Lộc Ninh hôm nay

Bài và ảnh: NHẤT SƠN| 29/04/2024 05:51

Huyện biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) là một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, nhất là trong giai đoạn 1972-1975 khi nơi này trở thành hậu phương, nơi tập kết nhân lực, vật lực cho giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Vùng hậu phương năm xưa, nay vươn lên trở thành một trong những huyện giàu mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

Năm 2022, các xã Lộc Tấn, Lộc Thành, Lộc Hiệp, Lộc Quang, Lộc Thuận, thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh và huyện Lộc Ninh được công nhận là vùng An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Bình Phước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hậu phương đầu tiên ở biên giới Tây Nam

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, huyện Lộc Ninh ghi dấu nhiều sự kiện, chứng tích có ý nghĩa to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền nam được giải phóng (năm 1972) và trở thành căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam giai đoạn 1973-1975. Lộc Ninh còn là nơi đóng căn cứ của Đoàn 315-Phái đoàn quân sự Cộng hòa miền nam Việt Nam tham gia đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn phải thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris.

Đặc biệt, Lộc Ninh còn là nơi diễn ra hoạt động trao trả tù binh, tiếp đón gần 3.000 đồng bào, chiến sĩ và nhân dân ta từ các nhà tù của Mỹ-ngụy trở về sau những năm tháng giam cầm. Ngày nay, các di tích lịch sử như Nhà Giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền nam Việt Nam trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang là minh chứng sống cho trang sử vàng của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước của quân và dân miền nam.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước Mạc Đình Huấn cho biết: “Lộc Ninh là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống cách mạng và có sự đa dạng về sắc thái văn hóa các tộc người. Huyện cũng có nhiều loại hình di sản văn hóa đa dạng, phong phú với mật độ chiếm hơn 30% di tích của cả tỉnh. Đây là một trong những lợi thế hiếm có để Lộc Ninh bứt phá và phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng-an ninh vững mạnh.

Nói đến Lộc Ninh là nói đến văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; trong đó, đồng bào Xtiêng sống lâu đời và có nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, nơi đây, có nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ cồng chiêng được lưu truyền mang đậm bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, đồng bào Khmer với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, như: Phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian,... cũng được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các lễ hội truyền thống của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Lộc Ninh, như: Lễ hội xuống đồng, lễ hội Dua Tpeng (còn gọi là phá bàu) làm nên sắc thái văn hóa mang tính đặc trưng của huyện Lộc Ninh.

Đổi mới trên vùng đất cách mạng

Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh đã vươn mình phát triển với nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực. Những giá trị và ý nghĩa của các di tích lịch sử vẫn luôn được địa phương gìn giữ, phát huy. Trong đó, rất nhiều địa điểm di tích lịch sử khắc ghi những chiến công oanh liệt, hào hùng và cả những hy sinh, gian khổ của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đây là những địa chỉ đỏ, có giá trị giáo dục tư tưởng và lòng yêu nước của các thế hệ; đồng thời, cũng truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình, tinh thần đoàn kết, đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta. Phát huy truyền thống ấy, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lộc Ninh đồng lòng đoàn kết xây dựng vùng đất cách mạng ngày một giàu đẹp. Lộc Ninh đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Qua đó, góp phần phát huy dân chủ, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết: Thông qua công tác dân vận, hệ thống chính trị huyện đã đoàn kết, nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, nhất là các phong trào, mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn huyện được đẩy mạnh; các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất phục hồi kinh tế.

Nhờ đó, mặc dù là huyện biên giới có địa bàn rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã xây dựng 14/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh, đã có 23 sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá phân hạng đạt từ 3 đến 4 sao.

Đồng chí Hồ Quang Khánh cho biết thêm: Thời gian qua, huyện rất chú trọng xây dựng và thực hiện đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện tập trung đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin tuyên truyền với các hình thức, cách thức phong phú và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phản ánh trung thực các mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay làm việc tốt”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; là cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Huyện xác định, trong nhiệm kỳ phát triển Lộc Ninh cơ bản trở thành điểm đến hấp dẫn, mang thương hiệu “Lộc Ninh-điểm đến an toàn, chất lượng và thân thiện”. Trong đó, lấy khu di tích lịch sử Tà Thiết là trung tâm phát triển, kết hợp du lịch về nguồn, sinh thái, du lịch tâm linh, trải nghiệm, khám phá…

Huyện phấn đấu mỗi năm thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách đến với huyện, duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3-4% và doanh thu đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. Để cụ thể hóa mục tiêu này, Lộc Ninh cùng với chính quyền các cấp đã trùng tu, tôn tạo, nâng cấp nhiều hạng mục công trình tại các điểm di tích. Đồng thời, phối hợp tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch… Nhờ vậy, hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Toàn huyện hiện có 7.276 cơ sở thương mại, dịch vụ; mỗi năm thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách đến tham quan…

Sau hơn 50 năm giải phóng, huyện Lộc Ninh ngày nay đã có nhiều đổi thay và phát triển; diện mạo vùng nông thôn có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; kinh tế-xã hội phát triển mạnh, nhất là phát triển du lịch về miền di tích kết hợp du lịch sinh thái, du lịch văn hóa bản sắc các dân tộc.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/loc-ninh-hom-nay-post807068.html
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộc Ninh hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO