Ðể sầu riêng Ðắk Nông xuất khẩu chính ngạch

Hồng Thoan| 19/07/2022 08:59

Đắk Nông hiện có diện tích, sản lượng sầu riêng khá lớn. Trước thông tin từ ngày 11/7, sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được nhiều người nhận định đây là cơ hội lớn song cũng không ít thách thức.

ADQuảng cáo

Tín hiệu vui

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)  là một trong những người trồng sầu riêng với diện tích lớn. Hiện ông có 17 ha sầu riêng Ri6 được trồng thuần, với sản lượng khoảng 100 tấn/vụ.

Từ trước đến nay, toàn bộ sản phẩm sầu riêng của ông đều được bán cho các thương lái và chủ yếu tiêu thụ trong nước. Một phần nhỏ sản lượng sầu riêng được trang trại liên kết, cung ứng làm nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng không theo đường chính ngạch.

Hơn ai hết, ông Trung rất vui mừng trước việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Bởi đây là thị trường lớn, với đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng sầu riêng. Xuất khẩu chính ngạch sẽ có cơ hội bán được sản phẩm với giá cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại Gia Trung, vui mừng vì sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Ông Trung cho rằng, trang trại của ông, nhiều năm đạt chứng nhận sản xuất VietGAP. Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ, rất có thể sản phẩm của ông đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước bạn.

Nhiều năm nay, quá trình canh tác sầu riêng của gia đình ông đều tuân thủ các quy trình, quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Gia đình ông hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm quả sầu riêng tươi của trang trại đã được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP hạng 3 sao. "Tôi rất vui và sẵn sàng đầu tư, cải thiện thêm các yêu cầu nếu được lọt vào danh sách vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Trung bày tỏ.

Còn nhiều việc phải làm

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, sầu riêng là một trong những sản phẩm trái cây có tính mùa vụ cao. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên giá sầu riêng bấp bênh, nhiều thời điểm xuống thấp.

Việc Chính phủ, Bộ NN-PTNT hoàn thành các bước đàm phán với Trung Quốc nhằm đạt được thỏa thuận về xuất khẩu sầu riêng bằng đường chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu là một kết quả lớn.

Xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc giúp cho sầu riêng có thêm nhiều thị trường tiêu thụ

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT,  trước đó, với sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã có sự chuẩn bị để sẵn sàng cho việc xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

ADQuảng cáo

Cụ thể, Sở NN-PTNT đã thực hiện khảo sát, lập danh sách các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và gửi Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhằm bảo đảm xuất khẩu được ngay khi có cơ hội.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 4 vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Sở NN-PTNT hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị xem xét cấp mã số cho các vùng trồng và cơ sở đóng gói này.

Tuy nhiên, với các yêu cầu đặt ra, so sánh với thực tiễn sản xuất sầu riêng của tỉnh thì vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn được xuất khẩu. Chẳng hạn, việc để được cấp mã các vùng trồng, cơ sở đóng gói đều phải thực hành sản xuất theo các quy trình nông nghiệp tốt do nước nhập khẩu đặt ra.

Trong đó, vùng trồng phải đáp ứng được các yêu cầu về xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Vùng trồng cũng phải bảo đảm vệ sinh vườn trồng, cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng, hư hỏng.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại, đặc biệt là ruồi đục quả, các loài rệp sáp.

Nhà vườn phải áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác.

Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát, kiểm soát sinh vật dịch hại. Hồ sơ này sẽ được cung cấp cho nước bạn khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng, liều lượng trong quá trình canh tác...

Các yêu cầu này, tại một số nhà vườn Đắk Nông đã thực hành, nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa h ình thành được quy trình canh tác chung cho sản xuất sầu riêng.

Đồ họa: B.M - H.T

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tình, để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết là cần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn sinh học, vệ sinh thực phẩm.

Việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng cần được quan tâm, góp phần hạn chế xảy ra các vi phạm về an toàn sản xuất. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm mà phía Trung Quốc yêu cầu...

Bà Tình nhấn mạnh thêm, cái khó nhất hiện nay là các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng chưa có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm, đặc biệt là ruồi đục quả, các loài rệp sáp.

Sở NN-PTNT đang nỗ lực cùng với Bộ NN-PTNT sớm có được quy trình sản xuất sầu riêng cụ thể, từ đó hướng dẫn, tập huấn cho nhà nông, doanh nghiệp. Đối với hộ sản xuất, việc ghi chép nhật ký cũng là điều không dễ thay đổi, đòi hỏi tính chủ động cao.

Năm 2022, ước diện tích sầu riêng toàn tỉnh khoảng 5.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.758 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Sầu riêng tập trung chủ yếu ở các huyện Ðắk Song, Ðắk R’lấp, Ðắk Mil, Tuy Ðức...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ðể sầu riêng Ðắk Nông xuất khẩu chính ngạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO