Đắk Mil, các cơ sở chế biến nông sản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Lê Dung| 14/03/2012 15:28

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil thì năm 2011, trên địa bàn huyện có tới 76 cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở gây ô nhiễm nhất chủ yếu tập trung tại xã Đắk Lao và Đức Minh...

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk Mil thì năm 2011, trên địa bàn huyện có tới 76 cơ sở đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các cơ sở gây ô nhiễm nhất chủ yếu tập trung tại xã Đắk Lao và Đức Minh. Ngoài phát sinh khói, bụi thì việc hoạt động liên tục trong suốt 24/24 giờ của các lò đã gây nên tiếng ồn khó chịu cho người dân ở khu vực xung quanh. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian qua, ngoài sự tự giác đầu tư xây dựng lò sấy đảm bảo về môi trường của một số hộ dân, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều động thái tích cực giúp các lò sấy hoạt động ổn định và việc sinh hoạt của người dân được tốt hơn, nhất là vào mùa thu hoạch cà phê.

Lò sấy cà phê của đại lý Lan Diệu ở xã Thuận An (Đắk Mil) đã được đầu tư xây dựng đảm bảo về môi trường khi hoạt động

ADQuảng cáo

Được biết, sau khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, nhận thức của nhiều người dân trên địa bàn về vấn đề ô nhiễm môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Một số hộ trên địa bàn huyện đã tự đầu tư vốn để xây dựng lại các lò sấy và đổi mới kỹ thuật, công nghệ. Đơn cử như lò sấy của Đại lý Cà phê Lan Diệu ở xã Thuận An, đơn vị này đã có nhiều đầu tư về mặt thiết bị. Theo bà Lê Thị Lan Anh, Chủ đại lý Cà phê Lan Diệu thì trước đây, doanh nghiệp thường sử dụng củi khô để đốt lò sấy cà phê nên lượng khói tỏa ra rất nhiều. Hơn nữa, do không được che chắn cẩn thận nên bụi bặm theo đó cũng bay đi khắp nơi, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Nhận thấy rõ sự ô nhiễm môi trường, vừa qua, đơn vị đã mạnh dạn đầu tư xây 2 lò mới, trị giá trên 400 triệu để sấy cà phê khi vào mùa. Hiện tại, tường rào xung quanh lò sấy cũng đã được cơ sở xây khép kín. Phía trước lò được chăng bạt cẩn thận, hạn chế được bụi bặm lan ra ngoài. Ngoài ra, để tránh khói tỏa ra xung quanh, đơn vị còn đầu tư xây dựng thêm các ống dẫn khói dẫn từ lò thoát lên trên mái hiên. Nhờ vậy, giờ đây, không chỉ khói, bụi, mà tiếng ồn khi lò hoạt động cũng đã được giảm đi khá nhiều. Đơn vị cũng không còn bị người dân xung quanh kêu ca, phàn nàn nhiều vì hoạt động thường xuyên của các lò sấy. Bà Trần Thị Phúc ở thôn Thuận Thành, xã Thuận An cho biết: “Trước kia, do lò sấy nằm sát ngay bên cạnh gia đình nên khói, bụi cứ thế bay vào nhà. Thực trạng này đã gây ra cho các thành viên trong gia đình ảnh hưởng về đường hô hấp. Nhưng, từ khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, che chắn cẩn thận, tình trạng trên đã giảm hẳn. Gia đình tôi cũng yên tâm vì cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đã được ổn định trở lại”… Được biết, bên cạnh sự nhận thức sâu sắc về môi trường của các hộ dân, trong năm nay, địa phương cũng đã vạch sẵn kế hoạch cho việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ các lò sấy nông sản.

Theo đó, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện sẽ phối hợp với chính quyền các xã để tuyên truyền và khuyến cáo người dân đưa lò sấy của gia đình ra xa khu dân cư. Chính quyền xã cũng sẽ tập trung bố trí quỹ đất trong rẫy để người dân được thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển, trông coi cà phê và đặt lò sấy. Đặc biệt, vào khoảng tháng 6, huyện cũng sẽ tổ chức một đoàn kiểm tra liên ngành để đi rà soát lại một lần nữa hoạt động của tất cả các lò sấy. Theo đó, các cơ sở phải cam kết với cơ quan chức năng về đầu tư xây dựng hệ thống máy móc theo đúng quy định để tránh gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở nào không chấp hành, vẫn cố tình đốt lò sấy như trước đây thì sẽ bị đình chỉ hoạt động ngay… Những động thái từ phía chính quyền và người dân đã góp phần hạn chế được tình trạng ô nhiễm về môi trường từ các lò sấy nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là biện pháp trước mắt. Còn về lâu dài, huyện cũng sẽ tổ chức một hội thảo về giải quyết ô nhiễm môi trường từ các lò sấy nông sản, với sự tham gia của cán bộ xã, huyện, các hộ dân, doanh nghiệp để tìm ra hướng khắc phục phù hợp hơn; đồng thời, tránh sự mất cắp do để cà phê trong rẫy hoặc bị tháo gỡ trộm máy móc, gây thiệt hại cho người dân...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil, các cơ sở chế biến nông sản khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO