Giúp phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Tường Mạnh| 08/06/2017 09:52

Theo Kế hoạch số 63/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2017 trên địa bàn tỉnh có chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, một mục tiêu được Ban Chỉ đạo nhấn mạnh đó là cần tạo cơ hội cho phụ nữ mang thai tiếp cận sớm với các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Theo thống kê của Bộ Y tế, lây truyền HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi  và 99% số trẻ nhiễm HIV cũng từ nguyên nhân này. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm. Đặc biệt, việc can thiệp cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong thời kỳ trước sinh, trong khi sinh và sau sinh sẽ góp phần làm giảm số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ.

Riêng đối với Đắk Nông, do dân cư sống rải rác, ngôn ngữ bất đồng, dân trí không đồng đều và một số địa phương còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, nên việc đưa các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tới phụ nữ mang thai còn gặp nhiều khó khăn. Việc phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tự nguyện và phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng còn nhiều hạn chế. Đây thực sự là vấn đề đáng phải quan tâm trong việc triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2017 trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Qua đánh giá của ngành Y tế, những bằng chứng về hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đầu đại dịch HIV mới xuất hiện. Thế nhưng, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng khắp, đúng quy trình, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Điều quan trọng nhất là phải tăng cường cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Vì vậy, theo Ban Chỉ đạo tỉnh, trong Tháng cao điểm, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, nhất là ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Việc tư vấn, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cần được mở rộng tại tuyến xã và tăng cường hình thức xét nghiệm lưu động tại những nơi có tình hình dịch cao. Trong thời gian từ ngày 13-24/6, mỗi huyện, thị xã lựa chọn 1 xã, phường, thị trấn làm điểm (ưu tiên nơi trọng điểm về HIV/AIDS) để tổ chức các hoạt động tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15-49 tuổi.

Đặc biệt, để tăng cường khả năng dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, trong quá trình quản lý thai nghén tại địa phương, các trạm y tế xã đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức tư vấn xét nghiệm HIV cho các thai phụ. Đối với những địa bàn xa trung tâm và cơ sở y tế, đội ngũ y tế thôn, bon, cô đỡ thôn bản cũng cần phát huy vai trò trong việc tăng cường lồng ghép tư vấn về xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại địa phương mình quản lý.

Kế hoạch Tháng cao điểm cũng nhấn mạnh đến việc cần phải tổ chức các hoạt động quảng bá dịch vụ, kèm theo các hình thức khuyến khích khác nhau. Các cơ sở y tế cần kéo dài thời gian mở cửa, nhất là ngoài giờ hành chính để thu hút được nhiều phụ nữ mang thai; nếu cần thì bố trí làm theo ca, huy động thêm lực lượng để đáp ứng. Các cơ sở y tế phải bảo đảm đủ vật tư, thuốc, sinh phẩm để phục vụ; trong trường hợp có khó khăn phải kịp thời phản ánh với ngành chức năng để điều phối từ nơi khác hoặc từ nguồn dự trữ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp phụ nữ mang thai tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO