Pi Nao không còn lo đói giáp hạt
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày gần đây, nông dân bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân 2023-2024.
Cuối tháng 4, tại cánh đồng lúa bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, không khí thu hoạch lúa đông xuân rộn ràng như ngày hội. Lúa chín đến đâu, nông dân thu hoạch đến đó nên đến thời điểm hiện tại, khoảng 70% diện tích lúa của bon Pi Nao đã thu xong.
Năm nay, do thời tiết nắng hạn, một số ruộng lúa xa kênh mương bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, nhờ làm tốt khâu chọn giống, tuân thủ lịch thời vụ và áp dụng đúng kỹ thuật canh tác nên phần lớn diện tích lúa của bà con sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 5-6 tấn/ha.
Chị H’Uyn chia sẻ, từ ngày biết làm lúa nước, người dân trong bon ít khi phải đi mua gạo. Lúa gạo làm ra đều được cất trữ trong nhà, dùng trong cả năm. Một số gia đình có nhiều lúa còn mang đi bán cho người dân trong bon.
“Bon Pi Nao phần lớn là đồng bào M’nông, trước đây chỉ quen làm lúa nương nên năng suất không cao. Hơn 10 năm trước, người dân được hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước, một năm có thể trồng được 2 vụ nên không thiếu gạo ăn nữa”, chị H’Uyn nói.
Vụ đông xuân 2023-2024, nông dân bon Pi Nao gieo trồng được hơn 16ha lúa lai, trong đó giống chủ lực là Nhị ưu 838. Ưu điểm của giống lúa này là thân cứng, kháng bệnh tốt và cho năng suất cao, ổn định.
Những năm qua, cánh đồng bon Pi Nao được đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông, phục vụ sản xuất của bà con. Đến mùa thu hoạch, máy móc được đưa đến tận đầu ruộng của các hộ dân, giúp cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy cơ giới hoá trong nông nghiệp.
Anh Điểu Nhí phấn khởi cho biết: “Chúng tôi chỉ cần gặt lúa rồi mang lên bãi đất trống để máy tuốt. Sau khi thu hoạch, đến đầu mùa mưa chúng tôi lại tiếp tục làm đất để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Mỗi gia đình có vài sào ruộng nên đến mùa giáp hạt, chỉ có một số gia đình phải nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước”.
Cánh đồng lúa bon Pi Nao, xã Nhân Đạo được khai hoang năm 2009, cấp cho khoảng 100 hộ dân tộc thiểu số trong bon. Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm nên năng suất lúa của bà con đạt thấp, mỗi sào chỉ được khoảng hơn 3-4 tạ lúa.
Nhờ được đầu tư hệ thống kênh mương kiên cố và sự cần cù học hỏi theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, áp dụng kỹ thuật vào canh tác nên năng suất tăng lên. 15 năm qua, nhờ có cánh đồng lúa này, bà con nơi đây không còn phải lo đói mùa giáp hạt.
Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, cây lúa đã phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân bon Pi Nao. Thực tế cho thấy, việc khai hoang, cải tạo đất trồng lúa cấp cho các hộ đồng bào M’nông ở bon Pi Nao là chủ trương đúng đắn, giúp bà con có đời sống ấm no, thoát nghèo bền vững.