Tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu

Văn Tâm| 01/08/2016 15:30

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp -PTNT), đến nay, các địa phương đã gieo trồng được 70.540/ 77.179 ha, đạt 91,40% kế hoạch.

ADQuảng cáo

Căn cứ tình hình thời tiết, cơ cấu giống cây trồng trong vụ, kết quả theo dõi, điều tra dịch hại thời gian qua cho thấy, những đối tượng dịch hại chính có khả năng sẽ gây hại nặng trên diện tích các loại cây trồng trong vụ.

Để chủ động và hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất, tiêu diệt nguồn bệnh trong quá trình triển khai sản xuất. Gia đình ông Trần Văn Nam ở thôn Xuyên Phước, xã Đức Xuyên (Krông Nô), vụ này gieo cấy 2 sào lúa.

Để bảo đảm an toàn cho đồng ruộng, ông Nam đã tuân thủ đúng hướng dẫn về quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu hại của ngành chuyên môn địa phương như xử lý đất, gieo trồng tập trung đúng lịch thời vụ, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng kháng rầy cao để gieo trồng.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thuần ở xã Đắk Gằn (Đắk Mil) mùa này cũng trồng gần 1 ha ngô. Ông Thuần cho biết: Năm nay mùa mưa đến muộn, nắng nóng gay gắt ngay từ giai đoạn cây nảy mầm nên tôi rất chú trọng đến khâu chăm sóc để cây đủ sức phát triển. Do đó, tôi đã áp dụng chặt chẽ việc bón lót, bón tổng hợp NPK có bổ sung trung lượng, vi lượng cho cây ngô đạt hiệu quả về năng suất trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt này.

Nông dân xã Đắk Gằn (Đắk Mil) bón phân cho cây ngô

ADQuảng cáo

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8, trong điều kiện môi trường có ẩm độ cao như mưa giông, ảnh hưởng bão kéo dài nhiều ngày, các loại sâu hại như: Rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá và bệnh sọc lá vi khuẩn sẽ phát triển mạnh, ảnh hưởng nặng trên lúa giai đoạn làm đòng đến trổ đều và ngậm sữa.

Đối với bệnh lem lép hạt, dự báo sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9 với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng. Còn đối với cây công nghiệp dài ngày, hiện các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê cũng đang tích cực ra đồng làm vệ sinh vườn cây, tập trung dinh dưỡng nuôi cây phục hồi, nuôi quả phát triển.

Theo ghi nhận, sau khi có các trận mưa lớn, đất trong các vườn cà phê, hồ tiêu đủ ẩm, nông dân đã chủ động bổ sung các loại phân chuyên dụng như NPK 16-8-16-13S hoặc 16-8-18+7S+B203+TE và bón thêm phân lân, hữu cơ cho các vườn cà phê, tiêu. Nhờ đó, hầu hết các vườn cây của bà con đã nhanh chóng “lấy lại sức”, kết trái, hứa hẹn đạt được năng suất cao.

Với mục tiêu tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp phần thiếu hụt sản lượng do hạn hán gây ra đã và đang được ngành Nông nghiệp các địa phương và nông dân triển khai triệt để.

Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ thực vật thì hiện các đơn vị thường xuyên theo dõi, hướng dẫn sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng ngắn ngày và cây dài ngày vụ hè thu. Đồng thời, Chi cục cũng luôn tăng cường nhân lực triển khai công tác dự tính, dự báo, điều tra phát hiện tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng của các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch hại trên cây trồng vụ hè thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO