Mục tiêu đến năm 2020 tưới tiên tiến đạt 5.000 ha

Văn Tâm thực hiện| 26/10/2018 09:49

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định về kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là động thái quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng để phát triển nông nghiệp bền vững. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp –PTNT.

ADQuảng cáo

Ông Lê Trung  Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp - PTNT

PV: Ông cho biết đôi nét về thực trạng nhu cầu nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

Ông Lê Trung Kiên: Phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là việc mở rộng, phát triển cây công nghiệp, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su, điều, cây ăn quả. Đến đầu năm 2018, tổng diện tích cây công nghiệp, cây trồng cạn có nhu cầu nước tưới trên địa bàn tỉnh là 176.000 ha, trong đó cây cà phê  135.000 ha, cây hồ tiêu 36.000 ha, cây ăn quả 5.000 ha… với tổng nhu cầu nước tưới hàng năm khoảng 528 triệu m3 nước.

Xu hướng trong những năm tới, trên địa bàn tiếp tục phát triển các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Theo đó, nhu cầu nước tưới ngày càng lớn, trong khi lượng nước là có hạn, cùng với điều kiện biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Nếu không có giải pháp căn cơ, lâu dài thì chắc chắn việc phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nông thôn gặp rất nhiều khó khăn.

PV: Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có một số mô hình tưới nước tiết kiệm được nông dân áp dụng cho cây trồng cạn. Theo ông những mô hình này có hiệu quả và tác động như thế nào đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh?

Ông Lê Trung Kiên: Trên địa bàn tỉnh ta và một số tỉnh xung quanh, tôi thấy các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đang được triển khai áp dụng tương đối hiệu quả. Cụ thể, khi áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, người dân có thể kết hợp bón phân qua nước. Với ứng dụng tưới tiết kiệm có thể gia tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 40%, tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 đến 40% và giảm chi phí công lao động trung bình khoảng 10 đến 15 triệu đồng/ha.

PV: Vậy việc áp dụng biện pháp tưới tiêu tiên tiến, tưới tiết kiệm nước của người dân trong sản xuất cây trồng cạn đang gặp những thuận lợi, khó khăn như thế nào thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Lê Trung Kiên: Việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Đến đầu năm 2018, toàn tỉnh mới có 1.500 ha diện tích cây trồng được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó: Cà phê, hồ tiêu 700 ha, cây ăn trái 800 ha/tổng số 176.000 ha diện tích cây trồng cạn có nhu cầu tưới. Trong quá trình áp dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay, theo tôi biết có một số thuận lợi và khó khăn nhất định.

Thuận lợi ở đây có thể thấy là các mô hình đang được các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm như hỗ trợ kinh phí ban đầu. Tuy nhiên, người dân muốn sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm vẫn còn gặp khó khăn như vốn đầu tư ban đầu cho một mô hình tưới tiết kiệm hiện nay là khá lớn, trung bình từ 50 đến 60 triệu đồng/1 ha nên nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn ngần ngại khi tiếp cận với công nghệ tưới tiên tiến này. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân nhận thức và tiếp cận về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiện nay còn hạn chế.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được gia đình ông Trần Văn Vịnh, ở thôn 4, xã Nam Dong, huyện Chư Jút sử dụng tưới cho vườn hồ tiêu

PV: Vậy theo ông, việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động phát triển tưới nước tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh có vai trò, ý nghĩa gì trong phát triển nông nghiệp thời gian tới?

Ông Lê Trung Kiên: Ngày 23/8/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1289/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo tôi, đây là kế hoạch kịp thời và cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, ngành từng bước khắc phục những khó khăn, bất cập liên quan trong vấn đề này hiện nay.

Ngoài mục tiêu chung, kế hoạch đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 5.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, các cấp trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, đào tạo, tập huấn và tăng cường hợp tác quốc tế trong triển khai lộ trình ứng dụng tưới nước tiết kiệm, tiên tiến cho cây trồng cạn trên địa bàn tỉnh.

Trong kế hoạch, UBND tỉnh nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh theo hướng hỗ trợ một phần về đầu tư trang thiết bị hay có chính sách ưu tiên cho nông dân vay vốn dài hạn với lãi suất thấp để bà con có điều kiện ứng dụng công nghệ kỹ thuật tưới tiết kiệm nước vào sản xuất.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu đến năm 2020 tưới tiên tiến đạt 5.000 ha
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO