Cà phê - Nông sản xuất khẩu chủ lực của Đắk Nông
Nhiều năm qua, cà phê luôn là nông sản xuất khẩu hàng đầu của Đắk Nông, với các thị trường lớn như Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản…
Xứng tầm nông sản chủ lực
Cà phê Đắk Nông có lịch sử phát triển từ lâu. Vào khoảng năm 1958, người Pháp đã trồng cà phê ở huyện Đắk Mil tại đồn điền cà phê Đức Lập (nay là Công ty Cà phê Đức Lập). Cà phê Đức Lập từ thời đó đã có mặt ở nhiều nước, được ưa chuộng vì chất lượng cao.
Có thể nói, từ đó đến nay, cà phê luôn được các cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp coi là cây trồng chủ lực. Cà phê không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người dân, doanh nghiệp.
Những năm qua, dù không tránh khỏi những biến động, nhưng cà phê vẫn là cây trồng có sự phát triển ổn định so với các loại cây khác như hồ tiêu, cao su, bơ...
Đắk Nông xác định cà phê là một trong những cây trồng chủ lực, với những định hướng cụ thể trong phát triển. Năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành danh mục cây trồng chủ lực cấp tỉnh. Trong đó, cà phê là cây trồng được tỉnh xếp đầu bảng (cùng với hồ tiêu, điều và cao su).
Thực tế những năm qua, cây cà phê luôn chứng minh là cây trồng chủ lực. Diện tích cà phê Đắk Nông hiện nay chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp; chiếm 59,6% tổng diện tích cây lâu năm của tỉnh.
Diện tích cà phê Đắk Nông hiện đạt khoảng 141.000 ha. Trong đó, diện tích cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh khoảng 128.000ha. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 400.000 tấn/năm.
Diện tích, sản lượng cà phê của tỉnh Đắk Nông đứng thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Lâm Đồng. Cây cà phê được trồng phổ biến, rộng khắp tại tỉnh Đắk Nông. Loại cà phê được trồng chủ yếu là cà phê vối (Robusta), chiếm khoảng 99%.
Trước đây đứng đầu tỉnh về diện tích cà phê là huyện Đắk Mil thì nay là huyện Krông Nô, với 23.700ha. Đứng thứ hai là huyện Đắk Song, với 23.400ha; thứ ba là Đắk Mil, với 21.600ha và tiếp theo là các huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp và Đắk Glong…
Những năm qua, nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Đắk Nông đã đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng tầm cây cà phê. Các khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê... đều có những bước phát triển, được thị trường ghi nhận.
Năm 2023, người trồng cà phê ở Đắk Nông trúng mùa, được giá. Kết quả này một phần chứng minh cho sự đầu tư đúng hướng của người dân đối với cây cà phê.
Thời gian gần đây, giá cà phê liên tục tăng cao, đạt mức kỷ lục trong hàng chục năm nay (khoảng 130.000 đồng/kg). Điều này đã tạo tâm lý hứng khởi trong sản xuất cà phê cho người dân.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp Đắk Nông và nông dân đang đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê; phát triển cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhiều địa bàn đang phát triển các vùng trồng cà phê theo hướng đặc sản; hình thành các vùng nguyên liệu cà phê tập trung, đạt chuẩn…
Đắk Nông đã công nhận vùng trồng cà phê tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil, với diện tích gần 350ha. Tỉnh định hướng tới năm 2035 sẽ có gần 7.000ha cà phê canh tác theo các tiêu chuẩn hữu cơ, kịp thời đáp ứng xu thế phát triển cà phê của thế giới.
Khẳng định giá trị trên thị trường
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An, huyện Đắk Mil, cho biết, nhiều năm nay, sản phẩm chủ lực của hợp tác xã (HTX) là cà phê.
HTX đặt mục tiêu sản xuất bền vững nhằm đưa ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu cao cấp của thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Hiện sản phẩm của HTX đã đủ sức cạnh tranh với cà phê chất lượng cao của thế giới thông qua việc được cấp Chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade).
Đến nay, HTX có 112 thành viên, với vùng nguyên liệu 480ha. Nhờ việc tổ chức sản xuất bài bản, sản lượng cà phê trên của các thành viên luôn ổn định ở mức cao, bình quân đạt 674 tấn/vụ, mang lại doanh thu từ 11-18 tỷ đồng/năm.
"Sản xuất cà phê sạch đã mang lại cho HTX nhiều lợi thế trong xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ", ông Hạ khẳng định.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin, Đắk Nông xuất khẩu cà phê đạt khoảng 110.000 tấn/năm, với giá trị bình quân khoảng 200 triệu USD/năm. Cà phê chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm của tỉnh.
Các thị trường xuất khẩu cà phê của Đắk Nông chủ yếu là Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia… Trong đó, Singapore là thị trường lớn nhất, chiếm trên 60% giá trị xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Cà phê luôn được xác định là cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh. Các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chế biến cà phê, hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Đắk Nông đã có 25 chuỗi liên kết sản xuất cà phê, với 12 HTX, 13 doanh nghiệp, 7.700 hộ sản xuất tham gia. Tổng diện tích cà phê tham gia liên kết khoảng 13.300ha, sản lượng gần 41.000 tấn/ năm.
Hoạt động về phát triển cà phê mang tính đặc trưng, đặc sản đang được tỉnh đẩy mạnh. Đây được coi là điểm mạnh để góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng cà phê của Đắk Nông.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, chất lượng cà phê Đắk Nông ngày càng được công nhận trên thị trường thế giới, nhất là khi đạt được Chứng chỉ thương mại công bằng (Fairtrade), Chứng nhận về nông nghiệp tốt.
Đắk Nông đã có 23.500ha cà phê đạt các tiêu chuẩn chứng nhận như 4C, RA, GlobalGap, hữu cơ. Sự chú trọng vào chất lượng, chuẩn mực và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cà phê đã giúp nâng cao giá trị của ngành hàng này trên thị trường.
Những tiền đề trên đã và đang tạo ra những điều kiện lớn cho cà phê Đắk Nông trong việc tiếp cận thị trường. Người sản xuất cà phê đang quan tâm, hướng đến chất lượng, phát triển hiệu quả, bền vững...