Ngành Thú y: Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm

Thùy Dương| 31/03/2014 10:18

Để ngăn chặn các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vào địa bàn tỉnh, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi và tiêu dùng, thời gian qua, ngành Thú y đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển buôn bán động vật. Nhờ làm tốt công tác này nên hiện tại, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra an toàn.

ADQuảng cáo

Theo Chi cục Thú y tỉnh, mặc dù không phải là địa phương “nóng” về tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép nhưng vẫn là nơi có số lượng nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm tương đối cao.

Hơn nữa, địa bàn tỉnh còn là cửa ngõ trung chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh phía Nam vào khu vực Tây Nguyên nên nguy cơ vận chuyển trái phép cũng như lây lan dịch bệnh là rất lớn.

Xác định rõ điều này, ngành Thú y tỉnh đã tập trung tăng cường kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm dịch động vật với mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh ngay từ “vòng ngoài”.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Hiện tại, toàn tỉnh có tổng số 5 trạm, chốt kiểm dịch động vật. Các chốt, trạm kiểm dịch có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, động vật, sản phẩm động vật vào, ra địa bàn và duy trì chế độ trực 24/24h”.

Nhìn chung, tại các chốt, trạm kiểm dịch, cán bộ phụ trách luôn nêu cao ý thức, bằng các biện pháp nghiệp vụ đã nỗ lực ngăn chặn các loại gia súc, gia cầm mắc bệnh lọt vào địa bàn. Điển hình tại chốt kiểm dịch động vật đóng tại Quốc lộ 28 đoạn thuộc địa phận huyện Đắk Glong, công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn được triển khai liên tục.

Theo ông Bùi Xuân Tịnh, Trạm trưởng Trạm Thú y Đắk Glong, mặc dù lưu lượng xe vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào cửa ngõ này không nhiều nhưng để bảo đảm không có gia súc, gia cầm nào mắc bệnh đưa vào địa bàn, chốt vẫn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tất cả các giờ trong ngày, kể cả ban đêm.

Trong 3 tháng đầu năm, qua quá trình kiểm tra, chốt đã phát hiện 2 trường hợp vi phạm về vận chuyển gia cầm, trong đó, 1 trường hợp không có giấy chứng nhận của cơ quan thú y về thực hiện tiêu độc khử trùng và 1 trường hợp không có chứng nhận kiểm dịch động vật.

ADQuảng cáo

Theo đó, huyện đã quyết định xử phạt hành chính 1,2 triệu đồng và bắt chủ phương tiện quay về nơi xuất phát để thực hiện đầy đủ thủ tục. Cùng với việc kiểm tra, giám sát, chốt cũng thường xuyên tuyên truyền cho các đối tượng về chủ trương, pháp luật của Nhà nước trong vận chuyển, buôn bán gia cầm, yêu cầu tuyệt đối không mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm từ nơi có dịch, không đảm bảo vệ sinh thú y.

Ngoài ra, trong đợt cao điểm về phòng chống cúm gia cầm vừa qua, các địa phương cũng đã vào cuộc kiểm tra tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm lưu thông qua địa bàn. Nhờ đó, các địa phương đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép, góp phần ngăn chặn nguồn thực phẩm “bẩn” vào địa bàn, bảo vệ người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trạm trưởng Trạm thú y Đắk Song thì qua kiểm tra việc vận chuyển gia cầm trên tuyến Quốc lộ 14, đơn vị đã phát hiện 85 con vịt từ tỉnh Đắk Lắk vào địa bàn huyện mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Huyện đã tiến hành lập biên bản, báo ngay cho Chi cục Thú y biết và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số vịt nói trên.

Còn tại huyện Tuy Đức cũng đã phát hiện 1 trường hợp vận chuyển 100kg trứng cút vào địa bàn mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, ngành thú y đã lập biên bản và xử phạt 3 triệu đồng.

Cũng theo Chi cục Thú y tỉnh thì việc thực hiện nhiều biện pháp trên địa bàn tỉnh đã ngăn chặn khá hiệu quả tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép; đồng thời, hạn chế thấp nhất tình trạng dịch bệnh lây lan vào địa bàn.

Đến thời điểm này, mặc dù một số tỉnh lân cận đã xuất hiện các loại dịch bệnh nhưng tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra an toàn. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của nhiều loại dịch bệnh, ngành vẫn sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm dịch.

Ngoài việc tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc đối với động vật, sản phẩm động vật vận chuyển, lưu thông trên địa bàn tỉnh, ngành sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm dịch động vật lưu động để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong tỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Thú y: Tăng cường kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO