vẫn “dẫm chân tại chỗ”.

Ông Huỳnh Quang Dung, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong cho hay: Việc phối hợp giữa ngân hàng với các địa phương trong công tác xử lý các hộ bỏ trốn là rất khó. Thông thường, về phía ngân hàng dựa trên danh sách các hộ dân đủ điều kiện vay vốn mà các xã gửi lên để giải ngân vốn. Còn việc rà soát nơi ăn, chốn ở, điều kiện…, chính quyền sở tại mới là cấp quản lý trực tiếp. Vậy nhưng, khi xuất hiện nhiều hộ bỏ trốn, cấp xã chỉ việc báo cáo lên ngân hàng, còn việc rà soát, phân tích lại là do ngân hàng đảm nhận. Thậm chí nhiều lúc xuống cơ sở, các địa phương vẫn không thể nắm rõ con số này.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Đắk Mil cho biết: Văn bản triển khai thì có, nhưng việc phối hợp giữa ngân hàng với các địa phương trong công tác xử lý còn thiếu tính triệt để. Về phía ngân hàng thì “nóng ruột” tìm kiếm thông tin các hộ bỏ trốn, còn các xã, thị trấn thì quá nhiều việc nên cũng chưa thực sự quan tâm…

CẦN SỰ PHỐI HỢP TỪ NHIỀU PHÍA

Qua thực tế các hộ bỏ trốn khỏi địa phương quá nhiều, nâng con số nợ quá hạn tăng cao, nhiều địa phương đã quan tâm triển khai một số giải pháp để hạn chế.

Chị Trần Thị Dung, cộng tác viên NHCSXH xã Quảng Khê cho hay: “Hiện nay, xã đã tiến hành lập danh sách các hộ vay vốn tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện. Trong quá trình người dân giao dịch các hoạt động liên quan đến đất đai, nhà cửa, địa phương sẽ đối chiếu với danh sách này. Nếu có phát hiện các giao dịch mua bán, liên quan đến các hộ vay vốn, xã sẽ tạm thời ngừng giao dịch, nhằm tránh tình trạng người dân chưa trả nợ Nhà nước đã bán tài sản rời khỏi địa phương”. 

Ngoài cách làm này, một số địa phương khác hiện cũng đã giao trách nhiệm cho chính các trưởng thôn, tổ TK&VV theo dõi chặt chẽ các thành viên vay vốn do thôn, tổ quản lý. Trong quá trình hoạt động, nếu các hộ vay có dấu hiệu nghi ngờ, các thôn trưởng, tổ trưởng phải giám sát, kịp thời báo cáo lên UBND xã, NHCSXH huyện để có hướng khắc phục.

Thậm chí, ở một số nơi, ban quản lý tổ TK&VV còn cam kết phối hợp với các hộ dân cư trú xung quanh những gia đình đã vay vốn tại NHCSXH để nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, cũng như “lịch trình” của các hộ…

Có thể nói, đối với thực tế hiện nay, để hạn chế được tình trạng này thì các đơn vị chức năng cần những giải pháp mang tính chất căn cơ hơn.

Theo ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, thì đơn vị đã chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát, tổng hợp các hộ đã bỏ trốn để lập danh sách theo dõi, tìm kiếm. Đối với những hộ đã rời khỏi địa phương, hiện tại, đơn vị đang phối hợp với các chi nhánh NHCSXH ngoài tỉnh, nơi mà các hộ tới định cư để tiến hành nắm bắt thông tin. Về phía những hộ dân đã tìm được địa chỉ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đã vận động các hộ từng bước hoàn trả tiền cho Nhà nước. Thông qua việc thực hiện các giải pháp này, vừa qua, Chi nhánh đã xử lý, thu được lại tiền của một số hộ vay, nhưng con số đó vẫn chưa nhiều.

Như vậy, ngoài nỗ lực của ngân hàng, các cấp, ngành cần tăng cường chỉ đạo phòng, ban chức năng phối hợp ngân hàng rà soát, phân tích, từ đó, tìm ra được những giải pháp để xử lý kiên quyết những trường hợp vay vốn rời khỏi nơi cư trú.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý các hộ vay vốn chính sách ở địa phương: Cần cơ chế phối hợp chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO