Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm

Trần Văn Hoạt| 19/05/2016 10:30

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương và nói đi đôi với làm thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần nêu gương và thực hiện nói đi đôi với làm trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người, đối với việc.

Đối với mình: Phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, phải tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày.

Đối với người: Luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng, thật thà, không dối trá, lừa lọc.

Đối với việc: Dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư).

Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí  Minh (31/5/1957). Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục bằng nêu gương, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách làm tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Theo Người, trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác.

Trong cuộc sống hằng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu. Từ những nhân tố mới làm gương mẫu nhân rộng ra, dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo, tạo nên khí thế cách mạng hào hùng trong sản xuất, công tác... rộng khắp trong cả nước.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, Người đã yêu cầu phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo. Người dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, cán bộ, đảng viên có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.

Người nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý".

Người dạy: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần kiệm trước đã. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”.

Lãnh đạo tỉnh trao giải nhất Hội thi kể chuyện điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh năm 2015 cho thí sinh Nguyễn Thị Thu. Ảnh: Hoàng Hoài

Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh: Nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Theo Người, về bản chất, “nói đi đôi với làm” không chỉ là nguyên tắc đạo đức, lẽ sống, phương châm hoạt động mà còn là biểu hiện sinh động cụ thể của việc quán triệt sâu sắc nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức của mỗi người. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Nói đi đôi với làm còn là biểu hiện của sự gương mẫu, trung thực, trong sáng của cán bộ, đảng viên, công chức nêu gương trước nhân dân. Theo Người, nói đi đôi với làm, nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai, không được "nói một đằng, làm một nẻo". Nói được, làm được sẽ mang lại hiệu quả công việc, được nhiều người hưởng ứng, ủng hộ, làm theo. Không được nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm.   

Đối với mỗi người để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với việc làm phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Có nhận thức đúng nhưng không có sự cố gắng, bền bỉ và quyết tâm vượt qua được sự cám dỗ của lợi ích cá nhân sẽ dẫn đến nói không đi đôi với làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO